(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, có 95% dân số của tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thực hiện chỉ tiêu đó, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm triển khai các dự án, chương trình cấp nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều công trình nước sạch được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng không phát huy được hiệu quả, nhiều công trình "đắp chiếu” chờ sửa chữa, thậm chí có công trình đã "chết hẳn” không thể cung cấp nước sạch cho người dân. Vậy đâu là nguyên nhân chính của thực trạng trên?



Lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND huyện Mai Châu khảo sát công tác quản lý công trình nước sạch xóm Nà Lụt, xã Thành Sơn (Mai Châu) cung cấp nước cho hơn 80 hộ dân trên địa bàn.

Gần 40% công trình cấp nước sạch hoạch động kém hiệu quả

Công trình nước sạch thôn Gò Chè, xã Kim Lập (Kim Bôi) được đầu tư xây dựng năm 2018 với tổng nguồn vốn 1.490 triệu đồng thuộc dự án Chương trình 135. Dự án dự kiến cung cấp nước sạch cho các hộ dân thuộc xóm Gò Chè và một số hộ dân các xóm lân cận thuộc xã Kim Lập. Tuy nhiên, hiện nay, công trình đã bị xuống cấp và không được quan tâm đúng mực. Tại khu vực xây dựng bể chứa, công trình đang bị "móc chân" khi ngay phía dưới công trình là một doanh nghiệp đang khai thác đất, khai thác vật liệu xây dựng. Khu vực bể chứa lau lách mọc um tùm. Trong điều kiện thời tiết bình thường có thể sử dụng nước nhưng chỉ cần một trận mưa nước đục không thể sử dụng được, rác thải từ xung quanh ùn ứ dồn xuống khu vực công trình.

Không chỉ công trình nước sạch xóm Gò Chè, trên địa bàn huyện Kim Bôi có nhiều công trình nước sạch đến nay gần như đắp chiếu, không sử dụng được nếu không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Kim Bôi là một trong những huyện gặp nhiều khó khăn về nước sạch, người dân cũng có nhu cầu sử dụng nước sạch lớn. Theo rà soát, hiện toàn huyện có 2.372 hộ thiếu nước sinh hoạt phân tán cần được hỗ trợ tại tất cả các xã trên địa bàn. Bằng nguồn vốn Chương trình 135, vốn của Sở NN&PTNT và Childfund, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch cho người dân. Trong đó có những công trình được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Như công trình cấp nước sinh hoạt xã Trung Bì (nay là xã Xuân Thủy) được đưa vào sử dụng từ năm 2005; công trình cấp nước tại xóm Vó Cốc, xã Kim Tiến (nay là xã Kim Bôi) đưa vào sử dụng năm 2009; công trình cấp nước sinh hoạt xã Vĩnh Tiến được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Theo kết quả rà soát, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn. Trong đó có 22 công trình hoạt động bền vững, chiếm 7,3%; 66 công trình hoạt động trung bình, chiếm 21,8%; 95 công trình hoạt động kém hiệu quả, chiếm 31,3%; 120 công trình không hoạt động, chiếm 39,6%. Nhiều công trình đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đến lần thứ hai với tổng nguồn kinh phí hơn chục tỷ đồng như công trình nước sạch xã Thanh Cao (Lương Sơn) đến nay người dân vẫn "vật vã" với câu chuyện nước sạch. Công trình này được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2009, tuy nhiên cấp nước được hơn 1 tháng thì hư hỏng. Năm 2013, công trình được đầu tư nâng cấp, sửa chữa với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Năm 2016 tiếp tục đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019 thì công trình ngừng cấp nước hoàn toàn. Ngoài ra, nhiều công trình thuộc cơ sở hạ tầng quan trọng của các dự án tái định cư nhưng cũng đắp chiếu cả chục năm nay như dự án cấp nước sạch khu tái định cư Mai Sơn, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn)... khiến hàng chục hộ dân tái định cư lao đao vì thiếu nước. Xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) là một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2014, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã được đầu tư công trình nước sạch nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, công trình từng được xem là trọng điểm của xã cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng đắp chiếu vì không có người trông coi, ống dẫn nước rỉ sét, một số thiết bị bị phá hỏng, tháo gỡ. Và với tình trạng "cha chung không ai khóc", dù rất thiếu nước sinh hoạt nhưng người dân cũng không biết làm thế nào khi không có vốn để nâng cấp, sửa chữa.

Công trình cấp nước kém hiệu quả - bài toán vận hành, quản lý sau đầu tư

Là một trong những xã được đầu tư nâng cấp công trình nước sạch "khủng" với vốn đầu tư kinh phí hơn chục tỷ đồng nhưng không mang lại hiệu quả, lý giải nguyên nhân này, đồng chí Nguyễn Văn Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao (Lương Sơn) cho rằng: Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sạch đầu tư không hiệu quả là do khâu thẩm định, thiết kế và xây dựng công trình. Như công trình xã Thanh Cao được xây dựng gần khu vực nghĩa trang của xóm nên ngay từ ban đầu người dân không mặn mà với việc dùng nước.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều công trình hiện nay, do khâu khảo sát không đảm bảo nên nhiều công trình không phát huy được hiệu quả, nước không đến được hộ dân. Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi nêu rõ, hạn chế của các công trình nước sạch là do công trình xa khu dân cư, nên khi thực hiện đầu tư thường tốn nhiều kinh phí, lượng nước đến nơi sử dụng yếu, đường ống dẫn xa.


Bên dưới công trình nước sạch xã Kim Lập (Kim Bôi) là điểm khai thác đất đá, vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân các công trình chưa phát huy được hiệu quả là do nhiều công trình cấp nước chưa gắn liền với công tác quản lý, vận hành, khai thác sau đầu tư. Theo đồng chí Bùi Tiến Lực, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc, nhiều công trình sau khi đầu tư bàn giao về cho xã. UBND xã đã thuê lại các doanh nghiệp hoặc các tổ hợp tác để vận hành khai thác công trình. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ chú tâm khai thác mà không bảo trì công trình. Vì vậy, có những công trình van bơm, đường ống dẫn nước hư hỏng không được quan tâm sửa chữa. Đặc biệt, với các công trình tự chảy, người dân chưa có ý thức bảo vệ, còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên công trình chỉ sử dụng được trong một thời gian ngắn. Đối với các công trình có vốn duy trì duy tu, bảo dưỡng, khi được giao về cho xã, các đơn vị quản lý vận hành thường là kiêm nhiệm, không chuyên trách quản lý vận hành dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Trong khi đó, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, vận hành hạn chế, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố còn nghèo nàn. Đối với các công trình cấp nước tập trung do HTX hoặc UBND xã quản lý vận hành, mức thu cao, song do hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, vận hành, khai thác công trình nên lời giải cho bài toán kinh tế còn nhiều bất cập, dẫn đến thu không đủ bù chi, thiếu nguồn kinh phí dành cho duy tu, bảo dưỡng công trình, tỷ lệ tái đầu tư thấp. Vì vậy, nhiều công trình xuống cấp nhanh, chất lượng nước không bảo đảm.

Để nâng cao hiệu quả phục vụ của các công trình nước sạch, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Chỉ thị nêu rõ tiếp tục tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ công trình nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cấp nước. Thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, công trình nước sinh hoạt tập trung để có giải pháp cho từng khu vực. Tuy nhiên, từ thực tế, để phát huy hiệu quả các công trình nước sạch cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể đối với từng loại công trình. Trong đó, khâu quản lý, vận hành sau khai thác có vai trò quyết định việc duy trì hoạt động của công trình. Muốn vậy cần gắn trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cấp, ngành trong công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình. 

 

Nên kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng quản lý, khai thác, vận hành công trình nước sạch

Công trình nước sạch nông thôn góp phần cải thiện quan trọng đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển KT-XH khu vực nông thôn, nhất là tại các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, qua hoạt động khảo sát về chính sách dân tộc, trong đó có các chính sách về nước sạch sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi thấy rằng, còn nhiều công trình nước sạch không phát huy được tác dụng, trong khi người dân lại thiếu nước sạch sinh hoạt.

Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại, ngành chức năng cần phải rà soát, đánh giá một cách tổng thể thực trạng tình hình quản lý, khai thác, vận hành công trình nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn, trên cơ sở đó có phương án điều chuyển, cho thuê, chuyển nhượng, thanh lý công trình để khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng mục tiêu đầu tư. Đặc biệt cần có các giải pháp để khắc phục một số công trình cấp nước không được quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả.

Đinh Văn Dực

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

 

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức bảo vệ công trình

Từ năm 2016 đến nay, Chương trình 135 đã thực hiện đầu tư 6 công trình nước sinh hoạt trên địa bàn 3 xã của huyện với tổng mức đầu tư 4.915 triệu đồng; thực hiện duy tu, bảo dưỡng 40 công trình với kinh phí 942 triệu đồng. Huyện Mai Châu có 870 hộ có nhu cầu hỗ trợ. Đến nay hỗ trợ được 114 hộ, kinh phí 171 triệu đồng, còn 756 hộ chưa được hỗ trợ. Các công trình đã hoàn thành đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giải phóng sức lao động cho phụ nữ và trẻ em, nâng cao sức khỏe cộng đồng, cải thiện đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, ý thức bảo vệ công trình của một bộ phận người dân chưa cao, việc duy tu, bảo dưỡng công trình còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi vốn duy tu, bảo dưỡng công trình thấp, chỉ 30 triệu đồng/công trình. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về chính sách, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ công trình cấp nước. Tuyên truyền việc bảo vệ, chăm sóc rừng đầu nguồn để đảm bảo nước sinh hoạt.

Hà Tuấn Hải

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mai Châu

  

Gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, cấp chính quyền trong công tác quản lý, vận hành công trình

Là một hộ dân được hưởng lợi từ công trình nước sạch, tôi thấy đây là một chủ trương rất đúng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên thực tế, tôi thấy khâu quản lý, khai thác công trình hiện nay rất bất cập. Hầu hết các công trình nước sạch đều được đầu tư nơi đồi núi, cách xa khu dân cư nhưng có khi đóng cửa bỏ không hàng năm trời, không có người đến kiểm tra, bảo quản hoặc quản lý. Xã không giao về xóm, xóm cũng ỷ lại vào xã, vào huyện.

Theo tôi, để đảm bảo các công trình này hoạt động lâu dài, tránh lãng phí, cơ quan đầu tư sau khi đầu tư xong cần có văn bản hoặc thông báo rõ ràng trách nhiệm quản lý thuộc về ai, ngành nào, khi hỏng hóc báo cho ai. Ngoài ra, đơn vị chủ đầu tư hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm soát, rà soát hoạt động của các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác công trình. Có như vậy, khi công trình hỏng hóc mới kịp thời sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng.

Quách Văn Thọ

Xã Thạch Yên (Cao Phong)

  

Phương Linh


Các tin khác


Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

(HBĐT) - Theo quy luật của thị trường, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm. Thời điểm này, diễn biến nguồn cung hàng hóa và giá cả là vấn đề người dân quan tâm. Đây cũng là lúc cần phát huy cao nhất vai trò của các ngành chức năng trong công tác bình ổn thị trường.

Cấp bách thúc đẩy tiêu thụ, giải phóng vùng mía đường nguyên liệu

(HBĐT) - Diện tích mía đường nguyên liệu của tỉnh đã đến thời vụ thu hoạch kể từ tháng 11. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, người trồng mía nguyên liệu ở các địa phương lại lần nữa bất an về tình hình tiêu thụ, giá cả. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang cùng vào cuộc với vai trò thúc đẩy.

Cải tạo vườn tạp - thêm sức mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(HBĐT) - Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, khoảng 12.380 ha vườn tạp trên địa bàn tỉnh cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, những diện tích vườn tạp đã được cải tạo (khoảng 6.350 ha) cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều diện tích được cải tạo để thâm canh các loại cây ăn quả đã mang lại nguồn thu từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Đây là những con số ấn tượng cho thấy hiệu quả vượt trội của cải tạo vườn tạp (CTVT) - một định hướng đột phá giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng sức mạnh cho người nông dân và củng cố những giá trị bền vững để toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số - cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

(HBĐT) - Được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe; thông tuyến khám, chữa bệnh tại các tuyến huyện, xã, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bỏ qua rào cản về thủ tục hành chính..., đó là những chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách mới mang lại nhiều thuận lợi cho đồng bào DTTS, việc triển khai chính sách BHYT đối với vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề người dân quan tâm chính là cơ hội để người nghèo, DTTS tiếp cận được với dịch vụ y tế cao, đảm bảo chất lượng từ tuyến cơ sở. 

Giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, bền vững

(HBĐT) - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đã có chuyển biến tích cực. Nhiều HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Chung tay giảm thiểu tình trạng ly hôn

(HBĐT) - Ly hôn là quyền nhân thân của mỗi công dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hệ lụy của việc ly hôn là không hề nhỏ. Với sự gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội như hiện nay thì ly hôn thực sự là vấn đề cần quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục