(HBĐT) - Cách đây 56 năm, thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ tại Nghị quyết số 15 của BCH T.ư Đảng khóa II về việc các tỉnh, thành phố miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh, thành phố miền Nam, ngày 3/4/1960, tỉnh Hòa Bình kết nghĩa với tỉnh Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh). Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, thành phố.

 

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy (tháng 10/2016).

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã thực hiện sáng tạo phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt, vì Gia Định kết nghĩa với khẩu hiệu “Gia Định cần người, Hòa Bình có người; Gia Định cần của, Hòa Bình có của”, “Dù cho khe suối có cạn, cây rừng Hòa Bình hết lá thì các dân tộc Hòa Bình vẫn nguyện giữ trọn lòng son sắt với quân dân Gia Định anh em”. Được tình nguyện kề vai, sát cánh chiến đấu cùng đồng bào, chiến sỹ miền Nam, đồng bào, chiến sỹ Gia Định là khát vọng và lý tưởng cao đẹp của lớp lớp thanh niên Hòa Bình. Đã có trên 100 bà mẹ, người vợ chích tay lấy máu viết đơn xin cho chồng, con đi chiến đấu. Từ năm 1965 - 1968, tỉnh Hòa Bình có hơn 1 vạn thanh niên vượt ngàn dặm Trường Sơn vào chi viện chiến trường miền Nam, lập nên những chiến công anh dũng. Nhiều người con Hòa Bình đã anh dũng hy sinh và đóng góp một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Hướng về miền Nam, hướng về Gia Định thân yêu, nhân dân tỉnh Hòa Bình ra sức thi  đua lao động, sản xuất, khẩu hiệu “Hòa Bình đổ giọt mồ hôi để cho Gia Định bớt rơi máu đào”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Gia Định kết nghĩa” đã được quân và dân tỉnh Hòa Bình hăng hái thực hiện bằng tinh thần nhiệt huyết và cả trái tim. Khắp nơi trong tỉnh, đâu đâu cũng xuất hiện những hành động thắm tình kết nghĩa. HTX xã Thịnh Lang (TP Hòa Bình) phát động đợt thi đua đào đắp “Mương Củ Chi” dẫn nước về cánh đồng Mộ, đạt 5 tấn thóc /năm.

 

 Huyện Mai Châu phát động trồng cây, gây rừng tạo màu xanh cho quê hương… Ngày 29/1/1961, ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 1961-1963 thành công tốt đẹp, Đại hội đã gửi thư thăm hỏi, động viên và chia vui với đồng bào Gia Định, bức thư có đoạn: “Từ ngày Hòa Bình - Gia Định kết nghĩa anh em, tâm tư và tình cảm chúng ta đã gắn bó thân thiết bên nhau, thúc đẩy thêm nghị lực cho nhau phấn đấu. Trong hoạt động, các mặt công tác tên Hòa Bình - Gia Định đã in sâu vào bóng mọi người, đã cổ vũ thêm sức mạnh cho tinh thần sản xuất và chiến đấu. Vụ mùa Hòa Bình - Gia Định, xưởng cưa Hoóc Môn, đập nước, vườn cây, trường học, tủ sách, nhà máy, đường sá đều mang tên Hòa Bình - Gia Định. Gia Định - Hòa Bình đã trở thành anh em ruột thịt, thân thiết, gần gũi bên nhau trong đời sống, trong chiến tranh. Mỗi một thắng lợi đấu tranh của đồng bào Gia Định chống Mỹ - Diệm trong Nam càng cổ vũ, thúc đẩy thêm nhiều thắng lợi của đồng bào tỉnh Hòa Bình ra sức xây dựng CNXH ở miền Bắc”.

 

Năm 1960, đồng chí Hồ Thị Bi, khi đó là đại úy, công tác tại bộ phận chính sách của Tổng cục Chính trị - QĐND Việt Nam được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khóa II thuộc đơn vị bầu cử tỉnh Hòa Bình. Đồng chí đắc cử với trên 90% phiếu bầu. Năm 1963, đồng chí Hồ Thị Bi, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định và đồng chí Bùi Văn Kín, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã thăm và trồng cây lưu niệm tại xã Bình Sơn (Kim Bôi). Năm 1956, Tập đoàn sản xuất Chí Hòa với 45 cán bộ miền Nam cùng một số tù chính trị tại trại giam Chí Hòa (còn gọi là Khám Chí Hòa) do thực dân Pháp trao trả được tập kết ra Bắc, tới huyện Lương Sơn để thành lập Tập đoàn sản xuất Chí Hòa thuộc Liên đoàn Cửu Long - Lương Sơn.

 

Ngày 19/10/1958, Bác Hồ về thăm cán bộ, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình, Bác đã đến thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa. Sau khi thăm nơi ăn, ở, làm việc của cán bộ, công nhân Tập đoàn, dưới tán cây khế, Bác ân cần thăm hỏi, động viên và căn dặn: “Các cô, các chú phải yên tâm, phấn khởi sản xuất ra nhiều của cải, nâng cao đời sống là thiết thực góp phần xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước…”.

 

Ngày 9/10/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định xếp hạng Di tích nơi Bác Hồ về thăm chiến sĩ Khám Chí Hòa là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

 

Năm 1969, tỉnh Hòa Bình vinh dự được Trung ương chọn để xây dựng cơ sở Trường cán bộ dân tộc miền Nam tại thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy). Tháng 11/1972, thành lập Trường học sinh dân tộc miền Nam số 11, đặt cơ sở tại huyện Tân Lạc quy mô trên 1.000 học sinh. Những người con quê hương Gia Định khi ra Hòa Bình học tập, công tác nhận được tình cảm cưu mang, đùm bọc thắm tình ruột thịt và coi Hòa Bình là quê hương thứ hai của mình.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, có những người trở về miền Nam tham gia xây dựng quê hương. Nhiều cán bộ ở lại tỉnh Hòa Bình sinh sống, làm việc, cống hiến, góp phần vào sự phát triển KT -XH của tỉnh Hòa Bình. Cán bộ tập kết có thời gian công tác tại tỉnh Hòa Bình và học sinh Trường cán bộ dân tộc miền Nam sau này trở thành những “hạt giống đỏ” của công cuộc kháng chiến và dựng xây đất nước như Anh hùng Hồ Thị Bi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, nguyên ĐBQH tỉnh Hòa Bình; đồng chí Ksor Phước, nguyên ủy viên BCH T.ư Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Anh hùng Núp; thiếu tướng Tô Ký, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7, nguyên Tỉnh Đội trưởng Sài Gòn - Gia Định, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự T.ư, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3… Những người con quê hương Hòa Bình ở Gia Định, những cán bộ Gia Định tập kết ra Hòa Bình đã trở thành cầu nối, sợi dây gắn kết bền chặt tình kết nghĩa keo sơn giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, thành phố.

 

Sau ngày nước nhà thống nhất, lần đầu tiên Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình có những đêm diễn đáng nhớ tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Nghị quyết về chuẩn bị giúp tỉnh Gia Định kết nghĩa về công tác giáo dục. Theo đề nghị của đoàn đại biểu đặc khu Sài Gòn - Gia Định ra thăm miền Bắc, tỉnh Hòa Bình đã quyết định bàn giao “Thư viện Hòa Bình - Gia Định” được vận động thành lập từ năm 1962 cho tỉnh Gia Định, gọi là thư viện kết nghĩa Hòa Bình. Thư viện này đặt tại quận Bình Thạnh, đến năm 1978 sáp nhập với Thư viện Quốc gia II. Một phần kho sách của thư viện được để lại và đổi  tên là thư viện quận Bình Thạnh. Năm 1975, tỉnh Hòa Bình hợp nhất với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Đến năm 1991, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, tỉnh Hòa Bình được tái lập. Tỉnh Gia Định cũng được hợp nhất và đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trải qua hơn nửa thế kỷ, trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, quan hệ kết nghĩa giữa Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh, thành phố luôn được kế thừa và có nhiều kỷ niệm gắn bó. Trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, cùng với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, giành được nhiều thành tựu quan trọng, đặt nền tảng vững chắc và tạo đà phát triển cho tương lai.

 

 

                                                                            Đức Phượng

 

 

 

 

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục