8 tháng năm 2023 có nhiều yếu tố bất lợi, tạo áp lực lớn cho nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh đầy thách thức, chúng ta đã có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước.
Trong 4 tháng cuối năm, xác định nhiệm vụ hết sức nặng nề và cần quyết tâm cao, Cục Thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu. Trong đó, quan trọng hàng đầu là tiếp tục triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn lực giúp người nộp thuế phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thiết nghĩ, đây chính là giải pháp căn cơ, giúp tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Lãnh đạo công tác phụ nữ và cán bộ nữ trong thời kỳ mới
Chu Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy)
Chính quyền xã là cầu nối giữa Nhà nước với các tổ chức và cá nhân trong xã; triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở xã. Chính quyền xã giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác quản lý các vấn đề phát triển xã hội ở nông thôn. Đặc biệt trong các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng, góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ vào quá trình xây dựng và thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển KT-XH tại địa phương.
Bởi vậy, tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phụ nữ và cán bộ nữ tại địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ có điều kiện tham gia các hoạt động. Đồng thời, có cơ chế, chính sách để phụ nữ địa phương phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia xây dựng đô thị văn minh; hỗ trợ phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực như công nghệ, vốn, an toàn vệ sinh thực phẩm... Qua đó, phát huy rõ nét vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là động lực để phụ nữ tiếp tục cống hiến, nỗ lực vươn lên làm chủ kinh tế, làm chủ gia đình, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp, thúc đẩy cân bằng giới, bình đẳng giới tại địa phương.
Đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền đối với doanh nghiệp
Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Midori (khu công nghiệp lương sơn)
Công ty TNHH Midori chính thức đầu tư sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn từ năm 2013. Sau 10 năm đi vào hoạt động, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ngành, Ban Quản lý các KCN tỉnh và UBND huyện Lương Sơn.
Các sở, ngành chức năng đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp cũng như người lao động, đặc biệt là pháp luật về lao động, công đoàn để doanh nghiệp và người lao động xây dựng mối quan hệ hài hoà. Đó chính là động lực để doanh nghiệp tăng trưởng trong thời gian qua.
3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dệt may như Midori gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên khó khăn cũng từng bước được tháo gỡ, Midori đã có được các đơn hàng lớn và chúng tôi tiếp tục tuyển dụng lao động. Để có thể ổn định sản xuất trong thời điểm dịch Covid-19 và hậu Covid-19, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp trong KCN nói chung, Công ty Midori nói riêng thường xuyên được đối thoại với Ban Quản lý các KCN tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh để trình bày những khó khăn, vướng mắc của mình. Các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp.
Gắn phát triển kinh tế du lịch với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Hà Văn Sêm, Xóm Nà Chiềng, xã Nà Phòn (Mai Châu)
Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, huyện Mai Châu tạo điều kiện cho xã Nà Phòn phát triển kinh tế du lịch. Từ một vùng quê nghèo khó trở thành điểm đến được du khách trong và ngoài nước biết đến, cũng từ đó đời sống người dân đổi thay.
Để phát triển bền vững du lịch trở thành ngành mũi nhọn, tôi mong muốn mọi người chú trọng việc sử dụng công nghệ xanh, ngăn chặn những hành vi làm nguy hại đến môi trường và văn hóa bản địa, khuyến khích sản phẩm, chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương; phát huy quyền làm chủ, sự tham gia của người dân vào hoạt động bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa.
Đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa - du lịch. Tổ chức các lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng quản lý di sản văn hóa cho các đối tượng tham gia hoạt động văn hóa và kinh doanh du lịch cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng người dân, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.