Bà Bạch Thị Dậu, thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn) phải di chuyển cách nhà hơn 2 km để lấy nước ăn uống hằng ngày ở khu Vó Khạ.
Khi chưa sáp nhập thành thôn Đồng Om, 27 hộ dân này thuộc xóm Om Ngái (cũ). Anh Nguyễn Văn Tư, thôn Đồng Om cho biết: "Nguồn nước chính của bà con ở đây được lấy từ nước giếng. Nhà nào cũng đào giếng khoan hoặc giếng khơi để lấy nước sử dụng. Các hộ cũng chủ động xây dựng bể chứa nước sinh hoạt, một vài hộ mua được téc nhôm đựng nước. Tuy nhiên, từ lâu nay, nước đó chỉ được dùng để tưới tiêu, tắm giặt chứ không dám dùng cho nấu ăn hay đun nước uống do nước bị nhiễm bẩn, nhiễm đá vôi và có mùi lạ”.
Vì lý do đó nên gia đình anh Tư đã 12 năm nay phải di chuyển cách nhà 2 - 3 km, đến khu Vó Khạ lấy nước giếng làng và nước tự chảy từ trên đồi xuống về làm nước ăn uống cho cả nhà. Đó cũng chính là việc làm thường xuyên của người dân ở đây trong suốt nhiều năm qua như một "thói quen bất đắc dĩ”. Chúng tôi có mặt tại nhà bà Bạch Thị Dậu, thôn Đồng Om cùng bà tham gia một chuyến lấy nước như thường lệ. Một chiếc xe máy làm phương tiện, kèm theo 2 - 3 chiếc can 5, 10, 20 lít buộc chặt vào xe để đựng nước. Con đường nhỏ len lỏi trong xóm dẫn chúng tôi đến giếng làng, có một vòi nước nhỏ dẫn từ trên đồi cao xuống có nước mát lạnh chảy liên tục. Mặc dù chưa có sự kiểm chứng cho rằng nước ở đây sạch nhưng theo người dân, nguồn nước đó đã được dùng bao nhiêu năm nay nên "cũng sạch”, "chứ không thì cũng không biết lấy nước ở đâu nữa mà dùng” - bà Dậu cho hay. Sau khi hứng nước đầy 3 can và chất lên xe, chiếc xe máy cũ ì ạch hơn do chở nước nặng nhưng dường như người phụ nữ đó lái xe không chút khó khăn vì thành thục với việc này rồi. Nán lại một hồi, chúng tôi thấy chốc chốc lại có người ra vào, người xe máy, xe đạp mang can, chai nhựa đủ kích cỡ để đựng nước, không chỉ riêng 27 hộ này mà cả người dân sống xung quanh cũng đến lấy nước dùng.
Một phần do chất nước không đảm bảo nên người dân không dám sử dụng để nấu ăn, đun nước uống, phần khác là bụi đá từ hoạt động khai thác đá cũng làm ảnh hưởng tới nước sinh hoạt tại các bể chứa của các hộ dân. Gia đình bà Nguyễn Thị Đào, thôn Đồng Om là một trong những hộ sinh sống gần các mỏ đá. Bể chứa nước sinh hoạt của gia đình đặt phía sau nhà. Bể đã được sử dụng nhiều năm, che đậy bằng những tấm lợp pro xi măng. Khi lật tấm che lên, bề mặt nước đóng váng phủ lớp bụi trắng xóa. Theo bà Đào, do nước tại bể chứa không đảm bảo nên gia đình chỉ dám dùng để tưới tiêu, nhưng cũng chẳng ăn thua do bụi đá phủ hết bề mặt cây trồng, cây cũng không lớn được, năng suất kém dẫn đến thu nhập từ trồng trọt giảm sút. Các hộ đa số dùng bể chứa nước được xây dựng từ lâu, gần đây có 4 - 5 hộ mua được téc nhôm đựng nước, như gia đình anh Nguyễn Văn Tư vẫn duy trì 1 bể nhỏ và 2 téc nước, tổng chứa 1.300 lít. Tuy nhiên, nhà nào dùng téc nước kín tránh được bụi đá, nhà nào chỉ dùng vật khác che chắn thì không tránh khỏi. Phần đa các hộ sắm máy lọc nước cỡ nhỏ, nhưng do đá vôi và bụi, cặn nhiều nên chỉ dùng được một thời gian là hỏng. Tuy nhiên, theo anh Tư, nếu dùng nước lấy lên từ giếng hoặc từ bể chứa, sau khi lọc nước vẫn có mùi vị khó uống, không dùng được.
Trao đổi vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương cho biết: "Nước bị nhiễm đá vôi nặng cũng là vấn đề chung của nhiều hộ dân trong xã, trong khi nguồn nước chính của người dân lại từ nước giếng. Thực tế, từ khi chưa có mỏ đá người dân đã lấy nước ở giếng làng khu Vó Khạ dùng. Ngay tại trụ sở UBND xã có giếng nước cũng chỉ để dùng vào việc khác, còn nước uống xã phải mua nước khoáng Kim Bôi. Chúng tôi đề xuất với cấp trên sớm đưa ra phương án xây dựng công trình nước sạch hoặc dẫn nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh để phục vụ đời sống, sinh hoạt của Nhân dân”.
Liên hệ với Phòng TN&MT huyện Lương Sơn, lãnh đạo phòng cho biết chưa nắm được vấn đề này do chưa có phản ánh từ người dân hay báo cáo từ cấp xã lên. Tuy nhiên, theo thực tế nắm tình hình trực tiếp tại cơ sở thì những đề xuất của đồng chí Chủ tịch UBND xã Cao Dương cũng chính là mong mỏi của anh Tư, bà Dậu, bà Đào và các hộ dân thôn Đồng Om sớm thoát khỏi cảnh "cõng” nước về nhà hằng ngày, cải thiện đời sống, sinh hoạt, giúp Nhân dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.
Gia Khánh