(HBĐT) - Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình chủ trương, kế hoạch về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên còn nhiều vấn đặt ra trong việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ cán bộ, công chức (CB, CC) và người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính.


Bộ phận một cửa phường Thái Bình (TP Hòa Bình) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm các thủ tục hành chính.

Là đơn vị sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất tỉnh, huyện Kim Bôi đã chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 -2021 bảo đảm đúng quy định. Từ 28 đơn vị huyện giảm còn 17 đơn vị, gồm 16 xã, thị trấn, có những xã nhập 3 xã thành một. Các đơn vị hành chính cấp xã mới đã đi vào hoạt động ổn định. Huyện cũng chủ động sắp xếp CB, CC, người lao động dôi dư sau sắp xếp. Tổng số CB, CC đăng ký nghỉ việc và nghỉ hưu là 75 người. Có 218 người hoạt động không chuyên trách (số người đăng ký nghỉ nộp hồ sơ là 196 người). Sau sắp xếp còn lại 134 CB, CC dôi dư. Đặc biệt, khi sắp xếp chức danh Chủ tịch UB MTTQ, trưởng các tổ chức CT-XH cấp xã mới chỉ 1 đồng chí được bố trí làm cấp trưởng, số cấp trưởng còn lại được bố trí sang công chức, cần cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể để giải quyết...

Huyện Cao Phong thực hiện tốt công tác sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập 3 xã Đông Phong, Xuân Phong và Tân Phong để thành lập xã Hợp Phong; sáp nhập toàn bộ dân số và diện tích tự nhiên xã Yên Lập và Yên Thượng để thành lập xã Thạch Yên. Đơn vị hành chính mới chính thức đi vào hoạt động trước ngày 20/2/2020. Huyện cũng đã xây dựng phương án, lộ trình cụ thể (thực hiện trong vòng 5 năm 2020-2025) để giải quyết chế độ, chính sách theo các Nghị định số 26, 108, 113, 46 của Chính phủ đối với những trường hợp CB, CC dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, số CB, CC dôi dư sẽ tiến hành sắp xếp, điều động lên huyện, hoặc điều động từ đơn vị này sang đơn vị khác để bảo đảm đến năm 2025, tổng biên chế công chức cấp xã của toàn huyện bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Thực tế việc bố trí, sắp xếp nhân sự cấp trưởng các tổ chức CT-XH đối với các đơn vị thực hiện sáp nhập còn có nhiều băn khoăn, khi số lượng cấp trưởng sẽ giảm. Nhiều đồng chí chưa đủ 5 năm để chuyển sang làm công chức theo quy định. Huyện đề nghị các cấp, ngành có hướng dẫn cụ thể, có phương án chế độ đối với cấp trưởng khi không còn là cấp trưởng.

Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Từ 210 xã, phường, 11 đơn vị hành chính cấp huyện, đến nay, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố), 151 đơn vị hành chính cấp xã. Toàn tỉnh giảm 59 đơn vị, tương ứng với 28% so với trước đây. Các đơn vị hành chính cấp xã đã đi vào hoạt động. Tổng số CB, CC trước sắp xếp là 262 người; số lượng bố trí đúng quy định 164 người; số lượng dự kiến dôi dư 98 người (gồm 28 cán bộ và 70 công chức). Số lượng viên chức và người lao động trước mắt đang giữ nguyên để đảm bảo các nhiệm vụ công như: giáo dục, y tế...

Đối với cấp xã, tổng số CB, CC cấp xã trước khi sắp xếp 2.120 người; số lượng bố trí đúng quy định 1.067 người; số lượng dự kiến dôi dư 1.053 người (gồm 486 cán bộ và 567 công chức); chưa tính số lượng 173 Trưởng Công an xã không chính quy (hiện nay là công chức xã) sẽ dôi dư khi thực hiện chủ trương điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: tổng số trước khi sắp xếp 1.418 người; số lượng bố trí đúng quy định 673 người; số lượng dự kiến dôi dư 745 người.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang rà soát, thẩm định, xác định đối với các đối tượng dôi dư, nghỉ việc ngay để hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND, ngày 14/8/2019 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đối với CB, CC, VC hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở cấp huyện; CB, CC và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.


Bộ máy nhân sự xã Hợp Phong (Cao Phong) hoạt động ổn định sau sáp nhập.

Do số lượng CB, CC, VC, người lao động; đặc biệt là CB, CC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là rất lớn, nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự (như sắp xếp, kiện toàn đối với các tổ chức CT-XH ở cấp xã). Việc thực hiện chủ trương điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về CB, CC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (quy định số lượng CB, CC cấp xã thấp hơn so với trước đây) làm tăng số lượng, tăng áp lực sắp xếp, bố trí CB, CC, giải quyết chế độ, chính sách và xác định, xây dựng lộ trình tinh giảm số lượng theo từng năm trong 5 năm, kể từ khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực.

Nguyên nhân chưa có và chậm có quy định, hướng dẫn cụ thể việc bố trí, sắp xếp số lượng cán bộ lãnh đạo và CB, CC, người lao động dôi dư tại các đơn vị mới hình thành, như: Số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; việc bố trí, sắp xếp Chủ tịch UB MTTQ và trưởng các tổ chức CT-XH; việc bố trí, giải quyết Trưởng Quân sự, Trưởng Công an xã; điều kiện, tiêu chuẩn xét chuyển cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã thành CB, CC cấp huyện trở lên…; không có quy định, hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán, các mục chi, định mức chi cho các nội dung, nhiệm vụ liên quan việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa trình độ, chuyên môn của CB, CC cấp xã; độ tuổi của CB, CC còn trẻ, trình độ chuyên môn cơ bản đều đáp ứng theo đúng vị trí việc làm. Do đó, khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị rất khó xác định đối tượng nghỉ ngay, nghỉ theo lộ trình từng năm.

Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, UB MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện tốt việc phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các nội dung liên quan sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tiếp tục rà soát, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Các cơ quan, đơn vị kịp thời chấn chỉnh, thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại CB, CC, VC, người lao động trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hàng tháng, hàng năm để làm cơ sở phân loại, xác định đối tượng dôi dư, nghỉ việc, tinh giản biên chế theo lộ trình. Ban hành tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn, vị trí việc làm đối với các chức danh CB, CC cấp xã... Bên cạnh đó, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với T.Ư và cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể bố trí số lượng CB, CC dôi dư, cũng như hướng dẫn cụ thể giải quyết chế độ, chính sách đối với CB, CC dôi dư sau sắp xếp...

 

Lê Chung

Nhóm ý kiến:

 

Tích cực thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đáp ứng chủ trương chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã thống nhất hướng dẫn các huyện, thành phố sắp xếp CB, CC, VC chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, có các phương án như bố trí cho nghỉ việc theo chế độ, nghỉ theo hình thức tự nguyện; điều chuyển CB, CC nếu đủ điều kiện chuyển thành công chức cấp huyện, cấp xã; số đối tượng còn lại được giải quyết theo lộ trình 5 năm. Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ bố trí cho nghỉ và hưởng chế độ. Đối với những xã mới giữ lại theo đúng quy định…

Các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp, bố trí CB, CC và người lao động. Tổ chức bộ máy sau sắp xếp từng bước đi vào hoạt động ổn định theo Nghị quyết số 830 và kế hoạch của UBND tỉnh; đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND... thực hiện đúng lộ trình sắp xếp CB, CC và người lao động gắn cơ cấu nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Tuy nhiên, số lượng CB, CC và người lao động dôi dư cần phải sắp xếp rất lớn, còn khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí sắp xếp chức chức danh Chủ tịch UB MTTQ, trưởng các đoàn thể CT-XH… khi từ cấp trưởng phải bố trí xuống cấp phó.

Để giải quyết những khó khăn trên, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu đề xuất tỉnh kiến nghị T.Ư xem xét, cho phép địa phương thực hiện như sau: bố trí CB, CC dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nhưng chưa nghỉ việc ngay để hưởng chế độ, chính sách sang các đơn vị hành chính cùng cấp khác trong địa bàn cấp huyện không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng nhiều hơn theo quy định; áp dụng chính sách hỗ trợ đối với CB, CC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ việc ngay đối với cả các đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện sắp xếp, sáp nhập và có nhu cầu nghỉ việc.

 

Quách Minh Nhiên

Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ)

 


Tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính

Thực hiện kế hoạch sáp nhập, đơn vị hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáp nhập toàn bộ dân số, diện tích 2 xóm Tháu và Vôi, xã Thái Thịnh cũ vào phường Thái Bình (TP Hòa Bình) với tổng số 100 hộ dân, 2 chi bộ gồm 18 đảng viên. 2 xóm có 7 đại biểu HĐND xã, trong đó có 1 đảng ủy viên là Chủ tịch HĐND xã Thái Thịnh cũ. Nếu so với các địa phương khác, số đơn vị sáp nhập vào phường không lớn.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nắm bắt tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương sáp nhập. Cán bộ và Nhân dân 2 xóm sáp nhập đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập. Quá trình bàn giao, kiện toàn bộ máy cấp ủy, chính quyền 2 xóm sáp nhập vào phường Thái Bình rất thuận lợi. Sau khi tiến hành giải thể bộ máy 2 xóm sáp nhập vào phường, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thịnh trước đây về giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân phường Thái Bình, do đồng chí Chủ tịch Hội về nghỉ chế độ.

Đến nay, bộ máy cấp ủy, chính quyền đi vào hoạt động ổn định theo đúng kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của phường tích cực giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh, khai tử, công chứng, chứng thực… Công tác chỉ đạo đại hội Đảng được tiến hành bảo đảm tiến độ, các chi bộ trực thuộc Đảng bộ phường Thái Bình đã hoàn thành tổ chức đại hội Đảng.

Đinh Văn Long

Bí thư Đảng ủy phường Thái Bình (TP Hòa Bình)


Các tin khác


Vì một mùa lễ hội vui tươi, an toàn

(HBĐT) - Mỗi độ xuân về, cùng với không khí tưng bừng đón Tết đến, xuân sang, các địa phương cũng sẵn sàng đón mùa lễ hội. Các ngành chức năng của tỉnh đã, đang nhập cuộc để có một mùa lễ hội thực sự vui tươi, an toàn, tôn vinh và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

(HBĐT) - Theo quy luật của thị trường, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm. Thời điểm này, diễn biến nguồn cung hàng hóa và giá cả là vấn đề người dân quan tâm. Đây cũng là lúc cần phát huy cao nhất vai trò của các ngành chức năng trong công tác bình ổn thị trường.

Cấp bách thúc đẩy tiêu thụ, giải phóng vùng mía đường nguyên liệu

(HBĐT) - Diện tích mía đường nguyên liệu của tỉnh đã đến thời vụ thu hoạch kể từ tháng 11. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, người trồng mía nguyên liệu ở các địa phương lại lần nữa bất an về tình hình tiêu thụ, giá cả. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang cùng vào cuộc với vai trò thúc đẩy.

Cải tạo vườn tạp - thêm sức mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(HBĐT) - Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, khoảng 12.380 ha vườn tạp trên địa bàn tỉnh cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, những diện tích vườn tạp đã được cải tạo (khoảng 6.350 ha) cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều diện tích được cải tạo để thâm canh các loại cây ăn quả đã mang lại nguồn thu từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Đây là những con số ấn tượng cho thấy hiệu quả vượt trội của cải tạo vườn tạp (CTVT) - một định hướng đột phá giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng sức mạnh cho người nông dân và củng cố những giá trị bền vững để toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số - cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

(HBĐT) - Được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe; thông tuyến khám, chữa bệnh tại các tuyến huyện, xã, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bỏ qua rào cản về thủ tục hành chính..., đó là những chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách mới mang lại nhiều thuận lợi cho đồng bào DTTS, việc triển khai chính sách BHYT đối với vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề người dân quan tâm chính là cơ hội để người nghèo, DTTS tiếp cận được với dịch vụ y tế cao, đảm bảo chất lượng từ tuyến cơ sở. 

Giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, bền vững

(HBĐT) - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đã có chuyển biến tích cực. Nhiều HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục