Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.
Cơ hội việc làm rộng mở
Sau đào tạo nghề may, chị Phạm Thị Hải (SN 1987) ở xã Đồng Tâm (Lạc Thuỷ) đi làm công nhân cho một công ty chuyên về may mặc ở xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chị Hải cho biết: Tuy khác tỉnh nhưng là địa bàn tiếp giáp nên việc đi lại thuận tiện, khoảng cách cũng khá gần nên hàng ngày hết giờ làm tôi chạy xe máy về với gia đình. Công việc này tôi đã duy trì gần 2 năm, mức thu nhập gồm cả lương, thưởng và các hỗ trợ khác cơ bản ổn định. Tôi cũng yên tâm vì công ty có ký hợp đồng lao động và các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… tôi tham gia đầy đủ.
Thông qua chương trình cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty CP Việt Nam Hòa Bình, anh Bùi Thanh Nhơn (SN 1983) ở xã Kim Bôi (Kim Bôi) đã lựa chọn sang Đài Loan làm việc với đơn hàng có thời hạn hợp đồng 3 năm cho Công ty Thượng Ích. Tại đây, anh mau chóng ổn định cuộc sống, được bố trí nơi ăn ở, có xe đưa đón an toàn, mức thu nhập bình quân từ 25 - 27 triệu đồng/tháng.
Một trường hợp khác là anh Xa Văn Sát (SN 1990) ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc) xuất cảnh với đơn hàng có thời hạn hợp đồng 3 năm cho Công ty xây dựng Thừa Phú (Đài Loan). Qua cập nhật thông tin từ người nhà của anh Sát, ở nước ngoài, anh Sát được làm đúng theo lĩnh vực ngành nghề đơn hàng cam kết, DN thuê lao động thanh toán, trả lương và công ngoài giờ đầy đủ. Tổng thu nhập của anh đạt hơn 30 triệu đồng/tháng.
Tại cuộc làm việc gần đây giữa đoàn công tác UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hòa Bình về xúc tiến thu hút lao động, đại diện các DN tỉnh bạn đã trực tiếp trao đổi thông tin tuyển dụng năm 2024, mong muốn được đón nhận lao động người Hòa Bình đến làm việc với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tiêu biểu là 4 DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, gồm: Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải (khu công nghiệp Quang Châu, thị xã Việt Yên) cần tuyển gấp 27.000 lao động; Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (khu công nghiệp Vân Trung, thị xã Việt Yên) cần tuyển 40.000 lao động; Công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu - thị xã Việt Yên) cần tuyển 12.000 lao động; Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology (khu công nghiệp Vân Trung - thị xã Việt Yên) nhu cầu tuyển 27.000 lao động.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, các DN của địa phương này đang cần khoảng 112 nghìn lao động làm việc ở ngành nghề, lĩnh vực cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị sản xuất, chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử, linh kiện và thiết bị điện. Đặc biệt, nhân lực tuyển dụng chủ yếu lao động phổ thông; thu nhập bình quân từ 7 - 12 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông, 8 - 15 triệu đồng/tháng đối với lao động kỹ thuật. NLĐ sau khi ký hợp đồng được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ. Về nhà ở, các DN hiện có 30 nghìn chỗ ở, địa phương có 147 nghìn phòng trọ cơ bản đáp ứng điều kiện sinh hoạt của NLĐ.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ lao động, việc làm quý I/2024 của Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), tình hình lao động có việc làm giảm nhẹ do yếu tố thời vụ và văn hoá lễ hội sau dịp Tết Nguyên đán. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 3.900 người, đạt 24,3% kế hoạch, trong đó, 187 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước và đi làm việc ở nước ngoài tăng. Lao động có việc làm đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Đây là cơ hội để NLĐ trở lại thị trường lao động trong bối cảnh nhiều DN trong nước "khát” lao động kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong các DN tương đối cao. Bên cạnh đó, lao động của tỉnh có hàng nghìn cơ hội việc làm ngoài nước đảm bảo thu nhập hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp tại thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các đơn hàng phong phú để NLĐ đưa ra lựa chọn phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân: nông nghiệp, thực phẩm công nghệ, điều dưỡng, điện tử, xây dựng…
Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động với nhiều hình thức
Một trong những hoạt động nổi bật của tỉnh trong tháng 4/2024 là phối hợp xúc tiến thu hút lao động làm việc tại tỉnh Bắc Giang, nhằm tăng cường hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động. Sau hội nghị trực tuyến tới điểm cầu các huyện và các xã, thị trấn, các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động của tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp thông tin, giới thiệu việc làm đến NLĐ 4 xã thuộc vùng Đại Đồng (Lạc Sơn). Đồng chí Bùi Thế Hoà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn chia sẻ: Các DN trên địa bàn hoạt động sản xuất ngành nghề may, giày da, đồ chơi nên sử dụng đa số lao động nữ. Việc các DN tỉnh Bắc Giang có nhiều vị trí tuyển dụng nam công nhân là cơ hội để lao động của huyện nói riêng, của tỉnh nói chung quan tâm, nghiên cứu, nắm bắt.
Tỉnh cũng tăng cường giới thiệu và tạo điều kiện cho các đơn vị, DN có nhu cầu tuyển lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh và tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về các huyện, thành phố để tư vấn, tuyển dụng. Tập trung phát triển thị trường lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo cung - cầu lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vay hỗ trợ tạo việc làm và thông báo thông tin tuyển dụng lao động của các DN trong và ngoài tỉnh được đẩy mạnh. Vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động được phát huy. Nhờ đó, rút ngắn thời gian tìm việc của NLĐ, thời gian tuyển của người sử dụng lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các đơn vị chức năng còn tích cực tuyên truyền pháp luật lao động, hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp gặp khó khăn hoặc rủi ro, đồng thời phối hợp với nước sở tại giải quyết các vấn đề liên quan đến NLĐ trốn hợp đồng ở nước ngoài.
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho NLĐ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 về chính sách hỗ trợ vay vốn đối với NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023 - 2026; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 31/3/2023 về thực hiện Nghị quyết số 06/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 165-KH/TU, ngày 17/4/2023 về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tăng cường hoạt động giao dịch việc làm bằng nhiều hình thức, như: sàn giao dịch việc làm trực tuyến, phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn tuyên truyền… tại các cụm xã, trung tâm huyện để người dân kịp thời tiếp cận với các đơn vị đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, gắn với nhu cầu thị trường lao động. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tích cực tư vấn, tuyển sinh, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm góp phần nâng cao chất lượng lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 62,5%, trong đó 25,5% có bằng cấp, chứng chỉ.
Đẩy mạnh
chương trình đưa lao động đi
làm việc ở nước ngoài
Khuất Thị Thủy, Trưởng phòng
Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH)
Hai năm gần
đây, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh đạt
được kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn những hạn chế về số lượng người đi
lao động ở nước ngoài chưa xứng với tiềm năng dồi dào của tỉnh; lao động đi
theo chương trình phi lợi nhuận ít; vẫn còn tình trạng lao động cư trú bất hợp
pháp tại Hàn Quốc.
Bên cạnh các
chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), các cấp, ngành, tổ chức chính trị -
xã hội ở địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa trong tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ
người dân tiếp cận chương trình, hỗ trợ NLĐ học nghề, ngoại ngữ, đào tạo, bồi
dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn lao động dự tuyển; tuyên truyền, giáo dục định
hướng để NLĐ chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại; tuyên truyền, vận động
NLĐ về nước đúng hạn.
Ở những địa
phương chưa có phong trào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tiến hành
làm điểm tại tổ, xóm, thôn để từ đó nhân rộng ra các khu vực khác; hỗ trợ NLĐ
hết hạn hợp đồng lao động đã về nước được tiếp cận các chủ trương, chính sách
về phát triển kinh tế, việc làm, khởi nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch việc
làm chuyên đề dành cho lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài tham gia các
chương trình phi lợi nhuận…
"Nới” điều kiện
tuyển dụng nhằm thu hút lao
động ngoại tỉnh
Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang
Hiện nay, nhiều
doanh nghiệp (DN) của tỉnh Bắc Giang mở rộng quy mô sản xuất, ký được đơn
hàng mới nên cần tuyển nhiều lao động, với số lượng lớn. Theo thống kê, các
nhà máy trên địa bàn tỉnh cần tuyển hơn 100 nghìn lao động, tập trung ở ngành
điện tử và may mặc.
Trong tháng 4
vừa qua, đoàn công tác tỉnh Bắc Giang đã triển khai chương trình kết nối, thu
hút lao động tỉnh Hoà Bình đi làm việc tại các DN của tỉnh Bắc Giang. Cùng
tham gia đoàn có đại diện DN FDI trực tiếp đến các địa phương để thông tin
tuyển dụng. Đặc biệt, nhằm thu hút lao động, nhiều DN cũng "nới” điều kiện
tuyển dụng, hạ thấp tiêu chuẩn về độ tuổi, tay nghề, trình độ, đồng thời cải
thiện điều kiện làm việc. Đơn cử, các đơn vị tuyển lao động từ 18 - 40 tuổi
thay vì tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi như trước. Ngoài tăng lương, các DN tiếp
tục quan tâm cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại và nhiều chính sách phúc lợi
khác cho công nhân.
Để đáp ứng
nhu cầu về nhà trọ cho lao động xa quê, cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh Bắc
Giang cũng quan tâm triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, huy động sự
vào cuộc của DN, hộ dân xây dựng ký túc xá cho công nhân, lao động. Các địa
phương vận động hộ dân xây dựng nhà trọ văn minh, an toàn, đảm bảo đời sống,
sinh hoạt cho người lao động.
Mong muốn đi
làm việc ngoài nước để nâng
cao thu nhập, trình độ
Đnh Văn Đạo, Học sinh lớp 12, Trường THPT Đà Bắc (Đà Bắc)
Không lâu nữa
em sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT và đứng trước nhiều lựa chọn: Tiếp tục
học lên cao đẳng, đại học; theo học một lớp đào tạo nghề ngắn hạn để đi làm
ngay; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Quê em ở xóm
Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc). Hoàn cảnh gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp,
2 em gái đang tuổi ăn, tuổi học. Đến với hội chợ việc làm huyện Đà Bắc em được
tư vấn, hướng nghiệp giúp xác định rõ hơn về tương lai sau này của mình. Nguyện
vọng của em là học xong THPT, nếu được gia đình ủng hộ và được hỗ trợ vay vốn
chính sách, em sẽ tham gia chương trình việc làm ngoài nước để có thu nhập
cao hơn, cải thiện, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tiếp cận môi trường làm việc
hiện đại…
Với số tiền
nhận được khi làm việc ngoài nước, em sẽ có thể phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn
học và để dành được vốn thực hiện ước mơ, dự định về sau. Em cũng hy vọng với
kiến thức, kỹ năng học hỏi được ở nước ngoài sẽ mở rộng cơ hội để em tìm được
việc làm khi trở về. |
Bùi Minh