Sau gần 2 năm đóng băng, ngày 1/10 du lịch Việt sẽ chính thức "mở cửa" thí điểm đón khách ngoại ở các thị trường có độ an toàn cao. Đây được kỳ vọng là tia sáng cho chặng đường phục hồi của ngành.
Từ ngày 1/10, Phú Quốc sẽ "nổ phát súng” đầu tiên đón khách quốc tế trở lại sau khi Chính phủ chính thức phê duyệt kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Dù còn bộn bề việc cần làm để địa phương cũng như doanh nghiệp bắt nhịp với guồng quay cũ sau thời gian dài "tê liệt” vì dịch bệnh, song với kế hoạch thí điểm đón khách trở lại theo dạng "hộ chiếu vaccine," "thiên đường du lịch" Phú Quốc đang nuôi hy vọng vào "tia sáng" phục hồi.
Quy trình khép kín cho khách ngoại
Theo kế hoạch thí điểm, du khách thuộc các quốc gia có độ an toàn cao về phòng, chống COVID-19 tại các khu vực như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, châu Úc... cần đăng ký chương trình du lịch trọn gói (tour) của doanh nghiệp lữ hành nếu muốn đến Phú Quốc.
Để nhập cảnh, du khách phải đáp ứng đủ các yêu cầu gồm: Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 (không quá 12 tháng từ khi xuất viện đến khi nhập cảnh); giấy xác nhận âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Trẻ em dưới 12 tuổi phải đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ có đầy đủ các loại giấy tờ trên; du khách cần cài đặt và khai báo y tế qua ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (Vietnam Safe Travel - VST), Healthy Vietnam, VHD... rồi dùng mã QR xuất trình (trường hợp du khách không đảm bảo đủ các điều kiện trên có thể bị từ chối nhập cảnh, chi phí về nước hoặc quá cảnh do khách chi trả toàn bộ).
Du khách khai báo y tế qua app. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Sau khi nhập cảnh, du khách tuân thủ 5K theo quy định của Bộ Y tế. Tại cửa khẩu, nếu có dấu hiệu nghi mắc COVID-19, du khách cần tuân theo các biện pháp cách ly; luôn bật bluetooth và GPS sau khi đã cài đặt các ứng dụng khai báo y tế, kiểm soát ra vào các địa điểm trong suốt thời gian nhập cảnh.
Theo hướng dẫn của công ty du lịch, du khách di chuyển bằng luồng được phân bổ và sử dụng ôtô riêng theo lịch trình đã được phê duyệt, trên xe bố trí dung dịch sát khuẩn tay. Nhân viên phục vụ, lái xe, hướng dẫn viên và khách du lịch đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển.
"Chủ nhà” cần chuẩn bị gì?
Hãng hàng không và đơn vị vận chuyển đường bộ được lựa chọn phải đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19, chất lượng phục vụ tốt, uy tín cùng đội ngũ được tập huấn về quy trình chống dịch.
Để tham gia trực tiếp vào quy trình đón, phục vụ du khách, từ cán bộ kiểm dịch, kiểm soát xuất nhập cảnh đến nhân viên các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú... đều phải tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19.
Doanh nghiệp lữ hành được chọn đón khách phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, có thời gian hoạt động từ 3 năm trở lên và có kinh nghiệm đón tối thiểu 30.000 khách quốc tế/năm; doanh nghiệp cần có thị trường nguồn phù hợp.
Du khách sớm có cơ hội trở lại đảo ngọc Phú Quốc. (Ảnh minh họa: M.Mai/Vietnam+)
Sau khi tiếp nhận khách ở sân bay, đơn vị lữ hành hướng dẫn khách di chuyển theo phân luồng ra từng phương tiện vận chuyển; sử dụng xe ôtô riêng phục vụ trong suốt hành trình khách du lịch tại Việt Nam, tiến hành vệ sinh khử khuẩn xe trước và sau khi đưa đón khách du lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; vận chuyển người nhập cảnh theo đúng kế hoạch, lịch trình được duyệt; không dừng, đỗ dọc đường…
Khách sạn, khu nghỉ dưỡng được chọn tham gia chương trình thí điểm phải có xếp hạng 3-5 sao, có khu vực lưu trú riêng biệt cho khách quốc tế và không tiếp xúc cộng đồng đồng thời phải có khu vực lấy mẫu xét nghiệm, cách ly riêng.
Tại nơi nghỉ, du khách được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và lưu trú trong khu vực có kiểm soát trước khi có kết quả. Trường hợp du khách có kết quả dương tính hoặc nghi nhiễm sẽ được điều trị hoặc cách ly (có thu phí) theo quy định của Bộ Y tế. Có kết quả âm tính, du khách tiếp tục tham quan các địa điểm trong chương trình.
Đặc biệt, theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để chương trình thí điểm có thể khởi động, chính quyền địa phương cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất về y tế, cơ sở phục vụ khách cách ly, bố trí lực lượng công an, y tế, đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Trước đó, kế hoạch của ngành du lịch là Phú Quốc sẽ thí điểm mở cửa đón khách quốc tế trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10. Giai đoạn một 3 tháng, đón từ 3.000-5.000 khách/tháng, qua các chuyến bay thuê bao, phạm vi và địa điểm phục vụ hạn chế. Giai đoạn hai sau khi đánh giá kết quả giai đoạn một, có thể mở rộng quy mô đón 5.000-10.000 khách/tháng, trên các chuyến bay thương mại và mở rộng phạm vi, địa điểm đón khách./.
Phú Quốc sở hữu nhiều khu nghỉ dưỡng và trung tâm giải trí đẳng cấp. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Theo TTXVN
(HBĐT) - Huyện Mai Châu được thiên nhiên ưu ái về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, suối chảy róc rách, nhiều bản làng vẫn giữ được nét nguyên sơ, mái nhà sàn độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa. Từ xưa đến nay, huyện Mai Châu vẫn luôn là điểm đến yêu thích của du khách. Hướng tới "Xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo Nghị quyết số 06-NQ/TU, huyện đã có những bước chuyển, đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện quyết tâm chính trị, ý chí khát khao, từng bước nâng tầm hình ảnh, vị thế du lịch Mai Châu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Khảo sát "Chào đón du lịch trở lại" do nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda công bố cho thấy 60% người Việt Nam dự đoán du lịch nội địa sẽ hoạt động trở lại trong 6 tháng tới và gần 40% cho rằng du lịch quốc tế cũng sẽ được mở trở lại sau 12 tháng.
(HBĐT) - Ngày 27/8, tại xã Suối Hoa (Tân Lạc), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao thiết bị âm thanh và công trình tuyến đường nội bộ, sân nhà văn hóa xóm Ngòi.
(HBĐT) - Hoạt động du lịch, làng nghề của huyện Mai Châu đang trải qua quãng thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều hộ làm du lịch, nghề truyền thống trong tình cảnh lao đao, công việc phập phù, kéo theo nguồn thu nhập không ổn định.
(HBĐT) - TP Hải Phòng là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Đến Hải Phòng, du khách không chỉ có dịp trải nghiệm du lịch biển mà còn có các địa điểm du lịch tâm linh đặc sắc có ý nghĩa lịch sự văn hóa. Trong đó, bãi cọc Cao Quỳ là một địa điểm mới được phát hiện. Cùng các bạn đồng nghiệp Báo Hải Phòng, chúng tôi có dịp được ghé thăm Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng).
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí và cơ chế công nhận và cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của nước ngoài.