(HBĐT) - Cách trung tâm huyện Mai Châu hàng chục km, Sơn Thủy là xã đặc biệt khó khăn được sáp nhập từ 3 xã Tân Mai, Ba Khan, Phúc Sạn. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất lạc hậu, đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn.
Đồng chí Bùi Văn Yêu, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy cho biết: Những năm qua, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo động lực để người dân vươn lên ổn định cuộc sống, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, đưa các loại cây chịu hạn, chịu rét, hiệu quả cao vào sản xuất. Để làm được điều đó, xã chủ động đề xuất UBND huyện và phối hợp các cơ quan chức năng của huyện mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tinh thần "cầm tay, chỉ việc”. Kết quả, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo cơ hội giúp nhiều hộ trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ngoài lúa là cây trồng truyền thống, hiện nay, cây ngô và khoai lang là 2 cây trồng chủ đạo ở Sơn Thủy, với tổng diện tích ngô đạt khoảng 210 ha, khoai lang trên 100 ha. Diện tích 2 loại cây trồng này tập trung chủ yếu ở xóm Khan Thượng, Khan Hạ. Để nâng cao giá trị cây trồng cũng như trình độ thâm canh của người dân, xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tìm các loại giống chất lượng cao, đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ canh tác.
Đồng chí Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Châu chia sẻ: Bên cạnh việc cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình trồng trọt tại xã Sơn Thủy, Trung tâm phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động địa phương. Ngoài việc truyền dạy kiến thức trên lớp, các học viên được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm và các giáo viên của Trung tâm GDNN - GDTX huyện trực tiếp mở các lớp hướng dẫn tại hiện trường, thực địa. Cách làm đó đã đem lại hiệu quả cao vì người dân vừa được truyền dạy kiến thức, vừa được trực tiếp triển khai thực hiện ngay tại thực địa.
Với sự đồng hành của cán bộ kỹ thuật và kiến thức, kỹ năng được truyền đạt tại các lớp đào tạo nghề, mô hình trồng khoai lang cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Sơn Thủy, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Anh Bùi Văn Phước, xóm Khan Hạ cho biết: So với cây ngô, cây khoai lang dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, ít bị sâu bệnh và hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần. Năng suất bình quân của khoai lang trên địa bàn xã hiện đạt 1,5 - 2 tấn/1.000 m2. Niên vụ vừa qua, gia đình trồng hơn 3.000 m2 khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP, thu được hơn 5 tấn củ. Với giá thu mua ổn định tại vườn từ 9.000 - 13.000 đồng/kg tùy loại như hiện nay, đời sống gia đình từng bước được cải thiện.
Cũng giống gia đình anh Phước, gia đình anh Bùi Đức Tấn trồng khoảng 3.000 m2 khoai lang. Trước đây thuộc diện hộ nghèo nhưng kể từ khi được tham gia các lớp học nghề trồng trọt, gia đình anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP. Vài năm gần đây, nhờ sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao, cây khoai lang luôn đảm bảo cho gia đình có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/ 1.000m2/vụ. Từ chỗ hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo bền vững, cuộc sống ngày càng ổn định.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Yêu, để phát triển bền vững, nhiều hộ trồng khoai lang trên địa bàn đã chủ động liên kết thành lập tổ hợp tác nông nghiệp, hướng tới sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đây được xem là hướng đi cho người dân trong xã từng bước vươn lên phát triển KT-XH.
Khánh An