(HBĐT) - Đến nay, toàn tỉnh có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng từ 3 - 4 sao. Sản phẩm OCOP đã khẳng định giá trị, chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và ưu tiên sử dụng. Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song quá trình thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới sức lan tỏa của sản phẩm OCOP trên thị trường.


Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.

Nhiều khó khăn, hạn chế

Theo đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP còn những khó khăn, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ thực hiện chương trình cấp tỉnh, huyện, xã hoạt động kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian cho phát triển các sản phẩm OCOP. Có lúc, có nơi chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thật sự vào cuộc cùng các tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên cộng đồng chưa biết và hiểu được lợi ích của chương trình đem lại. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho hoạt động của chương trình nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách T.Ư, địa phương hạn chế. Do đó, các tổ chức kinh tế chưa tiếp cận được nhiều nguồn lực nên kinh phí dành cho nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa cao.

Mặc dù được thực hiện từ năm 2018, tuy nhiên đến nay, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nắm được thông tin về Chương trình OCOP rất ít. Một số chủ thể chưa nắm rõ các quy định, thủ tục, lợi ích khi tham gia chương trình. Nhiều chủ thể có tâm lý e ngại, thờ ơ khi tiếp cận chương trình do mất thời gian, chi phí đầu tư; sản phẩm phải thiết kế lại nhãn mác, bao bì…

 Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh (Đà Bắc) chia sẻ: Với 17 năm kinh nghiệm nuôi giống lợn đen bản địa, tôi rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen bản địa Tân Minh. Tuy vậy, phải đến đầu năm 2022, khi Phòng NN&PTNT huyện khảo sát để xây dựng sản phẩm OCOP tôi mới biết và tìm hiểu về Chương trình OCOP. Tiêu chí đánh giá sản phẩm gồm nhiều tiêu chuẩn nên chúng tôi gặp khó trong tiếp cận, chuẩn hóa sản phẩm.

Sản phẩm OCOP đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, việc tuân thủ, áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, khoa học công nghệ còn thấp, chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình sản xuất chưa đồng bộ, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và không chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được những đơn hàng lớn, liên tục, khả năng tiếp cận thị trường rất hạn chế. Hiện chưa có quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận và chế tài xử lý khi sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của chương trình.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm kiếm đối tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Song còn thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá; chưa ký kết được nhiều hợp đồng lâu dài với đối tác uy tín. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, do người tiêu dùng trong tỉnh chưa thay đổi được nhận thức trong mua sắm những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Giải pháp nâng tầm nông sản

Đồng chí Nguyễn Trọng Vinh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Đa số sản phẩm của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh đã qua chế biến. Tuy vậy, các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần các cấp, ngành hỗ trợ như: giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận với thị trường trong nước và nước ngoài. Các HTX gặp khó khăn về vốn, chính sách đất đai để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu chuẩn hóa từ 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, theo đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, cần sự chung tay của các cấp, ngành trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong thực hiện Chương trình OCOP như: Tăng cường chỉ đạo cụ thể, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thống nhất; huy động sự tham gia của hệ thống chính trị để phát huy được sức mạnh tổng hợp thông qua đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp, kế hoạch, chương trình công tác, chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như: nguyên liệu đầu vào, con người, cơ sở sản xuất, sản phẩm cuối đưa ra thị trường đều phải được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận VietGAP, GMP, HACCP… vì đây là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm mang lại niềm tin cho khách hàng, tạo cơ hội đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình. Quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của sản phẩm OCOP đến đông đảo người tiêu dùng. Hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Lazada… Chú trọng công tác phát triển sản phẩm OCOP, rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương đăng ký sản phẩm tham gia chu trình OCOP theo kế hoạch; phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ một số sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao như: cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ cá sông Đà, măng tre các loại và một số sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Thu Thủy


Nhóm ý kiến: 

Tích cực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Xác định triển khai hoạt động bán sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm. Thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã phối hợp với các sở, ngành thực hiện ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Lazada, Shopee… để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tư thương. Hoạt động này giúp tạo kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể trực tiếp tham gia, dễ dàng liên kết với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để giữ uy tín trên sàn thương mại điện tử, người kinh doanh cần chú ý chất lượng sản phẩm; thông tin minh bạch, chính xác khi sản phẩm được giao đến người tiêu dùng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đối với các chủ thể OCOP, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử còn gặp khó khăn do trình độ tiếp cận thông tin chậm, chưa có điện thoại thông minh. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ nông dân kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử, kinh tế số: Từ thiết kế giao diện gian hàng, đầu tư hình ảnh nội dung quảng bá, kỹ thuật quay phim, chụp ảnh…

 

Hoàng Thị Thu Hằng

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy


 

Nâng cao kiến thức cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP

Hiện, một số cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã còn thiếu thông tin về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Để các chủ thể chủ động hơn trong việc đăng ký tham gia chương trình, các cấp, ngành, huyện, thành phố cần hỗ trợ chủ thể định hình các sản phẩm ý tưởng có tiềm năng, lợi thế của địa phương đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh việc kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, các địa phương cần tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc các sản phẩm. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách, đơn vị tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể cải thiện, bổ sung, đảm bảo chất lượng, hoàn thiện sản phẩm; quy trình xây dựng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; hồ sơ về chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm, kỹ năng bán hàng, xây dựng phương án kinh doanh…

 

Hoàng Văn Tuân

Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh


Xây dựng chiến dịch truyền thông đa dạng

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã tích cực tuyên truyền về Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tại TP Hòa Bình người tiêu dùng biết, tìm đến mua sản phẩm OCOP tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP còn hạn chế. Khách hàng mua sản phẩm OCOP chủ yếu làm tại các công sở, người dân tới mua sản phẩm rất ít.

Vì vậy, thời gian tới, để sản phẩm OCOP được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin dùng, các cấp, ngành, địa phương cần có chiến dịch truyền thông đa dạng như tổ chức tọa đàm, đối thoại với các cơ sở, đơn vị để giải quyết những vấn đề khó, những rào cản trong hoạt động xúc tiến thương mại. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình. Bên cạnh đó, cần mở rộng phương thức bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua hình thức livestream trên mạng xã hội, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.

Phạm Quốc Tuấn

Chủ cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)


Các tin khác


Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

(HBĐT) - Những năm qua, BTV Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, kế hoạch, chỉ thị của T.Ư về quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi" đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Chuyển biến chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn

(HBĐT) - Bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới hơn 15.000 học viên. Trên 80% học viên tuyển mới là thanh niên, trong đó thanh niên nông thôn chiếm phần lớn. Đến năm 2021, tỷ lệ lao động nông thôn (LĐNT) tăng lên 57,5%. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động. Đây là những con số minh chứng chất lượng nguồn nhân lực LĐNT có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Giải bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận

(HBĐT) - Đội ngũ cấp ủy chính là "linh hồn” của các chi bộ. Cấp ủy "mạnh” về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhiệt tình, trách nhiệm thì sẽ tập hợp và phát huy được năng lực, sở trường của từng đảng viên; khơi dậy được sức mạnh của chi bộ, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; ngược lại, cấp ủy "yếu” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chi bộ. Những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cấp ủy đã từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 36% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, 30% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Chất lượng cấp ủy, nhất là ở các chi bộ dân cư cần được quan tâm nhiều hơn.

Bộ máy ngành chăn nuôi gọn nhưng chưa tinh

(HBĐT) - Sau 2 năm thực hiện sáp nhập các trạm: Chăn nuôi và thú y (CN&TY), Bảo vệ thực vật (BVTV), Khuyến nông - Khuyến lâm (KNKL) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) đã tinh gọn đầu mối. Tuy nhiên lại nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có nhiều vấn đề phát sinh, đe dọa đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững nếu không có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Xây dựng thành phố Hòa Bình trở thành đô thị thương mại dịch vụ hiện đại, mang bản sắc văn hóa riêng có

(HBĐT) - Theo đề xuất của đơn vị tư vấn - Công ty CP tư vấn xây dựng và quy hoạch Việt Nam, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2045 là một bước cụ thể hóa chủ trương của tỉnh. Trên cơ sở nhận định, đánh giá thực tiễn phát triển, những tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên đang xây dựng quy hoạch có tính thực tiễn và nhạy bén. TP Hòa Bình được hình dung là một thành phố có tổ chức phát triển mới, năng động, đặc biệt nhạy cảm với vấn đề môi trường, hội tụ các yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi để sinh sống, làm việc và nghỉ ngơi.

Dân vận khéo để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 4.232 mô hình "Dân vận khéo (DVK)” (tăng 33 mô hình so với năm 2020). Trong đó, lĩnh vực kinh tế 1.256 mô hình, lĩnh vực VH – XH 1.763 mô hình, lĩnh vực AN - QP 942 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị 271 mô hình. Các mô hình "DVK” được triển khai gắn với một số phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng vào cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục