Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Mai Châu, từ chiều mùng 7 đến sáng 8/9 nhiều nơi trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to. Mưa liên tục đã gây ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất, làm nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập...



Điểm ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 15 đoạn qua xã Mai Hạ tính đến 11h00 ngày 8/9 các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông.

Thông tin cho phóng viên, đồng chí Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Cun Pheo cho biết: Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tính đến sáng 8/9, trên địa bàn xã đã bị ngập úng cục bộ; có nhiều điểm sạt lở đất đá trên các tuyến đường giao thông và xuất hiện các điểm nứt, có nguy cơ sạt trượt đất, đá với khối lượng lớn tại khu tái định cư Hin Pén. Do vậy, ngay trong sáng 8/9, UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ và nhân dân giúp đỡ, tổ chức di dời 11 hộ ở khu tái định cư này về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, qua rà soát, trên tuyến đường từ UBND xã đi xóm Táu Nà có 6 điểm sạt lở gây nguy hiểm. Các điểm sạt lở này đã chia cắt, cô lập xóm Táu Nà có 48 hộ dân cùng gần 200 nhân khẩu với khu vực bên ngoài.







Nhiều hộ dân ở xóm Hiềng, xã Thành Sơn đứng trước nguy cơ bị đất đá sạt lở, vùi lấp.

Còn tại xã Vạn Mai, theo thông tin từ đồng chí Khà Văn Sảnh, Chủ tịch UBND xã, trong ngày và đêm 7/9 trên địa bàn xã có mưa to kéo dài trong nhiều giờ, nước lũ dồn về các khu vực trũng gây ngập úng 8ha lúa của các xóm Củm, Nghẹ, Lọng, Khán. Ngoài ra, tại xóm Thanh Mai có 3 hộ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao đã được cấp ủy, chính quyền địa phương di dời về nơi tránh trú an toàn. "Nếu tiếp tục có mưa, nước dâng cao sẽ gây ngập trên các tuyến đường của xã. Do vậy, sẽ có nguy cơ một số địa bàn xóm bị nước lũ chia cắt, cô lập”, đồng chí Khà Văn Sảnh cho biết thêm.


Người dân xã Chiềng Châu dọn rác để dòng chảy lưu thông nhằm tiêu thoát úng ngập.

Sau những trận mưa kéo dài, trong đêm và rạng sáng 8/9 trên tuyến Quốc lộ 15 đoạn qua xã Mai Hạ nước dâng cao gây ngập úng, các phương tiện không thể đi qua. "Chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác, không để người và phương tiện lưu thông qua khu vực nước ngập sâu”, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Mai Châu, tổ trưởng tổ cán bộ được phân công theo dõi công tác phòng chống thiên tai của huyện ở xã Mai Hạ thông tin.


Lực lượng chức năng huy động phương tiện xử lý các điểm sạt lở trên tuyến đường Thành Sơn (Mai Châu) - Vân Sơn (Tân Lạc).

Ngoài các địa phương trên thì tại các xã vùng cao, vùng xa của huyện cũng phải tập trung nhân lực, vật lực để giải quyết, xử lý nhiều điểm có nguy cơ về ngập úng cục bộ, sạt lở đất tại nhiều khu vực. Như tại xã Thành Sơn, UBND xã đã huy động hàng chục dân quân, công an và người dân cùng các phương tiện, máy móc để xử lý các điểm sạt lở và giúp đỡ người dân khi đi qua khu vực nước ngập sâu tại xóm Hiềng. Theo đồng chí Hà Văn Uốn, Trưởng Công an xã Thành Sơn, lực lượng Công an xã đã phối hợp với các lực lượng tổ chức giúp đỡ gia đình anh Đinh Văn Nhìn và một số hộ dân di dời người, tài sản đến nơi tránh trú an toàn sau khi nơi ở của các hộ xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng.





Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Mai Châu bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Mai Châu, thống kê đến thời điểm 9h30’ ngày 8/9, ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đã làm 6 hộ bị tốc mái nhà và sụt lún nền nhà, 1 cột viễn thông bị đổ. Các địa phương trong huyện đã phải di dời 59 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Toàn huyện có trên 75ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; hàng chục điểm sạt lở đất đá với khối lượng hàng nghìn m3 vùi lấp hàng trăm mét đường giao thông, gây ách tắc, cô lập nhiều điểm dân cư. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có nhiều điểm, tuyến đường nước dâng cao, ngập sâu làm các phương tiện không đi lại được. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác ứng phó và bước đầu triển khai lực lượng tại chỗ để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai một cách hiệu quả.



Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Đà Bắc có 19 nhà dân bị tốc mái, đổ gãy 2 cột điện

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, từ 16 giờ ngày 6/9 đến 10 giờ ngày 7/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện xảy ra mưa vừa, mưa to diện rộng kèm theo gió giật mạnh đã gây ra những thiệt hại về nhà ở, hoa màu của người dân.

Huyện Yên Thủy di dời 60 hộ dân đến khu vực an toàn tránh bão số 3

Tính đến 15h ngày 7,9, huyện Yên Thủy đã có mưa to, kèm theo các đợt gió giật mạnh làm đổ khoảng 30 ha lúa đang trong thời kỳ thu hoạch tại các xã Bảo Hiệu, Ngọc Lương, Đa Phúc và thị trấn Hàng Trạm.

Huyện Mai Châu: Huy động các lực lượng giúp dân lợp lại mái nhà, ổn định cuộc sống trong mưa bão

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Mai Châu, từ chiều 6/9 và rạng sáng 7/9, trên địa bàn huyện Mai Châu có mưa nhỏ và vừa. Do vậy, lượng nước đổ về các suối còn thấp, chưa có nhiều tác động, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và cuộc sống người dân.

Phường Tân Thịnh di dời 7 hộ dân tòa nhà A8, A9 đến nơi an toàn

Sáng 7/9, UBND phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân đang sinh sống tại 2 tòa nhà A8, A9 đến nơi an toàn để tránh bão số 3.

Huyện Lạc Sơn ước thiệt hại khoảng 1,64 tỷ đồng do bão số 3

Theo báo cáo nhanh của UBND huyên Lạc Sơn, đến 9h sáng 7/9, huyện Lạc Sơn thiệt hại ban đầu ước khoảng 1,64 tỷ đồng do ảnh hưởng bão số 3.

Hướng tới xây dựng thị trấn Bo là hạt nhân đô thị, dịch vụ

Theo quy hoạch, thị trấn Bo (Kim Bôi) mở rộng gồm thị trấn Bo hiện tại, xã Vĩnh Đồng và xã Kim Bôi, hội tụ đầy đủ lợi thế về cảnh quan, môi trường, tài nguyên, văn hóa. Đặc biệt đây là trung tâm của nguồn nước khoáng tinh chất ngàn năm được khẳng định có lợi cho sức khỏe, đã định vị trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục