(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.
Vấn nạn cần lên án
Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 trẻ bị XHTD (3 trẻ bị dâm ô). Trong đó, huyện Kim Bôi có 2 trẻ, các huyện: Mai Châu, Lạc Thủy, Lương Sơn, TP Hòa Bình mỗi nơi có 1 trẻ.
Cùng nhìn lại số liệu về thực trạng trẻ em bị XHTD những năm trước đó. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ XHTD trẻ em; năm 2019 xảy ra 19 vụ; năm 2020 xảy ra 20 vụ; năm 2021, thực trạng trẻ em bị XHTD xảy ra ở các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, Tân Lạc...; năm 2022, trong tỉnh cũng xảy ra 18 vụ XHTD trẻ em, trong đó có 15 trẻ trên địa bàn tỉnh và 3 trẻ đưa từ nơi khác đến.
Trong các vụ việc XHTD trẻ em trước đây, có không ít vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội. Còn nhớ năm 2020, Công an huyện Mai Châu tiếp nhận tin báo về việc ngày 24/2, cháu H.T.T (SN 2007), trú tại xã Bao La đi ăn cưới người quen cùng xóm đã bị Đinh Công Dũng (SN 1986), trú tại xã Cun Pheo thực hiện hành vi hiếp dâm. Đáng nói, sau khi bị Đinh Công Dũng xâm hại, cháu H.T.T tiếp tục quay trở lại đám cưới thì bị Hà Văn Quang (SN 2002) là người cùng xóm rủ đi uống nước. Tuy nhiên, khi đi đến nơi vắng người, Hà Văn Quang đã đe dọa và thực hiện hành vi hiếp dâm đối với H.T.T.
Ngày 10/1/2019, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử bị cáo Đinh Công Th. (SN 1981), trú tại xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) về tội "hiếp dâm người dưới 16 tuổi” mà nạn nhân lại chính là con ruột. Theo cáo trạng, Đinh Công Th. và vợ là Bùi Thị Ch. (cùng trú tại xã Vĩnh Đồng) kết hôn vào năm 2005, rồi sinh được 2 người con. Do cuộc sống nảy sinh nhiều bất đồng nên vợ chồng Th. sống ly thân từ năm 2016. Vợ về ở nhà mẹ đẻ, thường xuyên phải đi làm ăn xa nên Th. trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con. Ngày 15/7/2018, sau khi uống rượu, không làm chủ được bản thân, Th. đã thực hiện hành vi giao cấu với cháu Đinh Thị H. (SN 2006) và cũng chính là con gái ruột. 10 ngày sau, cháu H. mới kể lại sự việc cho người bác là chị gái của mẹ. Trước sự việc đau lòng, bác ruột của cháu H. đã làm đơn trình báo đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bôi. Ngày 15/8/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Công Th. về tội "hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi". Tại phiên xét xử ngày 10/1/2019, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Th. 17 năm tù giam.
Khoảng tháng 4/2023, người dân trong tỉnh hết sức bức xúc với vụ việc Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Bình Sơn (Kim Bôi) có hành vi dâm ô đối với học sinh. Ngày 17/4, Công an huyện Kim Bôi cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam B.C.T, Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Bình Sơn để điều tra về tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Khoản 2, Điều 146, Bộ luật Hình sự. Theo hồ sơ vụ án, trước đó, Công an xã Bình Sơn tiếp nhận tin báo, thụ lý vụ việc cháu Tr.T.H.N và cháu P.T.T (cùng SN 2008) là học sinh lớp 9 Trường TH&THCS xã Bình Sơn bị ông B.C.T (SN 1971), Hiệu trưởng nhà trường có hành vi dâm ô. Quá trình tiếp xúc, làm việc với cơ quan Công an, các cháu tố cáo trong quá trình học tập tại trường đã bị ông B.C.T gọi lên phòng làm việc. Tại đây, ông T. có những lời nói khiếm nhã và hành vi không đúng mực, dùng tay sàm sỡ, sờ vào bộ phận nhạy cảm trên thân thể các cháu. Sau khi sự việc xảy ra, các cháu đã báo cáo với các thầy, cô giáo trong nhà trường và báo cho gia đình biết.
Cẩn trọng khi "yêu râu xanh” là người thân, quen
Từ những vụ việc dễ dàng nhận thấy, các đối tượng XHTD trẻ em không chỉ có người lạ, mới quen mà ngay cả những thân quen, họ hàng, làng xóm, thậm chí là cả thành viên ruột thịt trong gia đình. Những hành vi này thể hiện sự suy đồi, xuống cấp nghiêm trọng trong chuẩn mực đạo đức xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng XHTD ở trẻ em. Bên cạnh sự giúp đỡ của người lớn, chính các em là người quyết định sự an toàn của bản thân. Thế nhưng đa phần trẻ em còn thiếu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, dễ bị lừa gạt, dụ dỗ, chưa biết cách phòng tránh XHTD. Gia đình là yếu tố quan trọng trong việc giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết tự bảo vệ bản thân để trẻ nhận biết, phòng vệ khi gặp nguy hiểm. Đồng thời, phải giám sát, quản lý, nắm bắt những thay đổi về tâm, sinh lý của con em, kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp.
Thực tế hiện nay, có không ít bậc phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, do bận rộn công việc, ít có thời gian gần gũi, quan tâm, chăm sóc con cái, còn xem nhẹ việc giáo dục giới tính, dẫn đến tình trạng phần lớn trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng để phòng tránh. Bên cạnh đó là có những gia đình, phụ huynh phải đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà hoặc ly hôn, ly thân, mắc tai, tệ nạn xã hội... không có điều kiện gần gũi nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Tình trạng xao nhãng, bỏ mặc trẻ em cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi XHTD đối với trẻ em.
Ngoài ra, công tác phối hợp tuyên truyền tại một số địa phương về giáo dục giới tính cho trẻ em chưa thực sự đạt hiệu quả. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, mọi người dễ dàng tiếp cận được với những thông tin độc hại, ảnh hưởng của văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng dẫn đến lệch lạc về nhận thức, hành động, lối sống, sự suy thoái về đạo đức của một số đối tượng. Tình trạng sử dụng rượu, bia, chất kích thích, chất gây nghiện dẫn đến mất khả năng kiểm soát hành vi gây ra XHTD...
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tươi (xã Cao Dương, Lương Sơn) chia sẻ: "Tôi có 2 con gái trong độ tuổi phát triển tâm, sinh lý, bởi vậy gia đình tôi rất coi trọng việc giáo dục giới tính, trang bị kỹ năng an toàn cho các con. Tôi quan niệm rằng, để bảo vệ con tốt nhất thì phụ huynh phải là những người có kiến thức, kỹ năng để truyền dạy cho các con theo đúng lứa tuổi để đạt hiệu quả thực sự. Tôi đã dạy con về cách nhận biết các hành vi, kỹ năng phòng ngừa, cảnh giác với những thủ đoạn dụ dỗ XHTD ở trẻ em, chuẩn mực trong giao tiếp, văn hóa sống. Luôn phải biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của người lớn tin cậy khi có tình huống nguy hiểm xảy ra; các bộ phận trên cơ thể "bất khả xâm phạm”. Đặc biệt là giữa mẹ và các con phải có sự gần gũi, gắn kết, thoải mái chia sẻ mọi chuyện, từ đó dễ dàng nắm bắt tâm lý, cảm nhận sự thay đổi của con để kịp thời trợ giúp”.
Trách nhiệm không của riêng ai
Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp góp phần phòng, chống XHTD trẻ em, nhưng thực trạng này vẫn tiếp diễn. Vì vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, gia đình và toàn xã hội nhằm đẩy lùi, ngăn chặn thực trạng XHTD trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em. Gần đây nhất, ngày 31/8/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1495/UBND-KTTH về việc hỗ trợ công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước, phòng chống xâm hại trẻ em trên hệ thống tin nhắn của các nhà mạng di động và các kênh thông tin, truyền thông của tỉnh. Qua đó, tiếp tục truyền tải thông tin cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em. Cùng với đó là nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm phòng, chống XHTD trẻ em như: hội nghị tuyên truyền, cuộc thi tìm hiểu, phiên tòa giả định... Trong đó, không thể không nhắc đến chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Thông qua chương trình, trẻ em của 10 huyện, thành phố đã mạnh dạn trao đổi, bày tỏ ý kiến, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và đặt những câu hỏi liên quan đến vấn đề mà các em quan tâm, trong đó có thực trạng XHTD trẻ em. Lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã lắng nghe, trao đổi, giải đáp thấu đáo từng câu hỏi, vấn đề mà các em đưa ra.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đặc biệt trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần quan tâm, chăm lo tốt hơn cho trẻ em được tổ chức từ cấp tỉnh đến cơ sở như: đồng loạt tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, dạy bơi cho trẻ em ở vùng khó khăn, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua Diễn đàn trẻ em các cấp, phiên tòa giả định... Đối với cấp tỉnh, năm 2023, UBND tỉnh tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Chương trình không chỉ truyền gửi các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em đến lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể mà còn góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, hoạch định, ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phù hợp với trẻ em, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng đạt hiệu quả cao.
Trẻ em như búp trên cành, là những chủ nhân tương lai của đất nước, hãy chung tay bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, để các em có được cuộc sống tươi đẹp, an toàn, dành điều tốt đẹp nhất cho những "mầm non” tương lai của đất nước.
Linh Nhật
Tăng cường công tác tuyên truyền
Bùi Thị Hà, Công chức biệt phái Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Lạc
Trước đây, trên địa bàn huyện Tân Lạc đã xảy ra các vụ việc xâm hại
tình dục (XHTD) trẻ em. Song, từ đầu năm 2023 đến nay, không có trường hợp trẻ
em bị bạo lực, xâm hại. Thời gian qua, huyện đã tăng cường công tác tuyên
truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến người dân. Trong đó, các nội
dung tuyên truyền về xâm hại, XHTD trẻ em được thực hiện thường xuyên. Điển
hình như: Huyện Đoàn phối hợp với Hội Đồng đội huyện, CLB thầy thuốc trẻ huyện,
UBND xã Gia Mô tổ chức tuyên truyền phòng, chống bạo lực, XHTD, tai nạn
thương tích, đuối nước cho 350 học sinh. Trường TH&THCS Phú Cường phối hợp
với tổ chức ChildFund truyền thông về bảo vệ trẻ em, chính sách, pháp luật, kỹ
năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho hơn 300 học sinh, 50 giáo viên... Thông
qua đó, không chỉ riêng trẻ em nắm được kiến thức cơ bản, chủ động phòng ngừa,
ngăn chặn các hành vi XHTD, mà người dân cũng nâng cao nhận thức, góp phần
xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng.
Trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Nguyễn Thành Đạt, Trường TH&THCS Trung Minh - TP Hòa Bình
Ở nhà, bố mẹ đã dạy em nhiều kiến thức và kỹ năng sống, trong đó đặc
biệt lưy ý việc tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống nguy hiểm. Bố mẹ cũng lồng
ghép một số tình huống giả định để em được rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống,
rồi phân tích giúp em thấy cách xử trí chưa hợp lý và rút kinh nghiệm.
Trong trường học và ở địa phương, em thường xuyên được tham gia các
hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại
trẻ em... Từ đó, em đã nhận biết được những hành vi xấu, sai trái để tránh xa
và học nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết bảo vệ an toàn cho mình trước những
mối nguy hiểm, rủi ro tiềm ẩn trong cuộc sống.
|