(HBĐT) - Năm an toàn giao thông (ATGT) 2019 có chủ đề "ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe gắn máy”. Căn cứ tinh thần chỉ đạo của của Đảng, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo chung cũng như chỉ đạo riêng trong từng lĩnh vực, thời điểm cụ thể và đôn đốc các cấp, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, tình hình TTATGT và tai nạn giao thông (TNGT) có chuyển biến tích cực giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường nhằm đảm bảo TTATGT.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông
Xác định nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố quyết định tới việc đảm bảo TTATGT, do vậy, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp các phương pháp tiếp cận phù hợp cho từng đối tượng được tuyên truyền. Trong đó, chú trọng đến trẻ em, HS-SV nên đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về ý thức tự giác chấp hành các quy định về TTATGT.
Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngành GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT; hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm, nhất là vi phạm các quy định về độ tuổi lái xe mô tô, xe gắn máy và giấy phép lái xe trong HS-SV. Các đơn vị, trường học đã lồng ghép nội dung giáo dục TTATGT trong chương trình chính khóa với các môn học, phù hợp từng cấp học. Đồng thời, tăng cường giáo dục, tuyên truyền thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tổ chức nói chuyện chuyên đề; hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phù hợp với lứa tuổi; thực hiện Tháng cao điểm về TTATGT cho HS-SV. Đặc biệt, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, HS-SV quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông và phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đúng cách khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã góp phần tích cực nâng cao ý thức, trách nhiệm của các em trong việc tham gia giao thông đảm bảo an toàn cũng như cùng tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè nghiêm túc chấp hành pháp luật về TTATGT.
Có thể nói, từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền, giáo dục tiếp tục được Ban ATGT tỉnh và các huyện, thành phố đẩy mạnh phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện. Hoạt động này được tổ chức theo chuyên đề, các nguyên nhân chính gây TNGT, trong đó chú trọng tuyên truyền ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng cao và các trường học. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa.
Điển hình như Văn phòng Ban ATGT tỉnh phối hợp với Phòng CSGT - Công an tỉnh, Công ty Honda Anh Kỳ tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT, kỹ năng lái xe an toàn, kỹ năng tuyên truyền cho 100 cán bộ, nhân dân huyện Kỳ Sơn và các thầy, cô giáo, học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho khoảng 800 người dân tại các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi và in ấn, phát hơn 3.200 cuốn tài liệu tuyên truyền đến học sinh, nhân dân.
Phòng CSGT duy trì bản tin phát thanh về TTATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các cơ quan chức năng và Phòng PX03 - Công an tỉnh tuyên truyền Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tuyên truyền về Luật Giao thông tại các trường học và khu dân cư cho trên 8.750 người dự nghe...
Song hành với công tác tuyên truyền, giáo dục, hoạt động kiểm tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm được tăng cường. Các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng tổ chức đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT một cách đồng bộ, quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, trong đó, việc áp dụng các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ đã được triển khai áp dụng triệt để. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT đã lập biên bản trên 5.570 trường hợp; xử phạt 4.865 trường hợp; tạm giữ 1.517 phương tiện vi phạm các loại; tước giấy phép lái xe có thời hạn 567 trường hợp. Đối với đường thủy nội địa đã phát hiện và lập biên bản xử phạt 96 trường hợp. Tổng số tiền lực lượng Công an tỉnh xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước trên 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Trạm Kiểm tra tải trọng xe triển khai công tác kiểm tra bảo đảm TTATGT và kiểm soát tải trọng phương tiện trên tuyến. Qua đó đã lập biên bản 466 trường hợp, xử phạt trên 2.687 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 150 trường hợp.
Tăng cường bảo vệ kết cấu công trình giao thông
Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong những dịp cao điểm, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng, các địa phương yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các BQL dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đối với các công trình thi công trên đường đang khai thác như: ĐT.435, ĐT.433,… yêu cầu nhà thầu phải tổ chức thi công gọn gàng, dứt điểm từng hạng mục; bố trí đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn giao thông và thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; sắp xếp, bố trí lực lượng, thiết bị thường trực để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông tuyệt đối an toàn, thuận lợi. Không xảy ra tình trạng ùn tắc hoặc TNGT mà nguyên nhân do lỗi của đơn vị thi công gây ra.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư cải tạo. Một số tuyến đường mới được đưa vào sử dụng. Công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng và khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT được quan tâm...
Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, rà soát việc đảm bảo ATGT trên tất cả các tuyến đường; yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện ngay việc duy tu, sửa chữa đối với các vị trí ổ gà, lún cao su, khơi thông cống rãnh, phát quang tầm nhìn; sửa chữa, bổ sung các biển báo hiệu đường bộ còn thiếu và đã hư hỏng, xuống cấp. Lực lượng Thanh tra đường bộ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền địa phương chủ động nắm bắt địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, tuy tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, song vẫn còn diễn biến phức tạp, các tiêu chí giảm chưa nhiều so với năm 2018. Tính trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ TNGT (giảm 3% so với cùng kỳ); có 32 người chết (giảm 9%); 32 người bị thương (giảm 6%).
Đặc biệt, theo đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT, hiện đang bùng phát lại hiện tượng xe quá khổ, quá tải, chủ yếu nằm trên các tuyến quốc lộ, nhiều nhất là trên đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc giải quyết xử lý ở một số địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt. Sở GTVT đã họp bàn về vấn đề này và dự kiến sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tăng cường phối hợp quản lý xe quá khổ, quá tải, giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền địa phương. Muốn vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Công an và địa phương. Trong đó, Ban ATGT huyện đẩy mạnh chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các thành viên và những đơn vị liên quan trong việc quản lý xe quá khổ, quá tải.
Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ còn diễn ra trên một số tuyến quốc lộ, khu đông dân cư, đô thị ảnh hưởng đến ATGT nhưng xử lý chưa có sự quyết liệt, đặc biệt, nhiều nơi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cấp xã và đôi khi ở cả cấp huyện. Theo lãnh đạo Sở GTVT, có những vụ việc lực lượng Thanh tra giao thông và Cục Đường bộ lập biên bản vi phạm chuyển về cấp xã hoặc cấp huyện nhưng chưa ra được quyết định xử phạt hành chính cũng như thiếu đôn đốc thực hiện việc xử phạt hành chính, cưỡng chế trong những trường hợp không chấp hành. Năm 2019, UBND tỉnh đã ra kế hoạch về giải tỏa hành lang giao thông và trong tháng 9 này là cao điểm tổ chức thực hiện, do vậy, các huyện cần quan tâm thực hiện tốt kế hoạch này.
Để kiềm chế, kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đề nghị các cấp, ngành và các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT theo tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như nội dung các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; xác định đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần thực hiện đồng bộ, toàn diện, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng thuộc cấp mình quản lý. Đối với các địa phương có tai nạn tăng cao cần tổ chức hội nghị kiểm điểm trách nhiệm, đề ra các giải pháp kéo giảm TNGT trong những tháng tiếp theo.
Nhân dịp khai giảng năm học 2019 - 2020, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Honda Việt Nam trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 Trường tiểu học Sông Đà (TP Hòa Bình).
Bình Giang
Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải
Lê Ngọc Quản
Phó Giám đốc Sở GTVT
Gần đây, tình trạng xe quá tải lưu thông, xe cơi nới thêm thùng có biểu hiện quay trở lại. Vấn đề này một phần nguyên nhân là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đặc biệt là việc phối hợp trong xử lý vi phạm. Hiện nay, việc xử lý xe quá khổ, quá tải chủ yếu do lực lượng Thanh tra giao thông và CSGT thực hiện, các lực lượng cấp huyện chưa vào cuộc trong lĩnh vực này. Do vậy, Ban ATGT cấp huyện cần tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn. Việc xử lý không nhất thiết bắt buộc phải cân kiểm tra tải trọng mà trường hợp phương tiện chở vượt quá thành thùng cũng đủ điều kiện xử lý vi phạm. Trong thời gian tới cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải.
Tăng cường đảm bảo ATGT tại các trạm thu phí
Bùi Văn Hội
Phó trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh
Địa bàn tỉnh ta hiện có 2 trạm thu phí đặt trên tuyến QL6 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Từ khi các trạm thu phí BOT đi vào hoạt động đã tác động không nhỏ đến tình hình giao thông, ANTT. Lực lượng CSGT và các lực lượng có liên quan gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo đảm ANTT, ATGT tại khu vực và coi đây là những điểm nổi cộm về TTATGT cần được quan tâm.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp đảm bảo ANTT tại các trạm thu phí, đề nghị Bộ GTVT, Công ty BOT Hòa Lạc - Hòa Bình có phương án cụ thể, giải quyết triệt để chính sách thu phí cho nhân dân quanh các trạm thu phí, không để phát sinh thành điểm nóng phức tạp. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chức năng và lực lượng công an để nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề phức tạp về TTATGT. Đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp cố tình tụ tập đông người, quấy rối, cản trở hoạt động thu phí gây ách tắc giao thông, mất ANTT nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hành vi tương tự tái diễn.
Kiên quyết xử lý phương tiện thủy không đủ điều kiện hoạt động
Trần Văn Khiết
Đội trưởng Đội Thanh tra an toàn đường thủy số 9
Vừa qua, Đội CSGT đường thủy, Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra an toàn đường thủy số 9 đã phối hợp kiểm tra 288 phương tiện thủy trên hồ Hòa Bình, đã lập biên bản vi phạm 66 trường hợp, xử phạt trên 394 triệu đồng.
Theo thống kê mới nhất, trên tuyến đường thủy của tỉnh có 302 phương tiện chở khách mùa lễ hội, nhưng còn nhiều phương tiện không đủ điều kiện. Do vậy, đề nghị Ban ATGT tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng của địa phương phối hợp tốt với cơ quan chức năng T.Ư đóng trên địa bàn giải quyết cho được các phương tiện chưa đủ thủ tục yêu cầu. Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, đề nghị Ban ATGT tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các phương tiện không đủ điều kiện vi phạm. Cần tổ chức kiểm tra, ký cam kết với những cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền, làm sao chỉ sửa chữa, đóng mới những phương tiện có đủ hồ sơ thiết kế, được cơ quan đăng kiểm phê duyệt, có làm như vậy mới dần dần hạn chế được phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.
(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của bao gia đình liệt sỹ và cũng là niềm đau đáu của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó. Theo thống kê, toàn quốc hiện còn khoảng 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và khoảng 300 nghìn mộ liệt sỹ đã quy tập nhưng chưa có tên. Riêng với tỉnh Hòa Bình, qua 2 cuộc kháng chiến có khoảng 5.800 liệt sỹ, nhưng đến nay mới có gần 1.200 liệt sỹ đã tìm thấy mộ, còn lại là các phần mộ chưa xác định được danh tính hoặc chưa tìm thấy để quy tập về nghĩa trang. Cần thêm nữa những tấm lòng nhiệt huyết để tri ân liệt sỹ, gia đình liệt sỹ.
(HBĐT) - Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng để thực hiện mục tiêu hợp lý các đơn vị hành chính, phù hợp với xu thế phát triển KT-XH của tỉnh. Một mặt, góp phần đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không dễ dàng bởi những vấn đề phát sinh như: dôi dư cán bộ, thừa - thiếu cơ sở vật chất, chất lượng công vụ, chế độ, chính sách cho người dân vùng khó khăn… Để thực hiện thành công cần có quyết tâm chính trị, tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
(HBĐT) - Tại Hội nghị giao ban chuyên đề thực trạng, giải pháp "Nâng cao hiệu quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý” được tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải làm thật tốt công tác phối hợp để việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân phải hướng đến mục tiêu thực chất và hiệu quả, tập trung nâng cao chất lượng kết nạp đảng và đảng viên, kiên quyết sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
(HBĐTT) - Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án đầu tư, thu hồi hàng nghìn ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng. Ngoài ra, toàn tỉnh đang triển khai 8 dự án về khu đô thị mới có thu hồi đất của nông dân. Trong đó, huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là những địa phương nông dân bị thu hồi đất sản xuất nhiều nhất. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là một tất yếu nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình đô thị hóa là những người nông dân mất đất, mất nghề. Làm gì để những người nông dân không bị bỏ lại phía sau là trăn trở của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
(HBĐT) - Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có 347 cây cầu dân sinh, trong đó có 65 cầu treo, còn lại chủ yếu là cầu bê tông cốt thép. Hệ thống này được phân bố rải rác trên những địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp, đan xen với mạng lưới đường giao thông nông thôn, hiện có nhu cầu đầu tư rất lớn do xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Giữ vai trò trọnag yếu trong kết nối giao thông tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, những cây cầu dân sinh lâu nay luôn là lựa chọn không thể thay thế nhưng cũng chính vì vậy, khi đã xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có điều kiện sửa chữa, chúng thực sự trở thành những hiểm họa.
(HBĐT) - Nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, thân thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) cấp tỉnh để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn sản xuất, kinh doanh (SX-KD) có hiệu quả; thu hút nhiều hơn nữa DN có năng lực đầu tư đến tỉnh Hòa Bình. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt, rốt ráo lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự chuyển biến tích cực đối với chỉ số NLCT cấp tỉnh (PCI).