(HBĐT) - Cái rét thôi thúc chúng tôi trở lại mảnh đất Ngọc Sơn (Lạc Sơn). Đến với xã Ngọc Sơn năm nay, chợ trung tâm của 3 xã vùng cao đang được nâng cấp, những con đường bê tông nối dài hơn và đâu đâu cũng nghe tiếng cười giòn tan xua đi giá lạnh. Lần này, tôi đến vì những cánh đào phai mà bà con ở đây chăm sóc. Chúng đẹp như những con người thật thà, mến khách nơi đây.


Vườn đào phai của gia đình anh Bùi Văn Quý, xóm Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng trong dịp Tết năm nay.

Người vùng cao biếu đào thể hiện sự mến khách

Không khó để bắt gặp những cây đào phai với đủ kích cỡ dọc tuyến đường trên địa bàn xã Ngọc Sơn. Giống đào phai phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi vùng cao. Nhà nào cũng có dăm ba cây trở lên, nhà trồng nhiều có khoảng 15-20 cây, thành vườn. Tính ra cả xã cũng gần 3.000 gốc đào, có cây lâu năm, có cây mới trồng. Tại sao bà con ở đây lại rộ lên trồng đào phai như thế? Trước thắc mắc của chúng tôi, anh Bùi Văn Huyn, cán bộ xã cho biết: "Trước đây, bà con trồng đào để lấy quả chứ chưa có mục đích bán cây, bán cành chơi Tết như bây giờ. Sự mến khách của người vùng cao Ngọc Sơn thể hiện ở việc biếu đào những vị khách quý đến chơi nhà. Người ở xa đến thăm, sau khi dùng cơm cùng gia đình với những đặc sản núi rừng, nhâm nhi chén rượu, ngủ chơi lại nhà, trước khi ra về chủ nhà thường tặng khách một cành đào mang về chơi Tết. Khoảng chục năm trở lại đây, để tăng thêm thu thập, người dân mới nhen nhóm việc bán đào Tết”.

Trước đây, khi thời tiết chưa có nhiều thay đổi với hiện tượng nóng lên toàn cầu, đào nở tập trung một lần vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Những khóm đào với màu hồng nhạt cổ điển chưa bao giờ thiếu nụ, thiếu hoa vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Khoảng 3-4 năm nay, thời tiết nóng lên đào cũng chuyển mình để thích ứng tạo nên đặc trưng riêng. Đào nở 2-3 lần /năm, bắt đầu từ cuối tháng 10 âm lịch đến những ngày tháng chạp (tức tháng 12 âm lịch). Một số hộ như bà Bùi Thị Nòn, anh Bùi Văn Quý (xóm Cha) đã tiên phong trồng đào tập trung thành vườn rộng vừa xóa bỏ vườn tạp, vừa để tăng thêm số lượng đào Tết phục vụ khách mua mỗi năm.

 Đào tết - Món ăn tinh thần đem lại vật chất

Với đặc trưng và chất lượng đào phai nên khách thập phương đến Ngọc Sơn xem đào, mua lẻ và mua số lượng lớn khá nhiều. Bà con không chỉ bán cành như trước đây mà còn bán cả gốc nếu khách có nhu cầu. Đâu đó còn xuất hiện hình ảnh người dân chở bằng xe máy từng bó cành đào xuôi dốc xuống bán lẻ tại chợ huyện. Dịp Tết năm 2016, có những khách ở tận Quảng Ninh đến mua cả gốc, cả cành số lượng lớn, chất đầy gần chục xe tải cỡ 3-5 tấn rồi chở đi. Những gốc đào có thế đẹp được khách trả đến triệu bạc hoặc cành đẹp thì cũng được vài trăm nghìn, còn lại trung bình mỗi cành từ 50.000 - 100.000 đồng.

Trồng đào phai vừa là sở thích, nhưng cũng đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Anh Bùi Văn Quý (xóm Cha) chia sẻ: "Từ 20 gốc đào trồng tại vườn nhà từ năm 2010, đều đặn mỗi năm tôi tăng số lượng lên 10 gốc, đến nay cả vườn có 70 gốc đáp ứng nhu cầu của khách. Tết đầu tiên tôi bán nguyên cành đã thu về được hơn 3 triệu đồng. Nay đào trong vườn lớn hơn, đẹp hơn, trung bình dịp Tết tôi bán được 6-8 triệu đồng. Có năm bán chạy nhất tôi thu về được 12 triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình cũng dư giả hơn, tiền sắm sửa đồ đạc, chỉnh trang nhà cửa mỗi dịp Tết đến. Với tôi, trồng đào không chỉ là sở thích mà còn giúp tăng thu nhập cho gia đình”.

Xóm Cha là xóm trồng đào nhiều nhất cả xã với khoảng 1.000 gốc. Cùng với cây ngô và các mặt hàng nông sản khác, việc bán đào mỗi dịp Tết góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 17 triệu đồng /năm, nhiều hơn 2 triệu đồng so với thu nhập bình quân toàn xã.

Cây đào phai đã trở thành nguồn kinh tế ổn định hàng năm của các hộ nhờ dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. Anh Quý cho biết thêm: "Tôi nhân giống tại vườn chứ không mất công đi xa. Trong quá trình chăm sóc cây, tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Chỉ lưu ý bón thúc một lần vào đầu năm bằng phân NPK. Sau lần bón thúc, cây sẽ sinh trưởng tự nhiên và ra hoa định kỳ”. Như mọi năm, trước Tết khoảng 20 ngày, tư thương sẽ đến tận nơi để xem cây và đặt hàng. "Gần chục năm trong nghề trồng đào phai, gốc đào đắt nhất mà tôi bán được 1, 2 triệu đồng, những gốc bình thường trung bình từ 600.000 - 700.000 đồng /gốc, còn lại chủ yếu là họ mua cành về trang trí. Năm nay vườn đào nhà tôi phát triển tốt, dự kiến Tết này sẽ thu được bằng hoặc hơn mọi năm”.

Những cây đào bắt đầu hé nụ báo hiệu mùa xuân đến, cũng là điềm báo cho một năm được mùa của những gia đình trồng đào phai ở Ngọc Sơn. Rời vườn đào nhà anh Quý, chúng tôi thầm mong một năm mới an lành, ấm no, sung túc đến với bà con vùng cao nơi đây.

 

                                                                   Thanh Sơn

Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục