Gia đình bà Trương Thị Di, xóm Sào, xã Đa Phúc (Yên Thuỷ) phát triển chăn nuôi gia súc, cải thiện thu nhập.
Là một trong những hộ nghèo của xã được nhận bò giống từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Bùi Văn Nỉu, xóm Sào, xã Đa Phúc chia sẻ: Trước đây gia đình rất khó khăn, từ sự quan tâm của Nhà nước, năm 2019, gia đình được nhận 1 con bò sinh sản. Được chăm sóc tốt nên bò phát triển khoẻ mạnh và đã đẻ 3 con, trong đó 2 con được giao cho 2 hộ nghèo trong xã, 1 con gia đình giữ lại nuôi.
Gia đình bà Trương Thị Di cùng ở xóm Sào cũng được nhận 1 con bò sinh sản, hiện bò phát triển tốt và đã đẻ 1 con bê. Theo bà Di, đợi khi con bê cứng cáp hơn sẽ giao cho 1 hộ nghèo trong xã nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Việc hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc đã góp phần quan trọng giúp đình ông Nỉu, bà Di và nhiều hộ nghèo của địa phương có thêm điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Xã Đa Phúc hiện có 8.515 hộ với 6.386 nhân khẩu, sinh sống tại 8 xóm. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương, căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo, hàng năm, UBND xã xây dựng các phương án hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xóm. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng, triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để các hộ có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế.
Đồng chí Bùi Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: Để nâng cao đời sống cho người dân và giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, xã đã phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và huyện để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, xã tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ các hộ làm nhà, sửa nhà, phát triển các loại cây, con giống chất lượng cao, tập huấn kiến thức sản xuất, chăn nuôi... Đồng thời, xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể giao cho các thôn, xóm; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo, triển khai đến đúng đối tượng, nhất là đối với hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, từ đó thúc đẩy vươn lên trong lao động sản xuất. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 13%.
Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Kiên cho biết thêm: Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, nhưng để cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao hơn, thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm duy trì, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như các dự án đưa về địa phương để hỗ trợ bà con thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giúp đời sống ngày một khấm khá với nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Đỗ Hà