(HBĐT) - Xác định tầm quan trọng của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, hội, đoàn thể, công tác DS - KHHGĐ của huyện Đà Bắc đã có nhiều chuyển biến.
Công tác DS - KHHGĐ của huyện luôn được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định pháp luật về hôn nhân - gia đình, chính sách DS - KHHGĐ được chú trọng thực hiện. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện.
Đồng chí Quản Thị Biên, Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện cho biết: Để tạo chuyển biến trong công tác dân số, Trung tâm Y tế huyện phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về công tác DS - KHHGĐ với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào 4 nhóm: Người có uy tín trong cộng đồng, người cung cấp dịch vụ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Nội dung tuyên truyền tập trung vào 4 vấn đề: Tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh và bệnh tan máu bẩm sinh.
Song song với đó, huyện tăng cường cung ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ qua hình thức tổ chức chiến dịch truyền thông kết hợp dịch vụ KHHGĐ để tăng số người áp dụng biện pháp tránh thai (lâm sàng và phi lâm sàng), thực hiện mục tiêu giảm sinh, tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên và mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đảm bảo đạt hiệu quả. Triển khai, duy trì các hoạt động can thiệp, mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số tại các xã, thị trấn, như các mô hình: Chăm sóc người cao tuổi, câu lạc bộ liên thế hệ tại cộng đồng; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; can thiệp truyền thông làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết; các mô hình khác theo hướng dẫn của Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh. Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, vận động về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, khuyến khích hỗ trợ phát huy vai trò, vị thế của trẻ em gái nói chung, đặc biệt là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Duy trì 2 câu lạc bộ tiền hôn nhân phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh tại xã Hiền Lương, Cao Sơn và các câu lạc bộ tại các xã trong huyện. Lựa chọn, xây dựng điểm các mô hình: "không tảo hôn”, "không sinh con thứ 3 trở lên”, "không mất cân bằng giới tính, không quá 107 nam/100 nữ”, "xét nghiệm tiền hôn nhân về mang gen bệnh tan máu bẩm sinh”.
Đến nay, công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, chất lượng dân số từng bước được cải thiện, phát triển dân số tự nhiên giữ vững 1,2% năm, tỷ số giới tính khi sinh giảm về mức dưới 110 bé trai/100 bé gái, có trên 70% cặp vợ chồng trong độ tuổi thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.
Đỗ Hà