HBĐT) - Những ngày cuối tháng 7, Công ty CP đầu tư du lịch Hòa Bình tổ chức tua du lịch 2 ngày, 1 đêm khảo sát sản phẩm mới lòng hồ Hòa Bình dành cho đại diện các hãng du lịch tại khu vực Hà Nội. Từ cảng Thung Nai, du khách lên thuyền trung tốc thăm quan lòng hồ sông Đà, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "vịnh Hạ Long trên cạn” và cập bến tại bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) - bản Mường cổ nằm sâu trên lòng hồ sông Đà. Bản hoàn toàn tách biệt do chưa có đường bộ nên còn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ, tập quán sinh hoạt truyền thống của người dân bản địa.


Thiếu nữ Mường đánh chiêng chào đón khách đến với điểm du lịch cộng đồng bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc).

Đến với bản Ngòi, du khách được tìm hiểu nét văn hóa, ẩm thực của đồng bào Mường, khám phá vẻ đẹp hệ thống hang động trong vùng, trải nghiệm 34 trò chơi dưới nước tại Công viên nước bơm hơi lớn nhất Việt Nam mới được khai trương tại bản Ngòi, tham gia hoạt động teambuilding "Đua bè mảng trên vịnh Ngòi Hoa”. Đêm trên bản, bên vò rượu cần, du khách cùng với trai, gái bản Mường giao lưu văn nghệ, hòa nhịp cùng điệu múa sạp truyền thống. Nửa đêm về sáng, du khách có thể cùng người dân bản Ngòi đi thuyền ra hồ cất vó, một trải nghiệm thú vị về cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.

Ngày thứ hai với hành trình đi bộ từ bản Ngòi đến xã Ba Khan (Mai Châu). Quãng đường dài khoảng 6, 5 km theo đường mòn men sườn núi, băng qua ruộng nương, khe suối, du khách sẽ hòa cùng không gian, phong cảnh, thiên nhiên hùng vĩ, tận hưởng khí hậu trong lành của vùng cao Hòa Bình. Kết thúc hành trình, xe ô tô đón khách tại Ba Khan đi đường bộ xuôi theo quốc lộ 6 về TP Hòa Bình.

Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư du lịch Hòa Bình cho biết: Trên đây là một số sản phẩm du lịch mới Công ty bắt đầu đưa vào khai thác. Chuyến du lịch này tổ chức cho đại diện các hãng du lịch tham gia. Họ trực tiếp trải nghiệm, khảo sát, mang tính chất quảng bá, giới thiệu, qua đó, các hãng du lịch sẽ giới thiệu sản phẩm đến với du khách trong nước và quốc tế, mong muốn thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với Hòa Bình.

Nói về tiềm năng du lịch của tỉnh, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng chia sẻ: Hòa Bình là cái nôi của nền văn hóa Việt - Mường, có nền văn hóa Hòa Bình - nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng nên có những giá trị về văn hóa, khảo cổ học hết sức đặc sắc là nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để khai thác, phát triển du lịch. Nhiều năm trước đây, có thể nói Hòa Bình là tỉnh thành công, cánh chim đầu đàn trong cả nước về mô hình du lịch cộng đồng mà khởi điểm là ở bản Lác (Mai Châu). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cho thấy, mặc dù là tỉnh thành công sớm nhưng thực tế lại đi sau, tụt hậu so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Du lịch không có sự phát triển rõ nét, sản phẩm thiếu sự đổi mới, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, thị trường du lịch không có sự phân khúc, chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng… Tại một số điểm du lịch cộng đồng như bản Lác, bản Văn, Pom Coọng (Mai Châu) … đã có hiện tượng bê tông hóa nhà sàn, các công trình, dịch vụ hiện đại như karaoke, massage, khách sạn… xuất hiện trong bản, kiến trúc bị phá vỡ, yếu tố bản sắc, giá trị truyền thống không còn được giữ nguyên, dần bị mai một, có sự pha tạp không còn tạo sự hấp dẫn cho du khách, nhất là với du khác nước ngoài đi du lịch để tìm hiểu về văn hóa, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa.

Khi cơ sở hạ tầng, sản phẩm, thị trường khách du lịch của tỉnh còn nhiều bất cập, Công ty CP đầu tư du lịch Hòa Bình đã có một quyết định táo bạo: thực hiện đầu tư ngược với mục tiêu tạo cách nhìn mới cho đối tác về du lịch Hòa Bình. Công ty đầu tư 84 tỉ đồng xây dựng lại hoàn toàn khách sạn Hòa Bình I với 50 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 3 sao, đầu tư 2 du thuyền 3 sao trên lòng hồ sông Đà phục vụ khai thác du lịch lòng hồ, điểm nhấn quan trọng trong du lịch của tỉnh, cung cấp đến du khách dịch vụ lưu trú, dịch vụ vận tải đường thủy có chất lượng.

Với mong muốn thay đổi làm du lịch theo cách truyền thống, không "chỉ bán sản phẩm mình có” mà "bán sản phẩm khách cần”, Công ty dành 5 năm để nghiên cứu sản phẩm du lịch, khảo sát lại toàn bộ hiện trạng các điểm du lịch trên bản đồ du lịch của tỉnh. Từ đó gợi mở ra nhiều xu thế mới hơn, nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, khác lạ, thu hút du khách theo phân khúc thị trường như du khách Đức, Pháp du lịch tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm; du khách Anh, Hà Lan du lịch thể thao, dã ngoại, đi xe đạp, trekking (đi bộ) … Tháng 4/2016, Công ty triển khai dự án khu du lịch sinh thái Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc), tổng vốn đầu tư khoảng 600 - 700 tỉ đồng. Quá trình vừa đầu tư vừa tìm sản phẩm du lịch, Công ty đã phát hiện ra bản Ngòi, điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng. Công ty quyết định tiếp tục đầu tư phát triển du lịch ở bản với tổng vốn đầu tư khoảng 350 - 400 tỉ đồng. Bản Ngòi như là một bước thực hành cho hoạt động đầu tư, khai thác du lịch cộng đồng của Công ty ở các khu vực xung quanh, trong đó, yếu tố giữ nguyên bản sắc truyền thống, không phá vỡ kiến trúc, cảnh quan được đặt lên hàng đầu. Đồng thời đào tạo, hướng dẫn người dân kiến thức, kỹ năng về làm du lịch, qua đó góp phần cải thiện sinh kế, tạo nguồn thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống. Thuận lợi đối với làm du lịch cộng đồng ở bản Ngòi là đi sau nên rút được kinh nghiệm, làm cẩn trọng, bài bản ngay từ đầu. Tuy nhiên, khó khăn là thay đổi tư duy của người dân để họ hiểu, cùng đồng hành vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Hòa Bình là thị trường du lịch nhiều tiềm năng, điều quan trọng là cần có cách làm hiệu quả. Khi cơ sở hạ tầng còn khó khăn có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, biến chính điểm yếu thành điểm mạnh để phát triển du lịch. Xây dựng những sản phẩm đủ sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của từng đối tượng, mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu sắc, những giá trị du khách muốn nhận được sau chuyến du lịch. Bằng niềm đam mê, nội lực, tâm huyết với du lịch Hòa Bình, chúng tôi luôn mong muốn, khát vọng du lịch Hòa Bình có thể quay trở lại thời kỳ "phong độ” của 15 - 20 năm trước - chị Nguyễn Thị Thúy Phượng nhấn mạnh.

 

                                                                            Hà Thu


Các tin khác


Huyện Cao Phong đa dạng các sản phẩm du lịch vùng lòng hồ

Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Cao Phong là Thung Nai, Bình Thanh có nhiều tiềm năng về địa lý, tự nhiên và môi trường phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nơi đây còn có điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, nhất là vào dịp đầu năm.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến hấp dẫn

Cách Hà Nội khoảng 150km Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vừa là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc, được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch "Qua miền Tây Bắc” trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6.

Đẩy nhanh tiến độ khu du lịch Robinson - cần hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Thời gian qua, dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson được cho là chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thay đổi về quy mô dự án. Để dự án sớm đưa vào hoạt động rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như sự tích cực hơn nữa của chủ đầu tư.

Xây dựng các điểm đến thu hút du khách trên vùng hồ Đà Bắc

Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hoà Bình, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện vùng cao Đà Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch, điểm nhấn là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục