(HBĐT) - Bản Dao Suối Rèo, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) có 83 hộ với 406 nhân khẩu. 100% là đồng bào dân tộc Dao quần chẹt sinh sống với 3 dòng họ chính là họ Triệu, Lý và Phùng.


Bà con bản Dao Suối Rèo, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) đóng góp ngày công làm đường giao thông nội xóm. 

10 năm trở về trước, Suối Rèo là bản đặc biệt khó khăn. Mặc dù cách trung tâm xã chỉ khoảng 3 km nhưng phải mất cả giờ đồng hồ đi xe máy mới ra tới trung tâm xã, do đường đất cheo leo bên sườn núi, lầy lội và nhỏ hẹp. Ước mơ của bản Dao Suối Rèo là con đường để có cơ hội phát triển. Năm 2012, Suối Rèo được hưởng lợi từ Chương trình 135, được Nhà nước đầu tư làm đường giao thông cứng hoá 1 km từ Vó Cối lên xóm.

Ông Lý Văn Bình, người có uy tín của bản kể lại: Năm 1986, đồng bào dân tộc Dao "hạ sơn” sinh sống tập trung nơi đây, canh tác lúa nước, trồng ngô, bương, keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phát huy lợi thế đồi rừng, người dân Suối Rèo trồng bương mang lại hiệu quả thiết thực nên nhân rộng diện tích, trở thành cây kinh tế chủ lực với diện tích trên 100 ha, cho thu hoạch trên 200 tấn măng/năm. Nhiều hộ khá giả nhờ phát triển cây bương hàng hóa.

Với diện tích 4 - 5 ha, chỉ riêng từ măng, gia đình ông Triệu Văn Hội thu trên 10 tấn, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện, Suối Rèo có 3 tổ thu mua măng, giải quyết tốt hơn vấn đề đầu ra.  
        
Ngoài lấy măng, thân và lá bương cũng tạo nguồn thu thương phẩm không nhỏ, thu nhập bình quân từ bán măng của các hộ từ 20 - 30 triệu đồng/năm, đời sống của người dân thay đổi theo hướng tích cực.

Sau khi con đường nối liền bản với trung tâm xã được hoàn thành, gia đình anh Triệu Văn Cơ đã đầu tư mua xe tải chuyên thu mua nông sản, cây keo, làm dịch vụ vận chuyển tại địa phương và các vùng lân cận. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, xây nhà 2 tầng khang trang, hiện đại.

Trưởng bản Triệu Văn Thường bộc bạch: Bản Dao đã đổi thay, đường bê tông vào tận bản. Từ việc đổi mới của bản mà người dân ở Suối Rèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều cách làm mới, cách nghĩ mới đã "kéo” Suối Rèo gần hơn với bên ngoài. Khẳng định sức sống và nội lực mới của người dân từ ý chí thoát nghèo và những đầu tàu gương mẫu là các cán bộ, đảng viên nơi đây…

Từ năm 2019, Suối Rèo được hưởng lợi từ dự án "Tăng cường năng lực tự giúp cho các cộng đồng dân tộc thiểu số” được tài trợ bởi tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BftW). Theo đó, dự án hỗ trợ tạo sinh kế và đầu tư cơ sở hạ tầng với những hoạt động thiết thực như: tập huấn KHKT cho người dân, hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nội thôn. Mới đây, dự án hỗ trợ 40 triệu đồng, Nhân dân đóng góp tiền của, ngày công làm mới 100 m đường bê tông. Hiện nay, trên 80% đường giao thông của bản được bê tông hóa đảm bảo đi lại thuận tiện, giao thương thông suốt. Bà con được sử dụng điện lưới quốc gia, nguồn nước sinh hoạt dẫn về từng hộ gia đình. 

Đến nay, dù tỷ lệ hộ nghèo của Suối Rèo vẫn còn cao (27/83 hộ) nhưng phần lớn không còn thiếu đói, hơn 70 hộ có nhà ở kiên cố, 5 hộ có xe ô tô, 100% hộ có xe máy, điện thoại di động, ti vi… Người dân giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng trong Tết nhảy, Tết cổ truyền, lễ thịt trâu…

Bí thư chi bộ Suối Rèo Lý Thị Vui chia sẻ: Tết cổ truyền của người Dao Suối Rèo bắt đầu từ ngày 1/12 âm lịch. Nhà nhà chuẩn bị tươm tất gạo nếp ngon, rượu ngô nấu bằng men lá rừng, gia đình có điều kiện mổ lợn, hộ kinh tế khó khăn 2 - 3 nhà chung một con. Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, vui xuân nhưng đảm bảo tiết kiệm, đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Theo tục người Dao, Tết đến làm mâm cơm có bánh ống, bánh dày, thịt lợn và con gà trống để cúng tổ tiên đêm giao thừa. Sáng mùng 1 Tết, người phụ nữ cho 3 quả trứng gà vào một cái chậu con, đun nước sôi đổ vào để cả nhà cùng rửa mặt cầu mong cho năm mới may mắn, sáng sủa.

Những ngày đầu xuân năm mới, đồng bào Dao Suối Rèo có truyền thống đi thăm hỏi, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ hàng, người thân, bạn bè, xóm giềng. Mùa xuân những năm gần đây, bản Dao còn vinh dự tiếp đón những vị khách từ miền xuôi lên tìm hiểu phong vị ngày Tết miền sơn cước, những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng. Một mùa xuân mới đã về hứa hẹn sự no đủ ở vùng đồng bào dân tộc Dao Suối Rèo.

 Đinh Thắng

Các tin khác


Tân Vinh chuyển mình

(HBĐT) - Những năm qua, Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Tân Vinh (Lương Sơn) tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển KT-XH. Chính vì vậy, Tân Vinh đã thực hiện nhanh việc khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân theo hướng bền vững.

280 người đăng ký tìm việc làm trong nước và xuất khẩu lao động

(HBĐT) - Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Lạc vừa tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động tại lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

Bản Dao Chao Khạ xây dựng cuộc sống mới

(HBĐT) - Xóm Chao Khạ, xã Tây Phong (Cao Phong) 99% là người dân tộc Dao. Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa rộng rãi, những ngôi nhà khang trang, vườn cam, mía, sả… cùng nụ cười rộn rã của người dân cho thấy cuộc sống đã đổi thay, tràn ngập niềm vui trong mùa xuân mới.

Công ty TNHH GGS Việt Nam chăm lo đời sống người lao động

(HBĐT) - Công ty TNHH GGS Việt Nam, khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thuộc ngành dệt may. Công ty có trên 700 lao động, trên 80% là lao động nữ. Ngay sau khi đi vào hoạt động, công ty đã thành lập và ra mắt Công đoàn cơ sở nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Công ty chú trọng xây dựng, cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Sắc xuân trên xã vùng cao Vân Sơn

(HBĐT) - Những ngày Tết Nguyên đán, gác lại bộn bề, lo toan của cuộc sống, người dân vùng cao Vân Sơn (Tân Lạc) được đón một mùa xuân yên vui, ấm áp.

Chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động ngoài nước

Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào cuối quý I/2022 tại Việt Nam, các nước cũng dần dỡ bỏ hạn chế về đi lại và có chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục việc tiếp nhận lao động nước ngoài, đã tác động tích cực đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục