(HBĐT) - Tháng 10/2017, tại huyện Mai Châu tổ chức thành công Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng đã khẳng định và đánh dấu bước phát triển mới của du lịch cộng đồng tỉnh ta. Đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng. Đến thăm quan các làng du lịch cộng đồng, du khách sẽ được khám phá nền văn hóa độc đáo giàu bản sắc các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao...


Sức hút làng du lịch của dân tộc Mường

Tỉnh Hòa Bình có trên 60% dân số là dân tộc Mường. Văn hóa, con người của dân tộc Mường luôn là chủ đề hấp dẫn đối với du khách. Tiếng chiêng vang vọng khắp bản Mường như lời mời gọi, thúc giục du khách thập phương ghé thăm bản Mường. Để khám phá và trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Mường, du khách hãy đến với bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng bản cho biết: Bản Giang Mỗ nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12 km với trên 100 nóc nhà sàn còn nguyên bản từ hình dáng nhà cửa đến nếp sinh hoạt, ăn ở. Bản Giang Mỗ được thiên nhiên ban tặng cho không khí trong lành, những con suối quanh năm róc rách chảy, chim hót líu lo. Các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường vẫn được giữ nguyên. Nhà sàn lợp bằng mái gianh, nằm xen giữa những ruộng bậc thang, những rặng tre già như chở che cho mái nhà sàn của người Mường. Các vật dụng của người Mường xưa như cối giã gạo, cung, nỏ… vẫn được lưu giữ trong từng nếp nhà.

Đến khám phá bản Giang Mỗ, khách du lịch được thưởng thức những điệu múa mềm mại, uyển chuyển của người con gái Mường. Du khách sẽ cảm thấy ấm áp khi được trải nghiệm ở nhà sàn truyền thống, được đón tiếp bởi người dân chất phác, nhiệt tình, thân thiện, mến khách. Được trải nghiệm những công việc thường ngày như làm ruộng, trồng rau, trồng rừng, đánh bắt cá, chăn nuôi, học cách làm rượu cần và nấu các món ăn dân tộc Mường như xôi ngũ sắc, rau đồ, cá nướng…


Vẻ hoang sơ, mộc mạc của bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong).

Vượt qua dốc Cun, khách du lịch có thể tới xóm Cú, xã Tử Nê (Tân Lạc). Tại đây xây dựng một ngôi nhà sàn khang trang mang đậm kiến trúc của người Mường xưa từ cột nhà, cách bố trí vị trí cửa, hình dáng mái nhà... là nơi sinh hoạt văn hóa của cả xóm. Du khách sẽ có nhiều điều bất ngờ khi khám phá ngôi nhà sàn. Ngoài ra, xóm Cú còn có 4 ngôi nhà sàn phục vụ khách du lịch lưu trú. Du khách cùng dùng bữa trưa với người dân bản địa, dạo chơi, khám phá cuộc sống của người Mường thông qua các nghề truyền thống như đan lát, dệt vải, nuôi ong.

Điểm hẹn du lịch cộng đồng của đồng bào Thái

Không sầm uất, tấp nập, tất cả đều dân dã, gần gũi với thiên nhiên. Những điều bình dị ấy chính là điểm thu hút của những bản làng người Thái, huyện Mai Châu. Những ngôi nhà sàn bên bờ ao, những con đường bê tông uốn lượn, hàng cây xanh mướt khắp bản, làng… đều hòa vào thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ. Hiện nay, huyện Mai Châu có nhiều bản du lịch cộng đồng của dân tộc Thái như bản Lác, bản Văn, bản Pom Coọng, bản Hịch, bản Bước… Đến với các bản du lịch của người Thái, du khách có thể thỏa thích khám phá những nét đặc sắc văn hóa, con người nơi đây.

Chị Trần Minh Trang, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ: Tôi cùng nhóm bạn 10 người đến khám phá bản Pom Coọng, thị trấn Mai Châu. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi vừa đặt chân tới bản, hiện ra trước mắt là những nếp nhà sàn được thiết kế san sát, chỉ cách nhau luống rau hay bờ rào. Ngồi trên cửa voóng từ nhà bên này có thể trò chuyện với nhà hàng xóm. Dưới chân nhà sàn, các mẹ, các thiếu nữ dân tộc Thái miệt mài bên khung cửi, tạo ra những sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo làm du khách đắm say bởi những động tác nhanh nhẹn từ đôi tay, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đầy màu sắc, độc đáo như túi, áo được bày bán bắt mắt dưới chân nhà sàn.


Du khách trải nghiệm đi bộ xuyên qua rừng già tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh trăng huyền bí của núi rừng, bài hát múa "Giã gạo đêm trăng” rộn ràng vang lên mở màn cho đêm diễn văn nghệ. Những cô gái Thái yêu kiều, diễm lệ trong váy áo dân tộc cất vang lời ca làm đắm say lòng du khách. Các tiết mục của đội văn nghệ nghiệp dư được những nam thanh, nữ tú tự biên, tự diễn phục vụ khách du lịch. Du khách đang đắm say theo lời ca, tiếng hát của người con gái Thái thì đã được "hâm nóng” bằng những điệu múa xòe, múa sạp. Cứ thế du khách và người dân cùng hòa vào nhau theo những điệu xòe, cùng nắm tay nhau quanh đống lửa với vò rượu cần, tất cả trở nên thân quen. Hơi ấm của lửa, hơi men của rượu hòa cùng tấm lòng thân thiện, mến khách của người dân đã phá vỡ mọi khoảng cách giữa chủ nhà và du khách.

Khám phá làng du lịch dân tộc Dao

Mưa phùn, đường trơn nhưng chúng tôi vẫn quyết vượt cung đường 433 uốn lượn, dừng chân tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc). 100% người dân xóm Sưng là đồng bào dân tộc Dao. Người dân nơi đây vẫn giữ được những phong tục, tập quán đặc sắc của người Dao. Quanh năm họ quen với con dao, cái rựa, lên nương, lên rừng trồng cây, chặt củi. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Phòng VH - TT huyện Đà Bắc cho biết: Tổ chức AFAP của úc là đơn vị hỗ trợ xóm Sưng, xã Cao Sơn làm du lịch cộng đồng. Dự án đã hỗ trợ tu sửa nhà cửa, vệ sinh môi trường, hỗ trợ cách làm du lịch. Dự án đã đào tạo, tập huấn, kỹ năng nấu ăn, hướng dẫn viên… AFAP hỗ trợ vay vốn nâng cấp tu sửa nhà, dịch vụ hỗ trợ như nghề thổ cẩm, sản xuất sản phẩm địa như chè, mật ong… nâng cấp, tu sửa hạ tầng cơ sở, thiết kế tuor, tuyến đi bộ kết nối xóm Sưng các xóm khác. Từ sự hỗ trợ này, nhiều người đã thay đổi tư duy làm kinh tế từ du lịch.

Xóm Sưng còn khá đơn sơ với những nếp nhà mái lá, tường gỗ và được bao phủ bởi màu xanh của cây rừng. Đồ dùng trong nhà được làm từ gỗ, tre, nứa tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với môi trường. Đến xóm Sưng, du khách được tận hưởng không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, đạp xe quanh xóm, chèo bè mảng để khám phá sự kỳ bí của lòng hồ, sự huyền bí của "vịnh Hạ Long” trên núi; đi thăm hang Bà Chúa Hoàng Lan trên núi Biều. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Dao. Với những người thích khám phá, vận động sẽ tham gia bắt cá suối, đi bộ xuyên qua những cánh rừng già dọc hồ sông Đà. Đây là những trải nghiệm thú vị không thể nào quên. Điều đặc biệt, xóm Sưng hấp dẫn đối với khách du lịch là nghề thêu tay các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Dao. Từ cụ già cho đến các cháu nhỏ miệt mài, khéo léo đưa từng mũi kim, sợi chỉ tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đầy sắc màu. Du khách còn được trực tiếp trải nghiệm thêu tay những tấm khăn, áo truyền thống của người Dao.

Du lịch cộng đồng tại Hòa Bình ngày càng phát triển, tạo được vị trí quan trọng đối với du khách trong và ngoài nước. Các bản du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh là điểm hẹn lý tưởng cho du khách đến khám phá vào dịp cuối tuần, đầu xuân năm mới. Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, số lượng khách du lịch đến khám phá những bản, làng du lịch cộng đồng tỉnh ta không ngừng tăng theo các năm. Chất lượng các sản phẩm du lịch của các bản, làng du lịch cộng đồng ngày càng được nâng cao. Giá các dịch vụ như giường ngủ, đồ ăn, đồ uống đều được niêm yết theo đúng quy định.



Thu Thủy

 

Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục