(HBĐT) - Khi nói đến Quảng Ninh thường nghĩ đến vẻ đẹp của vịnh Hạ Long với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, hay thành phố công nghiệp trẻ Cẩm Phả, đảo Cô Tô, Vân Đồn. Nhưng ít ai biết rằng, có một điểm đến không kém phần thú vị là Bình Liêu, mảnh đất biên thuỳ với những con thác và cánh đồng bậc thang hùng vĩ, những đồi hoa cỏ lau, hoa mua thơ mộng. Bình Liêu đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và bình dị.
Đồi hoa mua tím thơ mộng tại núi Cô Đơn, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được nhiều bạn trẻ lựa chọn trải nghiệm, lưu lại những bức ảnh đẹp.
Trong chuyến đi Quảng Ninh lần này, thay vì chọn những điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, tôi quyết định chọn trải nghiệm Bình Liêu theo lời mời của cô bạn học cũ. Và cũng theo cô bạn "thổ địa” của nơi này, Bình Liêu bốn mùa đều đẹp, mỗi mùa lại thơ mộng theo một nét riêng. Xuất phát từ Hạ Long lúc 6h, phương tiện chúng tôi chọn là xe máy, bởi do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà xe khách đi Bình Liêu đã dừng hoạt động, hơn hết nếu đi Bình Liêu tốt nhất nên đi xe máy để có thêm nhiều trải nghiệm. Di chuyển gần 110 km, mất 3 tiếng đồng hồ chúng tôi đến trung tâm huyện Bình Liêu. Ấn tượng đầu tiên ở huyện biên giới này là sự yên bình với phiên chợ cuối tuần, các bà, các cô người Dao Thanh Phán, Sán Chỉ và Tày xúng xính váy áo đi chợ phiên.
Điểm đến đầu tiên chúng tôi lựa chọn là xã Húc Động, cách trung tâm huyện 12 km. Đây là một trong những xã vùng cao của huyện với đa số người dân tộc Sán Chỉ sinh sống, về đúng mùa lúa chín quả là một trải nghiệm tuyệt vời. Dù không ngút tầm mắt như những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) hay ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), nhưng mùa vàng ở Bình Liêu vẫn níu giữ chân du khách bởi cảm giác tươi mới, nhẹ nhàng. Những cánh đồng vàng rực cả một vùng trời, trải dài dưới thung lũng, uốn lượn bên những sườn đồi quanh co. Ngày mùa đến vui như trẩy hội, trai gái dập dìu trong những bộ trang phục truyền thống nhanh tay gặt hạt ngọc trời đem về nhà. Nét đẹp thiên nhiên hòa cùng nét đẹp lao động tạo nên một bức tranh sống động, đẹp mắt.
Đến Bình Liêu mùa này đối với nhiều phượt thủ có lẽ là mùa đẹp nhất. Thác chảy mạnh, nước reo vui, không khí thoáng mát, trong lành là địa điểm "đi trốn” thú vị. Nếu như nói Bình Liêu là "Sa Pa thu nhỏ” thì những địa điểm thác như Khe Vằn (xã Húc Động), Khe Tiền (xã Đồng Văn) là những "bông hoa tam giác mạch” tô điểm cho nơi đây. Những con đường lên thác ngoằn ngoèo, hiểm trở nhưng khi chinh phục được để lên đến thác là một cảm giác tuyệt vời. Người dân bản còn chu đáo dựng những chiếc lán tre để du khách có thể dừng chân nghỉ mệt sau quãng lội rừng, lội suối. Tại những con thác, du khách có thể cắm trại, chụp ảnh, tổ chức liên hoan với bạn bè.
Chị La Thị Thàm, một người dân ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cho biết: Đối với Bình Liêu du khách đến vào mùa nào cũng sẽ tìm được những nét độc đáo riêng. Mùa xuân trắng tinh khôi hoa trẩu, mùa hạ rực rỡ mùa lúa chín vàng, mùa thu đẹp lãng mạn những đồi cỏ lau, mùa đông nở rộ cả một cánh rừng hoa sở. Mặc dù là huyện miền núi nhưng vẻ đẹp nơi đây có sức hút không hề kém cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Đặc trưng của Bình Liêu bên cạnh phong cảnh hoang sơ hùng vĩ còn là những cột mốc. Do có địa hình giáp với Trung Quốc, Bình Liêu có 64 cột mốc nằm trên cung đường biên giới độc đạo dài gần 50 km quanh co, hiểm trở. Trong đó, có 4 cột mốc linh thiêng là 1300, 1302, 1305 và 1327. Những cột mốc này nằm rải rác trên đường tuần tra biên giới cao hơn 700 m so với mặt nước biển.
Mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những ngọn núi cao bậc nhất Quảng Ninh, những cung đường tuần tra biên giới thiêng liêng, những thửa ruộng bậc thang chín vàng bên các bản làng mang đậm sắc màu văn hoá của bà con dân bản và cả những đồi lau thơ mộng. Bình Liêu đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài tỉnh khi đến với Quảng Ninh.
Khánh Linh
(HBĐT) - Hoạt động du lịch, làng nghề của huyện Mai Châu đang trải qua quãng thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều hộ làm du lịch, nghề truyền thống trong tình cảnh lao đao, công việc phập phù, kéo theo nguồn thu nhập không ổn định.
(HBĐT) - TP Hải Phòng là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Đến Hải Phòng, du khách không chỉ có dịp trải nghiệm du lịch biển mà còn có các địa điểm du lịch tâm linh đặc sắc có ý nghĩa lịch sự văn hóa. Trong đó, bãi cọc Cao Quỳ là một địa điểm mới được phát hiện. Cùng các bạn đồng nghiệp Báo Hải Phòng, chúng tôi có dịp được ghé thăm Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng).
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí và cơ chế công nhận và cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của nước ngoài.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định ban hành "Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu là tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Giữa các đợt phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19 không phải là thời điểm hợp lý nhất để khởi động một chiến dịch quảng bá du lịch. Có lẽ vì thế, chiến dịch quảng bá mới nhất của Hội đồng Du lịch quốc gia Australia (TA) không nói về việc đi nghỉ - mà là lời kêu gọi tiêm vaccine ngừa Covid-19.
(HBĐT) - Nằm trong khu du lịch hồ Hòa Bình, bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) là một trong những điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) được đưa vào khai thác chưa lâu. Nhờ giữ được vẻ mộc mạc, nguyên sơ mà nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách.