Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lương Sơn tổ chức thi thực hành điện cho học sinh lớp 11, 12.
Sau khi được cấp chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo nghề may công nghiệp mở do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức, chị Hoàng Thị Vinh ở xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn được Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel (khu công nghiệp Lương Sơn) tuyển dụng vào làm việc. Với tay nghề đáp ứng yêu cầu công đoạn dây chuyền sản xuất, chị được trả lương 8,5 triệu đồng/tháng, đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách theo hợp đồng lao động.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã tổ chức đợt thi tay nghề, triển khai các hoạt động định hướng nghề cho học sinh phổ thông, đồng thời thực hiện hoạt động GDNN, đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Bên cạnh giảng dạy lý thuyết, phần nhiều thời gian được trung tâm tập trung hướng dẫn thực hành kỹ năng nghề. Đồng chí Nguyễn Quý Linh, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện nay, học sinh lớp 11, 12 được định hướng một số nghề như kỹ thuật chăn nuôi, hàn điện. Các khóa học đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn cũng bắt đầu khai giảng từ tháng 3. Với ngành nghề đào tạo chính như may công nghiệp, mây tre đan, hàn điện…, học viên sau đào tạo tại trung tâm được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp Lương Sơn hoặc tự tạo việc làm mới tại địa phương.
Bên cạnh đào tạo trong cơ sở công lập, một số hội, đoàn thể như phụ nữ, nông dân… quan tâm hỗ trợ nâng cao kỹ năng nghề cho hội viên.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, hiệu quả của GDNN, huyện tập trung theo hướng kết hợp đào tạo kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong hoạt động GDNN; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng, năng lực thực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề. Mặt khác, chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương.
Ngoài nguồn kinh phí đào tạo từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện cũng dành nguồn kinh phí nhất định để tổ chức lớp đào tạo nghề cho lao động. Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là tuyển sinh 130 người trình độ trung cấp, 500 người đào tạo dưới 3 tháng; phấn đấu đạt chỉ tiêu 71% lao động qua đào tạo, trong đó 61% có bằng cấp, chứng chỉ. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; triển khai kế hoạch tổ chức các sàn giao dịch việc làm để thông tin nhu cầu việc làm, kết nối người lao động với các doanh nghiệp; đổi mới, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp lứa tuổi học sinh, cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở GDNN, chính sách đối với người học, chính sách ưu đãi trong GDNN, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động...
Bùi Minh