Hiện nay, hạ tầng giao thông xã Yên Phú (Lạc Sơn) được đầu tư khá đồng bộ.
Khu di tích khảo cổ Mái đá làng Vành nằm dưới dãy núi Khụ Vành, thuộc xóm Khụ Vành, xã Yên Phú được nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện và khai quật từ năm 1929. Khu vực này là một mái đá cao rộng và thoáng mát, phía dưới nền có nhiều vỏ ốc, hang sâu 18m và thấp dần về phía trong lòng núi. Đây cũng là di tích tiêu biểu trong số các di tích của nền Văn hóa Hòa Bình được các nhà khảo cổ học phát hiện nghiên cứu ở tỉnh. Ngày 18/7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg xếp hạng 2 di tích quốc gia đặc biệt tại tỉnh Hòa Bình, trong đó có Mái đá làng Vành. Để gìn giữ, phát huy giá trị của khu di tích, chính quyền xã Yên Phú đã có kế hoạch, đề án phát triển các loại hình du lịch lễ hội kết hợp với giá trị lịch sử của các di tích, những giá trị văn hóa cùng đời sống sinh hoạt của người dân vùng Mường cổ. Khi công trình hồ Cánh Tạng đưa vào hoạt động sẽ được kết hợp thành chuỗi tham quan du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao tiêu chí số 6 về văn hóa tại địa phương.
Xác định thực hiện thành công các tiêu chí NTM chỉ là bước khởi đầu, việc giữ vững và nâng cao chất lượng một số tiêu chí mới là vấn đề quan trọng được đặt ra. Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực từ nhân dân, các tiêu chí "cứng” như: giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn... trên địa bàn xã cơ bản ổn định và bền vững. Các tiêu chí "mềm” như môi trường, thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự... được xem là khó thực hiện hơn. Do đó, để thực hiện hiệu quả các tiêu chí "mềm”, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành của huyện Lạc Sơn, đặc biệt là lực lượng công an làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn. Đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu; kịp thời giải quyết các loại đơn thư, kiến nghị của người dân. Đồng thời gắn phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, qua đó góp phần đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội.
Tập trung nâng cao đời sống người dân cũng là một nhiệm vụ quan trọng, vì vậy tiêu chí về thu nhập luôn được chính quyền xã quan tâm. Dựa trên các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, xã nỗ lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Gắn với đó là thực hiện đăng ký xóm NTM kiểu mẫu, vườn mẫu và sản phẩm OCOP.
Để giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM, xã Yên Phú phân công từng tổ chức hội, đoàn thể vận động, tổ chức cho người dân thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường và tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa. Phấn đấu duy trì 100% dân cư ký cam kết thực hiện nghiêm các hương ước, quy ước; vệ sinh sạch sẽ đường làng ngõ xóm. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Dự kiến, 6 tháng cuối năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao của xã là 1,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp từ ngân sách Trung ương 1 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển 300 triệu đồng; nguồn vốn từ nhân dân đóng góp và các nguồn vốn huy động khác 200 triệu đồng.
Việc phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng NTM đã giúp môi trường nông thôn ở Yên Phú ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đầu năm 2024, xã đã được UBND tỉnh ra quyết định đưa ra khỏi xã trọng điểm về an ninh trật tự. Đồng chí Phạm Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ về đích NTM nâng cao theo đúng kế hoạch. Cùng với việc giữ vững 19/19 tiêu chí NTM, thời điểm này xã xây dựng được 11/19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa hoàn thành tiếp tục được dồn sức thực hiện. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 44 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,3%. Xã phấn đấu đến hết năm nay, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 47 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%.
Thu Hằng