(HBĐT) - Những năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT), trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Mặc dù đã phát huy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị phải có sự thích ứng, bởi nếu không có một tư duy mới, cách nhìn mới cùng các hành động, giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) mang tính bền vững thì các HTX khó có thể trụ vững, khó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của loại hình KTTT trong thời đại công nghiệp 4.0 với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.


Hợp tác xã nuôi ong Văn Tiến, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) quy mô gần 2.000 đàn ong đang xây dựng thương hiệu mật ong Kỳ Sơn.

Điểm sáng hợp tác xã

HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi) được thành lập và đi vào hoạt động năm 2016 với 26 thành viên, tập trung tại các xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Đú Sáng. HTX có tổng diện tích trồng cây có múi 147 ha, trong đó, diện tích kinh doanh 85 ha, sản lượng đạt trên 1.700 tấn. Mục tiêu hoạt động của HTX là xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Sau khi được thành lập, HTX đã kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp vật tư, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật với giá rẻ hơn thị trường, chất lượng đảm bảo cho người sản xuất. Đồng thời, kết nối được với 2 doanh nghiệp để đưa hàng hóa vào siêu thị, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các vùng phụ cận. Nhờ đó, năm 2018, HTX đã đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng từ các hoạt động dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho 26 hộ thành viên, trung bình mỗi thành viên có mức thu trên 153 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, HTX tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động với mức lương gần 5 triệu đồng/người/tháng.


Hợp tác xã nông nghiệp xanh Kim Bôi (Kim Bôi) mở rộng diện tích sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa chuột Nhật, bí xanh, chanh leo. 

Ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mường Động cho biết: Với mục tiêu tạo khối lượng lớn sản phẩm quả có múi chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo ATTP trên cơ sở quản lý, giám sát tốt các công đoạn, từ khâu tổ chức sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, HTX đã đưa ra chiến lược phát triển cụ thể như: 100% diện tích canh tác cây ăn quả có múi của HTX được chứng nhận đủ điều kiện ATTP và chứng nhận VietGAP; 100% sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật được tiêu thụ qua hợp đồng và có thể truy xuất nguồn gốc; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm so với canh tác nông hộ ngoài HTX; mở 2 - 3 điểm du lịch nhà vườn; duy trì, cải tạo độ phì của đất canh tác; xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mường Động.

Đi vào chiều sâu

Trong những năm qua, công tác phát triển HTX có những chuyển biến tích cực. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại hoạt động các HTX.

Hiện, toàn tỉnh có 324 HTX đang hoạt động ở các lĩnh vực: nông nghiệp, phi nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân. 6 tháng đầu năm 2019 có 21 HTX thành lập mới, 8 HTX giải thể, 7 HTX mới thông báo tạm ngừng hoạt động. Các HTX đang hoạt động có khoảng 11.505 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20.129 lao động; thành viên HTX chủ yếu là hộ gia đình chiếm 97,5%.  

Quy mô HTX, doanh thu và thu nhập đều tăng so với cùng kỳ năm 2018, hỗ trợ hiệu quả phát triển kinh tế hộ thành viên. Tổng vốn điều lệ của các HTX ước khoảng 642,4 tỷ đồng, vốn điều lệ bình quân/1 HTX 2,2 tỷ đồng; vốn điều lệ chiếm khoảng 50% trong tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX; một số HTX có quy mô vốn, tài sản của HTX và thành viên lớn, giá trị có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng (HTX Hà Phong, HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mường Động...). Doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ của HTX đạt bình quân 1.588,2 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân ước đạt 197 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân 1 lao động làm việc trong HTX khoảng 3,8 triệu đồng/người/ tháng. Có 169 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 58,2% tổng số HTX hoạt động. HTX đang là mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả tại địa phương. Hiện, toàn tỉnh có 65,4% xã đã có HTX hoạt động với nhiều lĩnh vực kinh tế đa dạng. Năng lực về tổ chức, điều hành hoạt động SXKD của các HTX tiếp tục được nâng lên, đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực được tăng cường.

HTX tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các HTX nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết đa dạng đã góp phần hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ. Quá trình mở rộng sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa và đầu tư phát triển ngành nghề cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu tập trung vào các dịch vụ đơn thuần như thủy nông, cung ứng vật tư, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, thú y. Thời gian gần đây, xuất hiện thêm một số mô hình mới có hiệu quả cả về mặt KT-XH như: HTX môi trường, HTX chợ, HTX làng nghề nhưng số lượng còn khá khiêm tốn.

Để thực sự tạo đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã quan tâm đến việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, coi đây là cầu nối thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng... Thông qua đó, tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ cho thành viên, các HTX, làng nghề tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực đến đông đảo người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Còn nhiều thách thức

Có thể thấy, mô hình HTX là mô hình mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất, tạo vị thế bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong thị trường. Tuy nhiên, trong khi đang chật vật tìm chỗ đứng, các HTX còn phải đối mặt với nhiều thách thức mới, nhất là trước những thay đổi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những cách tiếp cận và tư duy mới. Con đường chuyển đổi mô hình sản xuất từ bề rộng sang chiều sâu; từ sản xuất, canh tác theo phương pháp truyền thống sang hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đến việc tìm kiếm thị trường của các HTX không hề bằng phẳng. Không chỉ thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, phần lớn các HTX hiện nay còn gặp khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như bảo đảm quyền lợi cho thành viên HTX.

Thực tế hiện nay, nhiều thành viên HTX chưa được tham gia bảo hiểm xã hội. Một số địa phương chưa thấy rõ vai trò của HTX trong phát triển KT-XH nên mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa có chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, không có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho HTX trong quá trình thực hiện. Mặt khác, tại các địa phương cũng chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi.

Để từng bước khắc phục những bất cập, yếu kém, tạo động lực cho phong trào HTX phát triển, nâng cao vai trò và đóng góp của HTX trong nền kinh tế quốc dân, thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Luật HTX; xây dựng, tổng kết mô hình HTX để từ đó nhân rộng các điển hình, từng bước khẳng định KTTT, HTX là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển KT-XH…

Nhấn mạnh về yêu cầu phát triển HTX trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Cần tập trung ưu tiên phát triển HTX, vì đây là mô hình kinh tế tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nhưng không được chạy theo phong trào, phải lấy hiệu quả làm gốc. Trong đó, hỗ trợ các HTX nông nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực; phấn đấu có những HTX có quy mô lớn; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được thương hiệu bằng uy tín, chất lượng để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Đinh Thắng

Các hợp tác xã phải tự đổi mới cho phù hợp thực tế

Trần Văn Thành Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Mặc dù kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Song sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX nhưng chưa mạnh, trong đó không ít HTX còn yếu kém cả về cơ sở vật chất, năng lực quản lý. Với sự vào cuộc tích cực của các HTX, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Liên minh HTX tỉnh trong việc tư vấn xây dựng phương án SXKD, đầu tư trang thiết bị sản xuất, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, phát triển thị trường…, nhiều HTX đã thay đổi về tư duy, phương thức sản xuất, chủ động khắc phục khó khăn, tập trung khai thác thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển SXKD, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Từ thực tế trên cho thấy, để đẩy mạnh, phát triển các HTX nói riêng, kinh tế tập thể nói chung, mỗi HTX phải đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hành động. Từ đó tìm ra lối đi, hướng phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ. 

Cần đào tạo cán bộ chuyên sâu

Nguyễn Hồng Thanh Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Dân Chủ (TP Hòa Bình) 

HTX Nông nhiệp Dân Chủ (TP Hòa Bình) có 18 thành viên, ngành nghề chủ yếu là tổ chức sản xuất và dịch vụ nông nghiệp cho các hộ thành viên. HTX đang thực hiện chăn nuôi bò, lợn, cá, trồng chuối, rau an toàn..., thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, nhân lực HTX còn yếu, HTX có kế toán là có trình độ chuyên môn đúng chuyên ngành được đào tạo hệ trung cấp, 1 cán bộ phụ trách kỹ thuật chuyên ngành đào tạo chăn nuôi thú y hệ cao đẳng. Còn lại, các cán bộ khác đều chưa có chuyên môn đúng nghiệp vụ. Thời gian qua, tỉnh và thành phố đã hỗ trợ nhiều lớp tập huấn cho thành viên HTX, ngành NN&PTNT hỗ trợ về kỹ thuật cho HTX trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở HTX chưa nhiều, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích luỹ từ thực tế. Do đó, HTX rất cần nhân lực có trình độ chuyên môn về nông nghiệp và quản trị kinh doanh để nâng cao, đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Nếu tỉnh có chủ trương đào tạo nhân lực, HTX sẽ cử người đi học ngành nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất bền vững hơn, nhất là trong giai đoạn tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh

Hoàng Văn Minh Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn

Thời gian qua, một số HTX trên địa bàn tỉnh được chính quyền cơ sở quan tâm, tạo điều kiện cho thuê đất để làm trụ sở, nhà kho, cửa hàng phục vụ hoạt động của thành viên. Thực tế hiện nay, nguồn hỗ trợ tài chính cho các HTX gần như chỉ có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX vì các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. 

