Lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của các tỉnh, thành phố, bộ, ngành trong cả nước. Vừa qua, Chính phủ có Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh các giải pháp để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hoạt động quan trọng này.
Người dân huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý, phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức. (Ảnh MỸ HẠNH)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật trong thời gian qua và đạt những kết quả bước đầu quan trọng.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở nhiều nơi trong cả nước và thu hút nhiều đối tượng tham gia. Gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam; các chuyên gia, nhà khoa học; các luật sư; lãnh đạo nhiều sở, ngành.
Tại đây, nhiều vấn đề, nội dung về sửa đổi Luật đã được các đại biểu quan tâm, đề cập và dành thời gian phân tích, phản biện. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong việc thu hồi đất, dự thảo Luật cần giải thích rõ các tiêu chí thế nào là vì lợi ích công cộng để tránh việc lạm dụng vì lợi ích của tư nhân. Đối với dự án do doanh nghiệp tư nhân thực hiện cần để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận.
Về thu hồi đất xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động, Luật sửa đổi cần phải thể hiện rõ trong đó bao gồm xây dựng cả vật chất và tinh thần, chứ không chỉ có quy định xây nhà vì hiện nay đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực nói trên hầu hết đang còn nhiều hạn chế. Trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, người bị thu hồi đất phải được tham gia ngay từ đầu; không nên để diễn ra tình trạng đặt người dân vào chuyện đã rồi, gây thiệt thòi cho người bị thu hồi...
Liên quan vấn đề này, có ý kiến đề nghị, thu hồi đất là vấn đề của nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân, là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dành cho thành viên Hội đồng Tư vấn dân tộc-tôn giáo của Mặt trận thành phố và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; đại diện các cơ sở tôn giáo, dân tộc trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong các dự án phát triển kinh tế-xã hội sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, việc thu hồi đất còn phải bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Muốn vậy, Nhà nước cần phải điều tiết, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, đây là động lực của sự phát triển, nếu giải quyết tốt lợi ích kinh tế giữa ba chủ thể này thì sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã hội...
Do đó, cần tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Cần ban hành quy định xác định rõ những vấn đề, lĩnh vực nào là lợi ích quốc gia, công cộng ở Việt Nam và các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng, ưu tiên những vấn đề, trường hợp đó.
Theo một số đại biểu, những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế-xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì chủ đầu tư cần thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đồng thời, cần làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để bảo đảm việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng, tránh áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị áp dụng khung giá bồi thường theo thị trường, để giảm bớt thiệt hại cho người dân, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân. Ngoài ra, xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cần cụ thể, rõ ràng, minh bạch.
Những ngày qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp liên tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Tại Huyện ủy Yên Phong, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực huyện Yên Phong và thành phố Từ Sơn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Quảng Bình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quảng Ninh đã hoàn thành việc tổ chức lấy kiến góp ý với dự thảo Luật quan trọng này. Theo đó, tại các hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý, phản biện nhiều nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, tập trung phân tích, đóng góp ý kiến vào một số nội dung trọng tâm, gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất...
Sau hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các địa phương tổng hợp những ý kiến góp ý và cùng với các cơ quan chức năng xem xét tham gia góp ý đối với Chính phủ; đồng thời, báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...
Theo Báo Nhân Dân