Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng.



Cap treo tại Phú Quốc.

Đồ án hướng đến phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27 km² của thành phố Phú Quốc, gồm: 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu và các khu vực nghiên cứu khả năng phát triển, xây dựng trên biển tại phía Bắc và phía Nam đảo Phú Quốc. Phân vùng phát triển không gian thành phố Phú Quốc chia thành 13 khu vực phát triển, gồm: Dương Đông, Bãi Trường, Bãi Ông Lang - Cửa Cạn, Bãi Vòng, Bãi Sao, An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Khem và Mũi Ông Đội, các khu vực ven biển phía Đông, phía Bắc, phía Tây Bắc, quần đảo Nam An Thới, khu vực đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu).

Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc làm cơ sở pháp lý để quản lý, thu hút đầu tư, triển khai lập kế hoạch và thực hiện quy hoạch, chương trình phát triển đô thị. Đảo ngọc Phú Quốc hướng tới là đô thị biển đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt; trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển - đảo tổng hợp, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế. Phú Quốc là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia.

Cùng với định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội tổng hợp, Phú Quốc tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cao độ nền và thoát nước mưa, cấp nước, cung cấp năng lượng, xử lý chất thải, viễn thông.

Lĩnh vực giao thông, nâng cấp cải tạo Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc đến năm 2030 công suất 10 triệu khách/năm, sau năm 2030 là 18 triệu khách/năm. Cảng biển đón tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu tổng hợp đến 30.000 tấn và các bến cảng An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ đón tàu trọng tải đến 3.000 tấn kết hợp bến khách, phà biển, bến du thuyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Phú Quốc.

Đối với cấp nước sinh hoạt cho đảo ngọc, giai đoạn đến năm 2030, Phú Quốc nâng cấp công suất nhà máy nước Dương Đông lên 45.000 m³/ngày đêm; xây mới hồ Cửa Cạn và nhà máy nước Cửa Cạn công suất 50.000 m³/ngày đêm; xây mới hồ Rạch Cá và nhà máy nước Rạch Cá công suất 12.000 m³/ngày đêm; xây mới hồ Suối Lớn và nhà máy nước Suối Lớn công suất 25.000 m³/ngày đêm…

Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt đối với các khu vực phát triển phía Bắc và Đông Bắc đảo, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài quý hiếm, đặc hữu, phục hồi hệ sinh thái rừng đối với Vườn quốc gia Phú Quốc; bảo vệ hệ sinh thái thảm cỏ biển, động vật biển quý hiếm, rạn san hô… Phú Quốc phát triển hành lang xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên gắn với du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử trên đảo ngọc.

Lãnh đạo thành phố Phú Quốc cho biết, các chương trình, dự án được ưu tiên đầu tư gồm: Chương trình phát triển đô thị thành phố Phú Quốc; hoàn thiện hệ thống đường giao thông quanh đảo; cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Dương Đông; nâng cấp, cải tạo cảnh quan đô thị khu vực Dương Đông và cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu…


Theo Baotintuc

Các tin khác


Thăm “vườn rau” nhà giàn DK1 trên biển

Trong hải trình thăm, tặng quà, chúc Tết nhà giàn DK1 vào dịp giáp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương đã có dịp nắm bắt, tìm hiểu cuộc sống, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Đã có nhiều điều bất ngờ mà nhà giàn đem lại cho các thành viên đoàn công tác. Ở những nhà giàn cao khoảng 20 - 30m nơi biển cả, thềm lục địa của Tổ quốc, vốn là "rốn” của sóng gió, vẫn ngời sáng tinh thần lạc quan, yêu đời và ý chí mạnh mẽ của những cán bộ, chiến sĩ DK1, vẫn xanh rờn những vườn rau, mặc cho biển mặn, nắng cháy, gió lồng lộng quanh năm, suốt tháng…

Chiến sĩ Nhà giàn DK1 vui Xuân, đón Tết

Mỗi độ Tết đến, Xuân về, khi nắng nóng ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc dịu hơn và những con sóng biển, gió biển lại trở nên mạnh mẽ, cuồng nhiệt hơn thì cũng là lúc những con tàu chở cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân ra khơi. Đoàn công tác mang quà, hàng Tết và hơi ấm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ cũng dành tặng đất liền những mùa xuân tươi vui, lạc quan và tràn đầy niềm hy vọng. Phóng viên Báo Hòa Bình đã ghi lại một số hình ảnh ấn tượng trong mùa Xuân Giáp Thìn tại Nhà giàn DK1...

Vùng 3 Hải quân và hành trình giữ biển

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo suốt chiều dài các tỉnh, thành phố duyên hải miền trung, từ Đèo Ngang-Quảng Bình đến đảo Cù Lao Xanh-Bình Định, các đảo ven bờ Bắc Trung Bộ và quần đảo Hoàng Sa, đồng thời, Vùng 3 Hải quân luôn sẵn sàng cơ động chi viện bảo vệ quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển trọng điểm hay các nhiệm vụ đột xuất khác khi có lệnh.

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Chương trình "Tết hải đảo"

Trước thềm năm mới Giáp Thìn, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm (PCTP) ma túy số 2 đã tổ chức chương trình "Tết hải đảo” trên địa bàn đơn vị đóng quân tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Cuộc trò chuyện đặc biệt giữa 2 đầu nhà giàn DK1/14 và tàu Trường Sa 04 trên biển

Hẫng hụt, tiếc nuối và một chút bâng khuâng là cảm giác chung của các phóng viên báo chí cùng thành viên đoàn công tác của tàu Trường Sa 04 khi cuộc lên nhà giàn DK1/14 ở bãi Tư Chính bất thành. Sóng to cấp 5, cấp 6, thời tiết khắc nghiệt… đã trở thành "rào cản” ngăn cách giữa nhà giàn DK1/14 và các thành viên. Tuy nhiên, mọi người thấy có phần được an ủi khi "nối” được cuộc tọa đàm giữa các phóng viên với các đồng chí chỉ huy nhà giàn - Đại úy Đinh Xuân Phơn, Chính trị viên nhà giàn DK1/14.

Tết xa nhà của những người lính

Những ngày cuối tháng 1, chúng tôi được cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân do Chuẩn Đô đốc Vũ Văn Nam, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân làm trưởng đoàn đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tết đến, Xuân về là dịp mỗi người đều mong muốn được sum họp, quây quần bên gia đình chia sẻ về công việc, những niềm vui, nỗi buồn của một năm qua đi, đón năm mới ngập tràn hạnh phúc... Thế nhưng với những người lính hải quân, đón Tết xa gia đình dường như đã không còn quá xa lạ...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục