(HBĐT) -Gần 3 năm qua, đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhiều nơi bị gián đoạn. Tuy nhiên, với phương châm "Tất cả người lao động (NLĐ) đều có Tết”, các cấp Công đoàn đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết, khảo sát tại các địa phương, doanh nghiệp (DN) có đông công nhân lao động (CNLĐ) để triển khai kế hoạch, từ đó có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong các hoạt động chăm lo Tết cho CNLĐ là LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Tết sum vầy cấp tỉnh vào tối 7/1. Với chủ đề "Tết sum vầy - Xuân gắn kết” và phương châm "Tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”, tại chương trình, LĐLĐ tỉnh đã trao 100 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các công ty, DN đóng trên địa bàn TP Hòa Bình, mỗi suất gồm 500.000 đồng và 1 phần quà trị giá 200.000 đồng; tri ân biểu dương 10 DN thực hiện tốt chính sách cho NLĐ năm 2022.
Chị Nguyễn Bích Loan, công nhân Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni chia sẻ: Tôi rất vui vì được nhận quà Tết từ LĐLĐ tỉnh, món quà giúp gia đình tôi có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm hơn.
Cùng với việc tổ chức Tết sum vầy cấp tỉnh, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn cơ sở (CĐCS) tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức Tết sum vầy cho CNLĐ tại địa phương và khu công nghiệp với phương châm "Không để đoàn viên không có Tết", đối với CĐCS có từ 300 đoàn viên trở lên, LĐLĐ tỉnh khuyến khích tổ chức Tết sum vầy cho CNLĐ, CĐCS có dưới 300 CNLĐ liên kết tổ chức Tết sum vầy.
Theo thống kê từ Công đoàn các cấp, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã thăm hỏi, động viên, tặng quà cho trên 37.600 công nhân, viên chức, lao động, với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Những năm qua, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là DN trong khu công nghiệp gặp khó khăn, có DN phải ngừng hoạt động, giảm số lượng lao động hoặc giảm số ngày làm việc thì hoạt động chăm lo Tết ở nhiều DN là bài toán khó. Năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị, DN khôi phục trở lại, việc quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ được thực hiện tốt hơn.
Thấu hiểu, sẻ chia với tâm tư, nguyện vọng của NLĐ là sự quan tâm bằng hành động của các cấp chính quyền, tổ chức Công đoàn và DN, đặc biệt ở những đơn vị có đông CNLĐ trong các khu công nghiệp. Ông Lee Min Hyun, Giám đốc hành chính Công ty CP Coasia CM VINA cho biết: Năm 2022 là 1 năm khó khăn với cả DN và NLĐ. Thời điểm đầu năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế suy giảm, DN thiếu đơn hàng, NLĐ thiếu việc làm dẫn đến giảm thu nhập. Tuy nhiên, DN chúng tôi vẫn nỗ lực đảm bảo tăng lương theo đúng lộ trình từ Chính phủ Việt Nam đưa ra để đảm bảo đời sống cho NLĐ. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, chúng tôi chuẩn bị hơn 1.700 phần quà cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong nhà máy, mỗi suất quà trị giá khoảng 160 nghìn đồng. Bên cạnh đó duy trì mức thưởng Tết tương đương hàng năm là tháng lương thứ 13 cho 100% lao động. Đơn vị cũng vừa tổ chức sự kiện thường niên Đại hội Thể thao COASIA lần thứ 8 sau 2 năm dừng do dịch bệnh với tổng chi phí gần 1 tỷ đồng. Năm 2023, DN nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng, tạo việc làm ổn định cho NLĐ, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh cũng như đảm bảo đời sống CNLĐ.
Mức thưởng Tết cho CNLĐ đã được các DN lên phương án, trong đó, đối với DN Nhà nước, mức thưởng bình quân 1 triệu đồng/người; DN FDI 7,1 triệu đồng/ người (cao nhất 120 triệu đồng/người, thấp nhất 1 triệu đồng/người). Tiền thưởng trung bình trong các DN ngoài Nhà nước 6,5 triệu đồng/người (cao nhất 20 triệu đồng/người, thấp nhất 800 nghìn đồng/người).
Một mùa xuân mới đang về trên quê hương Hòa Bình, sự chung tay chăm lo Tết cho NLĐ đã khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm của tỉnh, các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương, DN, đặc biệt là tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo cho NLĐ. Qua đó tạo động lực khích lệ, động viên NLĐ tích cực làm việc, nâng cao năng suất, thu nhập, gắn bó, xây dựng, đồng hành cùng DN và quê hương Hòa Bình.
Minh Tuấn