Nhắc tới con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta không thể không nhắc đến bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) bởi đây là điểm xuất phát của hàng trăm lượt chuyến tàu vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Những người lính công binh Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) thật vinh dự khi được thực hiện nhiệm vụ xây dựng cầu tàu ấy.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, để chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Đoàn vận tải quân sự 559 được thành lập.
Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 (tức Đoàn 125 sau này), làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển
Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên xuất phát tại Đồ Sơn (Hải Phòng), chở theo 30 tấn vũ khí đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn sau 5 ngày hành trình. Tiếp đó, bốn tàu gỗ chở 111 tấn vũ khí vào Nam Bộ. Đây là thắng lợi rất ý nghĩa khi mà lực lượng vũ trang ở vùng đất cực nam Nam Bộ đang phát triển, rất cần súng đạn.
Qua bốn chuyến chở vũ khí vào Cà Mau thắng lợi, Quân ủy Trung ương nhận định: Ta có thể mở con đường vận chuyển trên biển lâu dài, vì vậy phải có những phương tiện tốt hơn, đi trong mọi thời tiết; không chỉ tăng số lượng các chuyến đi, mà phải tăng chất lượng, hiệu quả của mỗi chuyến. Chủ trương của Quân ủy Trung ương là cần nhanh chóng có phương tiện tàu sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn trang bị cho Đoàn 759. Bộ Quốc phòng đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng), thuộc Bộ Giao thông đảm nhiệm đóng tàu sắt.
Di tích bến tàu không số K15 Đồ Sơn, Hải Phòng
Có tàu lớn, cần có cầu tàu để vào lấy hàng. Quân ủy Trung ương quyết định khẩn trương xây dựng một cầu tàu ở Đồ Sơn, Hải Phòng (có kí hiệu K15) bảo đảm cho Đoàn 759 hoạt động. Nhiệm vụ này Bộ Quốc phòng giao cho Trung đoàn 83.
Tháng 2/1963, Trung đoàn 83 nhận nhiệm vụ xây dựng cầu tàu K15 ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Ngày 15/2 năm ấy, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 đã hành quân xuống Đồ Sơn chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Chiều ngày 2/3/1963, tại khu điều dưỡng Đồ Sơn, Bộ Tổng tham mưu họp với Trung đoàn trưởng Lê Văn Xương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Hoàng Duy và một số cán bộ khác để giao nhiệm vụ. Yêu cầu của trên đặt ra là: Cầu tàu K15 phải được thi công tốc độ nhanh, đảm bảo kỹ thuật và giữ bí mật tuyệt đối.
Cầu tàu K15 nằm ở chân ngọn núi chót cùng của bán đảo Đồ Sơn, gần thung lũng Xanh, đối diện với bãi tắm khu III. Vị trí cầu tàu ở chỗ khuất gió, kín đáo, ba chiều là núi, chỉ một hướng duy nhất có thể ra biển.
Theo thiết kế, cầu tàu hình chữ T, dài 60 mét, rộng 6 mét, chịu tải 10 tấn, kết cấu cọc bằng bê tông, ghép khung dầm. Với Tiểu đoàn 3-đơn vị chỉ quen làm cầu đường thì đây là lần đầu đảm nhận xây dựng cầu tàu bên bờ biển, là một khó khăn rất lớn. Trong số cán bộ kỹ thuật, ngoài Tiểu đoàn trưởng Hoàng Duy đang học Đại học Bách khoa, số còn lại có trình độ trung cấp.
Tiểu đoàn được tổ chức làm 3 bộ phận. Một đại đội sản xuất cấu kiện bê tông. Một đại đội vận chuyển vật liệu đến chân công trình. Một đại đội làm nhiệm vụ bắc cầu tàu. Việc bắc cầu tàu do đồng chí Đinh Đới, Đại đội trưởng và đồng chí Đinh Ngọc Tĩnh, Đại đội phó phụ trách.
Ngày 15/4/1963, Tiểu đoàn 3 khởi công đóng cọc. Đầu tiên, đơn vị sử dụng vồ ĐB.45. Nhưng vì kết cấu địa chất nơi đây là cát pha đá nên dùng vồ ĐB.45 không hợp bởi sức đập quá nhẹ. Đơn vị chuyển sang dùng búa máy C.222 và C.254 có sức nén từ 2 đến 2,5 tấn. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đã không quản ngại vất vả phân chia ca kíp, lao động suốt ngày đêm với mong muốn hoàn thành công trình sớm nhất để anh em miền Nam có vũ khí chiến đấu.
Đến ngày 15/5/1963, khi chiếc ô tô thử tải đầu tiên đi vào cầu tàu an toàn thì cũng là lúc một chiếc tàu của Đoàn 759 cập vào ăn hàng. Xây dựng thành công cầu tàu K15, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 ghi vào trang sử của đơn vị thêm một chiến công.
Làm xong cầu tàu K15 Đồ Sơn, Tiểu đoàn 3 được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai; nhiều cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng.
Theo Báo Hải quân Việt Nam
Cuộc
thi trực tuyến tìm hiểu "Biên cương Tổ quốc tôi” do Ban Tuyên giáo Trung
ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục
và Đào tạo; Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổng cục Chính trị
QĐND Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Tập đoàn Bưu
chính Viễn thông Việt Nam; Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức. Dưới đây là thể lệ Cuộc thi
trực tuyến tìm hiểu "Biên cương Tổ quốc tôi”.
Bị thất bại nặng nề trong chiến dịch đánh phá bằng không quân ra miền Bắc, cùng với thắng lợi của quân dân ta trên chiến trường miền Nam, ngày 27/1/1973, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ngày 17/7/1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do; đến ngày thắng lợi, nhân dân sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng ấy, quân và dân cả nước đoàn kết một lòng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Hòa cùng khí thế chung của cả nước, Đoàn 125 chuẩn bị bước vào giai đoạn vận chuyển mới.