Do được đảm bảo phúc lợi tốt, công nhân Công ty TNHH Nghiên cứu Kỹ thuật R Việt Nam tại Khu công nghiệp bờ trái Sông Đà (TP Hòa Bình) luôn gắn bó với công ty.
Những vấn đề về an ninh công nhân
Thời gian qua, việc thu hút các dự án đầu tư đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó cũng nảy sinh một số vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo ANCN, tiềm ẩn yếu tố có thể dẫn đến vấn đề phức tạp như: đình công, lãn công; các đối tượng, phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo công nhân tham gia hoạt động gây rối an ninh trật tự (ANTT) cũng như nguy cơ cháy nổ, mất an toàn vệ sinh lao động, tội phạm, tệ nạn xã hội trong CNLĐ nguy cơ ngày càng gia tăng theo quy mô sản xuất, nhu cầu sử dụng lao động của các DN...
Thống kê trong năm 2023, ngoài một số vụ việc liên quan đến công tác đảm bảo ANTT như trộm cắp tài sản, gây gổ, xích mích với công nhân..., toàn tỉnh xảy ra 6 vụ với 1.266 lượt công nhân tự ý ngừng việc tập thể để kiến nghị về chế độ tiền lương, đảm bảo phúc lợi cho NLĐ trong các DN. Trong đó, 4 vụ công nhân ngừng việc tập thể tại huyện Lạc Sơn; 2 vụ tại huyện Lương Sơn. Điển hình như ngày 13/5/2023, khoảng 250 công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm chi nhánh Lạc Sơn ngừng việc tập thể đề nghị tăng lương và giải quyết một số chính sách khác. Ngày 30/5/2023, tại Công ty TNHH JW Global Grament, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) do quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) gặp khó khăn, công ty thông báo về việc lùi thời gian trả tiền lương, cho NLĐ nghỉ việc từ ngày 31/5 đến hết ngày 15/6/2023. Sau khi có thông báo, 50 công nhân tự ý ngừng việc tập thể để đề nghị công ty giải quyết chế độ tiền lương. Ngày 15/8/2023, do thiếu đơn hàng, Công ty giầy Hồng An, thôn Đồng Sơn, xã Liên Sơn (Lương Sơn) cho toàn bộ 318 công nhân nghỉ việc không lương từ ngày 15/8 - 15/9/2023. Việc này đã gây bức xúc trong CNLĐ bởi trước khi cho công nhân nghỉ việc, công ty còn nợ chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ với số tiền 3,7 tỷ đồng và còn nợ lương...
Đảm bảo phúc lợi để giải quyết xung đột trong quan hệ lao động
Toàn tỉnh hiện có khoảng 80 nghìn công nhân, viên chức, lao động, chiếm 9,4% dân số của tỉnh, trong đó, đoàn viên công đoàn trên 64 nghìn người (khu vực hành chính sự nghiệp 34.879 người, khu vực SXKD gần 30 nghìn người). Toàn tỉnh có 1.065 công đoàn cơ sở, trực thuộc 10 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện và 5 công đoàn ngành (khu vực hành chính sự nghiệp 825 đơn vị, khu vực SXKD 240 đơn vị). Theo đồng chí Tống Đức Chiến, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh, những xung đột xảy ra giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn về lợi ích và khi quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng. Thực tế các vụ việc tự ý ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh đều xuất phát từ những xung đột lợi ích giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, như vụ việc 100 công nhân Công ty CoAsia CM VINA tại khu công nghiệp Lương Sơn bỏ tăng ca lý do muốn tăng lương, tiền thưởng thời điểm Tết Nguyên đán 2023.
Xuất phát từ thực tế đó và dự báo những khó khăn trong hoạt động SXKD của các DN cũng như cố gắng, nỗ lực đảm bảo phúc lợi cho CNLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2024, theo đồng chí Tống Đức Chiến, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp, nhất là tổ chức công đoàn tại các DN kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tiền lương, thưởng, việc làm, đời sống của CNLĐ trong đơn vị, nhất là ở những đơn vị có đông CNLĐ. Từ đó có phương án thiết thực chăm lo đời sống CNLĐ với tinh thần không để xảy ra xung đột quan hệ lao động trong thời điểm Tết Nguyên đán.
Về phía LĐLĐ tỉnh đã vận động các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các chính sách để quan tâm, chăm lo cho NLĐ bằng việc tổ chức "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”. Tính đến ngày 15/1/2024, toàn tỉnh có 10/15 tổ chức công đoàn (8 LĐLĐ huyện và 2 công đoàn ngành) đăng ký, có kế hoạch tổ chức "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” năm 2024. Trong đó, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tại huyện Lương Sơn. Dự kiến tại chương trình trao tặng khoảng 120 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi suất quà 1,2 triệu đồng (200 nghìn đồng tiền quà và 1 triệu đồng tiền mặt). Đây là một trong những hoạt động thiết thực, tạo điểm nhấn để cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng quan tâm, chăm lo Tết cho đoàn viên công đoàn và NLĐ. Qua đây giúp đoàn viên công đoàn, NLĐ nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của tổ chức công đoàn; tin tưởng, gắn bó với tổ chức công đoàn; tạo động lực khích lệ, động viên đoàn viên, CNLĐ làm việc năng suất, hiệu quả vì sự phát triển của DN.
Mạnh Hùng