(HBĐT) - Xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có 6/8 xóm giáp lòng hồ sông Đà, trên 1.600 ha mặt nước, phần lớn các hộ dân lấy việc khai thác nguồn lợi thủy sản làm sinh kế chính. Có thời điểm tình trạng đánh bắt cá bằng xung kích điện trên địa bàn được xem là "vấn nạn”. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Vầy Nưa từng bước dẹp nạn đánh bắt cá bằng xung kích điện, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.


Được tuyên truyền, vận động, anh Bùi Văn Triệu, xóm Trà Ang, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện dùng để đánh bắt thủy sản.

"Vấn nạn” sử dụng xung kích điện hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Theo đồng chí Bàn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa: Có thời điểm tình trạng đánh bắt cá bằng xung kích điện trên vùng lòng hồ thuộc địa bàn xã quản lý diễn ra phức tạp và nhức nhối. Nhiều trường hợp bất chấp các quy định của pháp luật và sự truy đuổi của lực lượng chức năng địa phương. Thậm chí, chỉ vì tham cái lợi nhỏ trước mắt mà nhiều người phải bỏ mạng vì điện giật khi đánh bắt cá bằng xung kích điện. Như trường hợp của Bùi Văn A. (SN 1996), Đinh Công N. (SN 1976), Đinh Công Q. (SN 1990) ở xóm Săng Bờ, Nguyễn Văn Ch. (SN 1997) ở xóm Nưa bị điện giật chết khi đánh bắt cá bằng xung kích điện.

Đáng nói, vào thời điểm cao nhất ở hầu hết các xóm giáp vùng lòng hồ sông Đà của xã đều có người sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá, tập trung chủ yếu ở xóm Săng Bờ, chiếm khoảng 80% số hộ có dụng cụ đánh bắt cá bằng xung kích điện của xã Vầy Nưa, nhiều hộ có 2 - 3 bộ. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc đánh bắt cá bằng xung kích điện, triển khai quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hành vi đánh bắt cá theo phương thức hủy diệt này. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa có ý thức chấp hành, bất chấp quy định pháp luật vẫn đánh bắt cá bằng xung kích điện.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Để giải quyết tình trạng nhức nhối này, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, như tuyên truyền về tác hại của việc dùng xung kích điện, thuốc nổ và các chất cấm để khai thác thuỷ sản; quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các ngành chức năng địa phương, nhất là lực lượng Công an xã tích cực vận động người dân tự nguyện giao nộp thiết bị xung kích điện; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động thuỷ sản, không khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng xung kích điện, chất nổ, chất độc và các phương pháp có tính huỷ diệt ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản trên vùng lòng hồ sông Đà. Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đại bộ phận người dân có chuyển biến tích cực. Nhiều người sau khi được vận động tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện. Từ năm 2018 - 2022, Công an xã đã vận động thu hồi trên 30 bộ xung kích điện. Mới đây, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Công an xã, các anh Bùi Văn Triệu, Xa Văn Nhất, xóm Trà Ang đã tự nguyện giao nộp 2 bộ xung kích điện.

Anh Bùi Văn Triệu cho biết: Thời gian trước do điều kiện khó khăn, thêm nữa việc đánh bắt cá bằng các ngư cụ truyền thống không hiệu quả. Thấy việc đánh bắt cá bằng xung kích điện dễ dàng hơn nên tôi mua 1 bộ để đánh bắt cá trên lòng hồ. Sau khi được tuyên truyền, nhất là nhận thấy việc đánh bắt cá theo hình thức này rất nguy hiểm, nhiều trường hợp bị chết vì điện giật nên tôi không đánh bắt nữa. Vừa rồi được cán bộ Công an xã tuyên truyền, vận động, tôi tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện.

Theo Trung tá Xa Quang Thực, Trưởng Công an xã Vầy Nưa, nguyên nhân của tình trạng này là do việc đánh bắt cá bằng lưới hiệu quả không cao. Một bộ phận người dân có tâm lý "ăn xổi”, muốn đánh bắt được nhiều cá nhưng không tốn công sức. Công an xã đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND xã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật; tổ chức cho 100% hộ dân ở các xóm tiếp giáp với lòng hồ ký cam kết không sử dụng xung kích điện để đánh bắt thủy sản. Trong năm 2022 và tháng đầu năm 2023, Công an xã tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và xung kích điện. Từ năm 2022 đến tháng 2/2023, Công an xã phát hiện, thu 2 khẩu súng hơi tự chế (súng CPC); vận động nhân dân giao nộp 5 khẩu súng các loại (2 súng cồn, 3 súng CPC), 2 xung kích điện. Ngoài ra, phối hợp tổ chức 9 buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT và xung kích điện cho gần 2.000 lượt người tham gia, góp phần ổn định an ninh, trật tự.

Từ việc phát huy tốt vai trò của các tổ tự quản, tổ an ninh tại cơ sở, nhất là làm tốt phong trào Toàn dân tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật nên đến thời điểm này, "vấn nạn” đánh bắt cá bằng xung kích điện trên vùng lòng hồ thuộc địa bàn xã quản lý cơ bản được giải quyết, nguồn lợi thủy sản được phục hồi và bảo vệ - Trung tá Xa Quang Thực chia sẻ thêm.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Cảm xúc vỡ òa của người lính Việt Nam khi cứu sống nạn nhân động đất

Giây phút Trung tá Phạm Chí Thành cùng các đồng đội trong đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Công an phát hiện và cứu sống được nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát có lẽ là thời khắc đặc biệt nhất đối với người lính quả cảm này.

Phụ nữ huyện Lạc Sơn trồng gần 7.800 cây xanh dịp đầu xuân

(HBĐT) - Hưởng ứng phong trào trồng cây xanh với chủ đề "Phụ nữ vun trồng tương lai - vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, với tinh thần "Mỗi phụ nữ - một cây xanh”, "Mỗi cơ sở hội - một công trình cây xanh” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã phát động ra quân và tham gia cùng địa phương trồng 7.785 cây xanh.

Cần có một tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc tham gia định giá đất

(HBĐT) - Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) so với Luật Đất đai 2013 đã có bước đột phá mới là bỏ khung giá đất, còn vấn đề bảng giá đất và giá đất là một nội dung rất quan trọng được các tầng lớp nhân dân và dư luận quan tâm.

Đẩy mạnh hoạt động nhân đạo, từ thiện

(HBĐT) - "Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh cần tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác Hội và phong trào CTĐ; chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức xây dựng, tập trung huy động các nguồn lực, vận động tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ các hoạt động nhân đạo. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị nhân đạo, ý nghĩa của hoạt động CTĐ nhằm nâng cao vị thế của Hội trong Nhân dân. Tăng cường, củng cố, phát triển tổ chức Hội, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực hoạt động đã được quy định trong Luật Hoạt động CTĐ…” - đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường, đẩy mạnh thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện của Hội CTĐ tỉnh trên địa bàn.

Giải pháp đảm bảo nguồn nước sạch học đường

(HBĐT) - Nhờ hệ thống lọc nước vừa được lắp đặt, trường mầm non xã Mai Hạ (Mai Châu) thường xuyên có nguồn nước sạch để sử dụng phục vụ nhu cầu ăn bán trú của 200 trẻ đang theo học tại trường. Nguồn nước còn đảm bảo chất lượng để học sinh uống trực tiếp từ vòi. Cùng với trường mầm non xã Mai Hạ, nhiều trường học đã được hưởng lợi từ dự án "Lắp đặt hệ thống lọc nước cho các trường học ở tỉnh Hòa Bình” do tổ chức Gravity Water tài trợ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục