Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.
Nghệ nhân bánh Việt - Trần Thị Hiền Minh, Phó Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn chia sẻ về văn hóa ẩm thực vùng miền trong Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 20.
Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 20, Công ty TSTtourist đã tổ chức buổi trò chuyện, giao lưu với nghệ nhân bánh Việt - bà Trần Thị Hiền Minh, Phó Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh về chủ đề "Văn hóa ẩm thực vùng miền, sự hấp dẫn đối với du khách”. Tại buổi trò chuyện, bà Trần Thị Hiền Minh đã cho người dân và du khách hiểu hơn về mối liên hệ gắn kết của ẩm thực với du lịch trong việc quảng bá, giới thiệu điểm đến.
Theo nghệ nhân Trần Thị Hiền Minh, mỗi du khách khi đến bất kỳ vùng miền nào, địa phương nào, điều đầu tiên quan tâm sẽ là ẩm thực của địa phương đó và sau đó là ngủ, vui chơi… ở đâu. Vì vậy, những món ăn vùng miền rất quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu, giữ chân du khách khi đi du lịch. Mỗi vùng miền của Việt Nam lại có những món ăn đặc trưng riêng. Chẳng hạn, khi nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ nghĩ đến phở, bún chả Hà Nội; đến TP Hồ Chí Minh người ta nghĩ đến bánh mì, hủ tiếu, cơm tấm… Do đó, mỗi địa phương muốn giữ chân du khách cần đẩy mạnh, quảng bá, giới thiệu món ăn của vùng miền, địa phương mình để kết hợp với du lịch giữ chân du khách được lâu hơn. Ẩm thực và du lịch phải song hành cùng nhau để cùng quảng bá điểm đến Việt Nam đối với du khách quốc tế.
Người dân và du khách tham gia Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh có thêm cơ hội hiểu hơn về ẩm thực vùng miền Việt Nam trong buổi chia sẻ.
"Về lâu dài, muốn phát triển, giữ gìn các món ăn vùng miền phục vụ du lịch, chúng ta cần có những buổi chia sẻ, hướng dẫn du khách cùng tham gia, trải nghiệm nấu các món ăn vùng miền… Để sau buổi trải nghiệm, du khách khi về nước, họ có thể nấu món ăn Việt Nam và nhớ về Việt Nam với những kỉ niệm đẹp, ấn tượng. Đó chính là hình thức quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam thiết thực đối với người dân, du khách trong và ngoài nước”, nghệ nhân Trần Thị Hiền Minh cho biết.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Công ty TSTtoursit cho biết, đối với ngành du lịch, ẩm thực có vai trò và ý nghĩa quan trọng, một sản phẩm không thể thiếu trong các tour du lịch. Có thể nói, ẩm thực là sứ giả đặc biệt góp phần quảng bá, giới thiệu du lịch, là yếu tố thu hút và níu chân du khách lâu hơn.
"Trong xu thế phát triển du lịch, ẩm thực không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần mà đã trở thành mục đích của các chuyến đi. Hiện nay, ẩm thực Việt Nam được nhiều chuyên gia nâng tầm ý nghĩa và vai trò lớn hơn, có thể trở thành thương hiệu du lịch quốc gia. Thực tế, ẩm thực là một giá trị văn hóa vượt trội, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc và trường tồn qua nhiều theo thời gian. Với hàng ngàn món ăn ngon, đặc trưng khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, ẩm thực hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam. Về tương lai, Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới khi được đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thông qua hoạt động du lịch”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết thêm.
Nghệ nhân Trần Thị Hiền Minh kí tặng sách "Thơm thảo xôi chè" cho người dân khi tham gia buổi giao lưu.
Tại buổi chia sẻ, người dân và du khách cũng được nghe nghệ nhân Trần Thị Hiền Minh giới thiệu về cuốn sách mới ra mắt có tên "Thơm thảo xôi chè". Cuốn sách dày 140 trang, với nội dung giới thiệu về 30 món xôi chè đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam, những bí quyết nấu xôi chè ngon mà người dân, du khách có thể tự nấu ở nhà. Trước đó, nghệ nhân Trần Thị Hiền Minh cũng đã cho ra mắt cuốn sách "Hương bếp nhà" với mục đích quảng bá, giới thiệu các loại bánh thuần Việt đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo Báo Tin tức
Bài 2 - Lực đẩy để du lịch vùng hồ chuyển động
Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình sẽ chẳng thể trở thành điểm đến hấp dẫn nếu không loại bỏ được những "rào cản” về cơ chế, chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chất lượng nguồn nhân lực... Cùng với đường hướng đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch vùng hồ bền vững.
Bài 1 - Tiềm năng du lịch vùng hồ được "đánh thức”
Được hình thành từ đắp đập, ngăn sông, chinh phục thiên nhiên, con sông Đà hung dữ xưa kia nay trở thành hồ nhân tạo lớn và là khu du lịch (KDL) hấp dẫn. Cùng với thực hiện mục tiêu đưa du lịch Hòa Bình trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã và đang tập trung phát triển hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia.
Thời gian qua, huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng công tác quảng bá, kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ được xác định là nguồn lực quan trọng, sản phẩm chủ lực nổi bật cho phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên và tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng về lịch sử, văn hóa của vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.
Mai Châu là huyện vùng cao, nhiều dân tộc cùng sinh sống như Thái, Mường, Kinh, Mông, Dao, Tày... Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng đã tạo nên "bức tranh" đậm bản sắc, kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Xác định được thế mạnh của địa phương, huyện Mai Châu luôn quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc để văn hóa trở thành "đòn bẩy” phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm qua, huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa "ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân một cách bền vững.