Theo thống kê, đến nay, dư nợ cho vay đối với các HTX mới đạt 42.596 triệu đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Có 27 HTX còn dư nợ, gồm 22 HTX nông, lâm nghiệp, 2 HTX thương mại, dịch vụ và 3 HTX khác. Tuy nhiên, đánh giá chung HTX vẫn khó vay vốn ngân hàng, do phần lớn HTX chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn như: năng lực quản lý hạn chế; không có phương án SXKD hiệu quả; thiếu tài sản đảm bảo; quản lý tài chính, kế toán chưa đúng quy định. Trong khi đó, nhu cầu vốn của các HTX là rất lớn và đa dạng, bao gồm vốn ngắn hạn để mua vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và vốn trung, dài hạn để đầu tư cơ sở chế biến, đầu tư chiều sâu cơ sở hạ tầng như: đường điện, máy móc canh tác, áp dụng công nghệ cao, mua sắm phương tiện, nhà xưởng chế biến… Do đó, các HTX mong muốn có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển SXKD.

 

 


Các tin khác


Nâng cao hiệu quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý

(HBĐT) - Tại Hội nghị giao ban chuyên đề thực trạng, giải pháp "Nâng cao hiệu quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý” được tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải làm thật tốt công tác phối hợp để việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân phải hướng đến mục tiêu thực chất và hiệu quả, tập trung nâng cao chất lượng kết nạp đảng và đảng viên, kiên quyết sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Việc làm cho lao động mất đất: Làm gì để người nông dân không bị bỏ rơi

(HBĐTT) - Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án đầu tư, thu hồi hàng nghìn ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng. Ngoài ra, toàn tỉnh đang triển khai 8 dự án về khu đô thị mới có thu hồi đất của nông dân. Trong đó, huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là những địa phương nông dân bị thu hồi đất sản xuất nhiều nhất. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là một tất yếu nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình đô thị hóa là những người nông dân mất đất, mất nghề. Làm gì để những người nông dân không bị bỏ lại phía sau là trăn trở của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Không để cầu dân sinh trở thành hiểm họa

(HBĐT) - Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có 347 cây cầu dân sinh, trong đó có 65 cầu treo, còn lại chủ yếu là cầu bê tông cốt thép. Hệ thống này được phân bố rải rác trên những địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp, đan xen với mạng lưới đường giao thông nông thôn, hiện có nhu cầu đầu tư rất lớn do xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Giữ vai trò trọnag yếu trong kết nối giao thông tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, những cây cầu dân sinh lâu nay luôn là lựa chọn không thể thay thế nhưng cũng chính vì vậy, khi đã xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có điều kiện sửa chữa, chúng thực sự trở thành những hiểm họa.

Hướng tới môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng

(HBĐT) - Nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, thân thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) cấp tỉnh để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn sản xuất, kinh doanh (SX-KD) có hiệu quả; thu hút nhiều hơn nữa DN có năng lực đầu tư đến tỉnh Hòa Bình. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt, rốt ráo lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự chuyển biến tích cực đối với chỉ số NLCT cấp tỉnh (PCI).

Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Trong thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh luôn nỗ lực tạo sự bình đẳng giữa trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) với mặt bằng trẻ em nói chung về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội. "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em DTTS” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, diễn ra từ ngày 1 - 30/6/2019. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, ngày 25/4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 trên địa bàn tỉnh.

Đừng biến mình thành kẻ giết người sau tay lái

(HBĐT) - Ngày 10/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công văn số 560/TTg-CN yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban ATGT quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) do uống rượu, bia. Điều đó cho thấy, việc người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn đã và đang trở thành một vấn nạn nhức nhối cần được loại bỏ trong đời sống xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục