(HBĐT) - Cách đây cũng khá lâu, khi Nguyễn Phương, một người bạn ở thành phố Hà Giang nhắn nhủ: "Lên Hà Giang đúng vào mùa hoa tam giác mạch, các anh sẽ được đắm mình trong không gian sắc tím nhẹ như miền cổ tích. Lễ hội thì lên nhé.”Lời mời đó khiến bước chân dẫn dụ trở lại một thời nhỏ, khi được ngắm nhìn bức ảnh "Đường về Đồng Văn” vào những năm 70 của thế kỷ trước. Thôi, lên đường, dẫu Hà Giang chưa phải vào mùa hoa tam giác mạch…


Hà Giang tột Bắc, chọn hướng Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn…ập vào mắt khi rời thành phố Hà Giang là nắng, gió và ngút ngàn núi đá tai mèo. Con đường càng lên cao càng ngoằn ngoèo với những khúc cua như thử thách tay nghề các "bác tài”.

Điều kỳ thú là con đường ngược Bắc của đoàn không hề đơn lẻ, vắng vẻ mà rất đông các "phượt thủ” đồng hành. Khách ta, khách Tây đủ cả. Xe 16 chỗ, xe máy… từng nhóm, từng nhóm, nhìn trang phục và đồ đạc biết chắc rằng họ không chỉ đến 1 - 2 ngày. Ngạc nhiên đôi chút vì chưa phải mùa hoa tam giác mạch mà sao khách du lịch "hội quân” đông như vậy. Bác lái xe "thổ công” nơi đây cười như chia sẻ: "Các anh à… Hà Giang đâu chỉ có hoa tam giác mạch mà đâu chỉ chờ lễ hội mới có du khách. Hà Giang có khách du lịch quanh năm”. Điều gì ở miền tột Bắc khiến hút hồn bước chân du khách thập phương đến cả các mùa? Nếu ai chưa đi đi "tua” này khi đến Hà Giang chắc chắn sẽ bị choáng ngợp bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt, dẫu ở mảnh đất này để tồn tại, sinh sống, con người phải mạnh mẽ, vượt khó vô cùng mới trụ vững được. Nhưng tạo hóa cũng ban cho Hà Giang vốn liếng tuyệt vời để thu hút khách du lịch muôn phương.


Đường về cột cờ quốc gia Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Buổi sáng, nắng vừa hửng lên, chúng tôi sững sờ trước thung lũng mây trắng ở huyện Yên Minh trước khi chạm mắt, chạm chân tới cổng trời Quản Bạ. Thật là điều may mắn cho các nghệ sĩ chụp ảnh nghệ thuật. Bởi những đám mây khổng lồ này không phải lúc nào cũng xuất hiện dưới chân đèo này. Bởi có thể 1 tiếng sau, đoàn khách khác có thể sẽ không gặp được không gian tráng lệ này.

Cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu duy nhất ở Việt Nam (được UNESSCO công nhận vào năm 2010) nằm ở độ cao 1.000 -1.600m so với mặt nước biển với diện tích gần 2.356 km2 trải dài qua địa bàn 4 huyện: Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc. Trên cung đường 4 C huyền thoại này, du khách có thể đến thăm quan nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Hà Giang như phiên chợ Sà Phìn, dinh thự họ Vương, các bản, làng du lịch và cuốc sống trên đá của đồng bào Mông, phim trường cho bộ phim "Chuyện của Pao”… nhưng không thể không đến đỉnh thiêng cột cờ Lũng Cú (núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú - huyện Đồng Văn) - nơi lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tung bay trong gió lộng nơi tột Bắc. Thiêng liêng và tự hào là cảm nhận chung của các thành viên. Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng đâu chỉ có các bạn trẻ ở Hà Nội trong trang phục áo màu cờ đỏ, nhóm các bạn trẻ một tỉnh miền Trung mà còn có các đoàn khách của các nước Hà Lan, Đan Mạch, Pháp… Anh Hen - rich đến từ thành phố Vec Xay (Pháp) rạng rỡ cười và chia sẻ: "Việt Nam… Hà Giang thật đẹp. Tôi lần đầu được đến nơi này nên có những cảm xúc thật tuyệt với”. Anh liên tục xoay các góc để chụp được các bức ảnh ưng ý về lá cờ Việt Nam cũng như các làng, bản người dân tộc Mông, dân tộc Lô Lô như Lô Lô Chải, Séo Lũng, Thèn Ván phía xa…

Câu hát "Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông, đầu suối, như đầu mây đầu gió…” vang lên cùng hình ảnh các chiến sĩ biên phòng chào cờ khiến mỗi người thêm tự hào về mảnh đất địa đầu Hà Giang kiên cường. Bước chân mỗi du khách khi đến nơi đây như muốn chậm hơn để hiểu và tận hưởng niềm kiêu hãnh của con dân đất Việt cũng như tìm hiểu về "hành trình” lá cờ Tổ quốc nơi địa đầu biên cương. Từ thời Lý, cột cờ tổ quốc làm bằng cây sa mộc cao trên 10 mét đã được xây dựng. Qua thời Pháp thuộc, cột cờ nhiều lần được trùng tu, xây dựng.

Năm 1978, một đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Văn đã nảy sinh ý tưởng nên xây cột cờ cao hơn, lá cờ rộng dài hơn để người dân nhiều nơi trong vùng có thể ngắm nhìn. Ngay sau đó, lá cờ rộng 54 m (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em) đã được tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Giờ, cột cờ quốc gia đã được đầu tư đúng tầm hơn. Đường lên, đường xuống với hàng trăm bậc đá, bậc thang xoáy trôn ốc trong lòng cột cờ, thật thuận lợi cho du khách. Nơi này nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước như đang dồn tụ ở chốn này…

Cung đường Đồng Văn - Mèo Vạc nằm trong lòng cung đường cao nguyên đá có đèo Mã Pì Lèng (nghĩa đen là sống mũi ngựa). Dịch ý thì đây là con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. Con đường này còn có tên gọi mới: Đường hạnh phúc. Trước đây, con đường đèo này "hội tụ” đủ các yếu tố: hùng vĩ, lãng mạn nhưng cũng vô cùng cheo leo, hiểm trở, khó đi; bên sườn núi dốc dựng đứng là vực sâu tăm thẳm, nơi có dòng Nho Quế mảnh mải như dải lụa mềm giữa cao nguyên đá cằn khô.

Nhằm phá tan sự ngăn cách với 2 huyện nơi cực Bắc heo hút, Trung ương Đảng, Khu ủy Việt Bắc đã quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn, Mèo Vạc. Đường được khởi công từ ngày 10/9/1959 - 15/6/1965 đã thu hút hàng vạn thanh niên xung phong và bà con 16 dân tộc của các tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hải Hưng, Nam Định. Riêng dốc Mã Pì Lèng, công nhân phải treo mình trên vách núi 11 tháng để đục đá mở đường. Trên 2 triệu, 946 nghìn ngày công dành ra để chinh phục con đường này. Đã có mồ hôi và cả máu đổ xuống cung đường này. Cũng vì thế, bất cứ ai đi trên cung đường này đều coi đây là một "địa chỉ đỏ” cần phải đến, chiêm ngưỡng, suy tưởng.

Con đường huyền thoại này đã đem đến du khách thật nhiều cung bậc tình cảm: trân trọng cám ơn, khâm phục ý chí sức mạnh bao lớp người đã đi mở đường và hào hứng, phấn khích khi được hòa mình với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với núi đá cao nguyên, bầu trời khoáng đạt rộng mở cùng dòng Nho Quế thăm thẳm hút tầm mắt.

Không du khách nào bỏ lỡ cơ hội được đến khu vực Mã Pì Lèng, nếu đã lên Đồng Văn, Mèo Vạc. Điểm kỳ tích này đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là danh thắng quốc gia. Hiện nay, khu tượng đài về những người phá đá mở đường đang dần được hoàn thiện… Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ ở điểm này đã có đến 4 đoàn "phượt” là các du khách Pháp dừng chân…

Hà Giang tột Bắc nhưng không xa xôi…Hà Giang luôn hấp dẫn du khách gần xa. Không chỉ Mèo Vạc, Đồng Văn… Hà Giang còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, lễ hội. Năm 2015 đã có trên 762.000 lượt du khách đã đến mảnh đất này; trong đó có gần 146.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt 708 tỷ đồng. Năm 2016, số lượng khách đạt 850.000 lượt người. 7 tháng năm 2017, lượng khách du lịch đã đạt 620.000 lượt người (trong đó, du khách nước ngoài đạt 107.000 lượt người); doanh thu đạt 554 tỷ đồng. Hà Giang đang phấn đấu 1.000.000 lượt du khách trong năm 2017…

Chia tay miền biên viễn cùng lời hẹn mới của người bạn bản xứ: "Lần sau lên Hà Giang, chúng ta sẽ đi các huyện miền Tây Hà Giang…Tuyệt vời lắm đó”. Lại một miền đất mới của Hà Giang cần chinh phục, khám phá, hứa hẹn sẽ có thêm những điều kỳ thú mới…


Bùi Huy

Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục