Ngày 11-11, tại hội trường, QH đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; thảo luận tại hội trường Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); thảo luận tại tổ hai dự án: Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) (sửa đổi) và Luật Đường sắt (sửa đổi).

 

     Các đại biểu QH thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017

Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nhiều đối tượng

Buổi chiều, QH đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với 81,34% số đại biểu QH tán thành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho biết: Hiện nay, phần lớn nông dân vẫn cần đất nông nghiệp để sản xuất và coi đó là tư liệu sản xuất chủ yếu. Do vậy, người nông dân vẫn là đối tượng cần được quan tâm, tạo điều kiện cao nhất để yên tâm sản xuất. Mặt khác, nhiều nông, lâm trường chưa sử dụng hiệu quả đất được Nhà nước giao, cần phải rà soát một cách tổng thể để bảo đảm hiệu quả việc sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các tổ chức. Việc ban hành Nghị quyết miễn thuế cho các hộ, cá nhân đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được QH thông qua, nêu rõ: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng, cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã; tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp...

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không quy định tại Nghị quyết này và tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát, chấn chỉnh, thực hiện thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật đất đai theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết này.

Trước đó, QH đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 với 79,31% số đại biểu tán thành.

Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2016, dự toán NSNN năm 2017 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2017 nêu rõ: Dự toán thu nội địa năm 2017 là 990,280 nghìn tỷ đồng. Nếu so sánh đơn thuần thì tăng khoảng 19,5% so với mức ước tính thực hiện năm 2016. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015, do đó phát sinh một số khoản thu mới đưa vào cân đối ngân sách và một số khoản thu đặc thù; nếu loại trừ các khoản thu này, thì chỉ tăng khoảng 14% so với mức ước tính thực hiện năm 2016...

Việc bố trí vốn đầu tư trung hạn cho các chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm tới đã được QH phê chuẩn, Chính phủ dự kiến bố trí năm 2017 là 6.000 tỷ đồng, trước mắt phân bổ 5.400 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% dự phòng). Việc đầu tư xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình, do đó cần được tính toán và có lộ trình cụ thể, trên cơ sở đó ưu tiên hỗ trợ vốn cho chương trình phù hợp với từng giai đoạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho rằng, năm 2017, Chính phủ xây dựng phương án bố trí 6.000 tỷ đồng cho chương trình này là hợp lý, vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục tính toán, trong trường hợp tăng thu NSNN, cân đối bố trí tăng vốn cho chương trình này trong các năm tiếp theo.

Nâng cao hiệu quả công tác bồi thường của Nhà nước

Buổi chiều, tại hội trường, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phần lớn các đại biểu đều tán thành với tờ trình về dự án luật. Việc sửa đổi lần này giúp nâng cao quyền con người, quyền công dân, xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân khi gây ra thiệt hại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề như việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan sai, vấn đề thương lượng trong bồi thường, quyền và nghĩa vụ của người bị oan sai, việc bồi thường đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài...

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn) nêu, theo dự thảo luật, việc xin lỗi người bị oan là một khâu nằm trong quy trình giải quyết bồi thường. Nếu người bị oan có yêu cầu bồi thường thì thủ tục xin lỗi mới diễn ra, nếu không yêu cầu thì việc xin lỗi công khai không diễn ra. Điều này chưa phù hợp, vì cơ quan nhà nước làm oan cho người vô tội, việc người bị oan có yêu cầu bồi thường về vật chất hay không là một chuyện còn việc xin lỗi người bị oan sai là trách nhiệm của Nhà nước. Về nguyên nhân dẫn đến việc xin lỗi có tính hình thức như thời gian vừa qua vì luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này... Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ băn khoăn về nội dung thương lượng trong bồi thường. Vì có thiệt hại về tinh thần, thể chất của công dân không thể xác định đo đếm bằng giá trị vật chất. Nếu đặt ra vấn đề thương lượng, giữa công dân và cơ quan có trách nhiệm bồi thường mặc cả với nhau về giá trị cần phải bồi thường là không phù hợp. Nếu đặt ra nguyên tắc thương lượng, người thiệt hại biết quá trình giải quyết có thương lượng cho nên cứ đưa yêu cầu cao lên rồi rút dần. Còn cơ quan có trách nhiệm bồi thường dễ có tâm lý cứ chấp nhận ở mức nhất định rồi quá trình thương lượng nâng dần lên. Theo đại biểu, nên có thương lượng nhưng không nên quy định thành nguyên tắc trong luật.

Bên cạnh đó, một số đại biểu nêu việc quy định người bị hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời đầy đủ chính xác, trung thực tài liệu liên quan đến việc bồi thường. Thực tế có những vụ việc liên quan đến bồi thường kéo dài hàng chục năm, tài liệu, yêu cầu có liên quan đến bồi thường, công dân không thể cung cấp kịp thời. Vì thế, dự thảo luật chỉ nên quy định đối với người bị thiệt hại cần cung cấp đầy đủ và trung thực chứng cứ liên quan đến việc bồi thường...

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình các ý kiến của đại biểu QH về dự án luật này.

Hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), nhiều đại biểu: Nguyễn Hồng Diên, Phạm Văn Tuân (Thái Bình), Nguyễn Hữu Đức (Bình Định)..., bày tỏ đồng tình sự cần thiết phải sửa đổi luật, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường...

Dự thảo luật bổ sung, chỉnh sửa về “Các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ”, trong đó bổ sung quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và cầu để phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Điều 35), quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia; chỉnh sửa quy định về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia phục vụ phát triển sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ... Một số đại biểu cho rằng cần có những quy định đột phá để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tránh chờ cấp ngân sách để làm như trước đây. Phải định rõ cơ chế quản lý, tạo ra được kênh quản lý để Nhà nước mua sản phẩm, doanh nghiệp mua ý tưởng khoa học công nghệ. Nhà nước chỉ cấp đầu vào cho những sản phẩm Nhà nước ưu tiên...

Một số đại biểu góp ý về quy định việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cho rằng cần hết sức chú trọng thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này. Đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định về chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) và một số đại biểu cho rằng, vấn đề chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn phải cụ thể hóa những nội dung ưu đãi. Dự luật phải nêu rõ doanh nghiệp nào được hỗ trợ, nếu không cụ thể hóa thì chỉ doanh nghiệp lớn được hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp lại khó tiếp cận...

Buổi sáng, thảo luận về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), các ý kiến đều thống nhất việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 là rất cần thiết. Một số đại biểu cho rằng, cần có quy hoạch đồng bộ hơn về kinh doanh đường sắt; doanh nghiệp được giao kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư không được trực tiếp kinh doanh hoặc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp vận tải đường sắt trên tuyến đường sắt được giao. Nhiều đại biểu nêu, về kinh doanh đường sắt, quy định của dự thảo luật là hạn chế quyền tham gia kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các Bộ trưởng: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ sẽ tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp này, kéo dài trong hai ngày rưỡi. Qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp thông qua Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các phát biểu của các đại biểu QH, Văn phòng QH đã tập hợp lại 16 nhóm vấn đề; sau đó lựa chọn 11 vấn đề báo cáo Ủy ban Thường vụ QH. Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến các đại biểu QH lựa chọn bốn vấn đề đưa ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc

 

Việc xác định mức độ thiệt hại và mức độ bồi thường đều mang bản chất quan hệ dân sự bình đẳng. Thực tế, trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người bị thiệt hại và người gây thiệt hại, Nhà nước không còn là chủ thể quyền lực trong mối quan hệ có tính chất mệnh lệnh và phục tùng, Nhà nước cũng bình đẳng với các bên.

Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum)

 

 

                                                                                    TheoNhandan.vn

Các tin khác


Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc vững mạnh toàn diện

Nhờ chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kiềm chế là nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận an ninh, trật tự từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục