(HBĐT) - Đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất giấy dó của người Mường ở xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn (Lương Sơn). Bằng niềm đam mê với nghề truyền thống của quê hương, một số hộ người Mường bền bỉ, miệt mài gìn giữ hồn giấy dó, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của cha ông để lại không bị mai một theo thời gian.


Người dân xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn (Lương Sơn)sản xuất giấy dó,gìn giữ nghề truyền thống của người Mường.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chúc, 1 trong 5 hộ trong xóm duy trì công việc sản xuất giấy dó theo đúng cách thủ công của người Mường xưa trong nhiều năm nay. Ông cho biết nghề làm giấy dó có từ lâu, do ông cha truyền lại. Người xưa dùng giấy dó để viết chữ, viết câu đối, thư pháp, in tranh… Đến nay không nhiều nơi còn giữ được nghề sản xuất giấy dó. Mấy chục năm trước, cả xóm Suối Cỏ có phong trào làm giấy dó. Một thời gian làm ra khó bán nên từ hàng chục hộ làm nghề chỉ còn 5 hộ, trong đó có gia đình ông Chúc tiếp tục duy trì làm giấy dó lúc nông nhàn.

Ông Chúc chia sẻ: Sản xuất ra tờ giấy dó kỳ công nhưng tìm kiếm nơi bán cũng rất khó khăn. Cứ mỗi dịp Tết, tôi mang giấy dó về Hà Nội bán cho những người viết câu đối, những người cho chữ nhưng nhiều lần mang giấy về vì không bán được. Tình cờ tôi gặp nhóm người trẻ tuổi hỗ trợ trải nghiệm cách làm giấy truyền thống và mang giấy đi triển lãm, tìm kiếm cách tiêu thụ giấy dó. Từ đó gia đình duy trì nghề làm giấy đến nay.

Bằng tâm huyết và niềm tin vào giá trị của một sản phẩm truyền thống, ông Chúc đã bằng mọi cách duy trì nghề, từng bước liên kết với các cá nhân, tổ chức tìm đầu ra cho sản phẩm giấy dó người Mường Suối Cỏ.

Giấy dó được làm thủ công, phức tạp, trải qua 35 công đoạn, từ việc lấy nguyên liệu, ngâm ủ đến làm ra sản phẩm phải mất nửa tháng. Nguyên liệu chính để làm là cây dó và cây dướng (người Mường còn gọi là cây ráng). Cây dướng phải chọn những cây bánh tẻ, khoảng 3 - 4 năm tuổi, đủ lớn để bóc vỏ cứng bên ngoài, phơi thật khô tránh cho vỏ cây bị ẩm mốc ảnh hưởng đến chất lượng giấy. Vỏ cây dướng ngâm trong nước 2 - 3 ngày làm mềm ra, khi đạt tiêu chuẩn về độ mềm cắt thành các đoạn dài khoảng 1 m, buộc thành những bó nhỏ, ngâm qua nước vôi đặc (giúp vỏ có thể chín đều) rồi xếp vào thùng nấu đun sủi liên tục trên 10 tiếng và ủ qua 1 ngày 1 đêm.

Khi vỏ cây dướng đã nguội, vớt ra rửa sạch vôi hoàn toàn, tiếp tục ngâm trong nước sạch khoảng 7 - 10 ngày để thải hết nhựa cây và chất vôi. Sau đó cho vào bể nghiền thành bột làm thành giấy dó. Bột cây dướng được hòa kỹ cùng nước sạch và nước gỗ mò trong bể tráng giấy. Công đoạn tráng giấy sẽ quyết định độ dày - mỏng - mịn của tờ giấy, đòi hỏi sự khéo léo nên thường được phụ nữ đảm nhiệm.

Bà Hoàng Thị Hậu, phụ nữ Mường làm giấy dó chia sẻ: Phải dùng khuôn liềm để seo giấy dó, bột giấy lỏng được đổ lên khuôn, tráng mỏng và đều để róc nước, động tác nhanh dứt khoát nhấc liềm lên, từng lớp bột giấy mỏng đó tách khỏi khuôn liềm theo từng lớp chồng lên nhau. Mỗi đợt seo đủ khoảng 40 - 50 tờ, sau đó chuyển sang công đoạn ép giấy cho hết nước rồi tách giấy đem phơi khô. Cứ 10 kg vỏ tươi hoặc 4 kg vỏ khô nguyên liệu sẽ làm ra khoảng 120 tờ giấy. Bước cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp, tùy theo loại giấy mà dùng thanh nứa mảnh dọc theo khổ 10 x 20 cm hoặc 20 x 30 cm. Giấy dó làm từ cây dướng, cây dó nên có độ thơm, gián không ăn, không bị mối mọt, có độ bền là sản phẩm được khách hàng tin dùng tìm đến.

Bà Hoàng Thị Chi, người có gần 20 năm làm giấy dó cho biết, đây là nghề của ông cha để lại nên ngoài việc làm kiếm thêm thu nhập cũng mong muốn chung tay giữ lại một loại hình nghề truyền thống của người Mường, để con cháu sau này biết đến và phát huy giá trị hơn nữa.

Cơ sở của ông Chúc sản xuất giấy dó theo các đơn đặt hàng với số lượng lên đến hàng nghìn tờ cho các mẫu giấy dó truyền thống. Tùy theo độ dày mỏng của giấy, giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/tờ. Nhiều thời điểm, cơ sở của ông Chúc không kịp làm để gửi cho khách đặt với số lượng nhiều do nguồn nguyên liệu không có sẵn và ngày càng khó tìm. Ngoài các tỉnh miền Bắc, vào dịp giáp Tết, giấy dó của người Mường Suối Cỏ còn được các công ty lữ hành, du lịch khu vực miền Trung, miền Nam và các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài như: Nhật Bản, Pháp… tin tưởng lựa chọn sử dụng cho giá trị thẩm mỹ cao. Tuy chưa phải là nguồn thu chính, chưa đủ để làm giàu nhưng làm giấy dó cũng đem lại cho người dân thu nhập đều đặn.

Ông Hoàng Văn Độ, Trưởng xóm Suối Cỏ cho biết: Xóm chủ yếu làm nông nghiệp, thanh niên cũng đi làm ở khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất khác. Những người làm giấy dó trong xóm chủ yếu là người già vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống của quê hương, vừa tạo thêm thu nhập lúc nông nhàn. Huyện Lương Sơn đang lên kế hoạch triển khai thực hiện những chính sách phù hợp để hỗ trợ các gia đình xóm Suối Cỏ tiếp tục duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, song song với việc bảo tồn, phát triển nghề làm giấy dó thủ công truyền thống của người Mường, tạo dựng thương hiệu, xây dựng làng nghề, hướng đến hình thành điểm du lịch trải nghiệm tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương.


Lê Chung

Các tin khác


Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn PCCC huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong vừa tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn.

Khánh thành bể bơi phòng tránh đuối nước Trường TH&THCS xã Chiềng Châu

Sáng 22/4, tại Trường TH&THCS xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu đã diễn ra lễ khánh thành bể bơi phòng tránh đuối nước trường TH&THCS xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Tới dự và cắt băng khánh thành có các đồng chí: Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch danh dự Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Quỹ Thiện tâm; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và huyện Mai Châu.

Agribank Chi nhánh huyện Kim Bôi trao tặng xã Vĩnh Đồng 50 thùng đựng rác 

Hưởng ứng các hoạt động "Vì tương lai xanh năm 2024”, Agribank Chi nhánh huyện Kim Bôi vừa phối hợp UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tổ chức trao tặng công trình bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới năm 2024 tại xã.

Ban Tiếp công dân tỉnh: Tiếp nhận 76 đơn thư các loại

Từ ngày 14/3 - 12/4, Ban Tiếp công dân tỉnh đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 76 đơn thư (trong đó: khiếu nại 11 đơn; tố cáo 8 đơn; kiến nghị, phản ánh 57 đơn); nội dung đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai 58 đơn, lĩnh vực khác 18 đơn. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Quy định mới về Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Họp Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh năm 2024

Ngày 17/4, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác dân số và phát triển tỉnh đã chủ trì cuộc họp của BCĐ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục