(HBĐT) - Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã thay đổi rất nhiều: hiện đại, sầm uất và giàu mạnh hơn. Đứng trên khu Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn thấy toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh cùng hình ảnh những chiếc máy bay lên, xuống ở sân bay phía xa. Bình yên quá đỗi. Từ xa, vọng lại những câu hát trong bài “Mời anh lên Điện Biên” (Nguyễn Tài Tuệ), “Hoa ban” (Minh Quang) khiến mỗi người càng thêm thấm thía, yêu mến miền đất này. Quả thật, du khách trong và ngoài nước ngày càng đến với mảnh đất anh hùng này nhiều hơn. Chỉ trong tháng 4/2017, lượng khách đến với Điện Biên lên đến 51.000 người, trong đó, du khách quốc tế đạt trên 10.000 người, tăng hơn nhiều so với năm 2016…

Du khách thăm quan Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.Nơi đây trưng bày trên 1.000 hiện vật liên quan đến chiến thắng lịch sử 55 ngày đêm của quân, dân ta.

 

Hòa vào dòng người đến các địa danh, di tích lịch sử ở Điện Biên Phủ như đồi A1, Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, hầm Đờ-Cát, đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đường kéo pháo, cầu Mường Thanh, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1…càng cảm nhận hơn những giá trị của chiến thắng lịch sử này. Buổi tham quan Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thật có ý nghĩa biết bao. Hôm đó, rất đông du khách xa gần. Có một cặp vợ chồng trẻ từ Lai Châu xuống cũng nhập đoàn. Một nhóm CCB của một vài tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, có các sinh viên, học viên Lào đang học tiếng Việt tại Trung tâm GDTX tỉnh Điện Biên cũng có mặt. Họ đến từ các tỉnh vùng Bắc Lào như: Bo Kẹo, U đôm xay, Luông pra băng, Phong sa lỳ… Dù tiếng Việt của họ còn hạn chế, nhưng câu chuyện của các hướng dẫn viên cùng “câu chuyện” của hơn 1000 hiện vật trong Bảo tàng cũng đủ sức dẫn họ cùng các du khách Việt trở lại những năm tháng hào hùng đó…

 

Từ cuối năm 1953, thực dân Pháp đã đổ quân chiếm đóng Điện Biên Phủ và thành lập ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh được trang bị nhiều vũ khí hiện đại (trên 16.000 quân được yểm trợ bởi pháo binh, máy bay với 8 trung tâm đề kháng và 49 cứ điểm). Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…quân và dân ta đã bước vào chiến dịch với quyết tâm, khí thế hừng hực và sự tập trung cao độ về sức người, sức của.

 

Với phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt. Từ ngày 13 - 17/3/1954, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm bản Kéo, phá vỡ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm, diệt và bắt sống 2000 tên, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

 

Ngày 30/3 đến ngày 30/4, quân ta đồng loạt tấn công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt và gay go nhất. Quân ta và địch giằng co, giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn chiến hào. Tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày và đồi A 1 lên đến gần 40 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại pháo của ta. Quân địch rơi vào trạng thái bị động và mất dần tinh thần chiến đấu. Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. Đêm 6/5, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Ta đã cho nổ khối bộc phá gần 1.000 kg đặt dưới đường hầm đào sâu vào cứ điểm địch. Tên chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch ra đầu hàng.

 

Chiều 7/5, ta chiếm Sở Chỉ huy trung tâm, tướng Đờ cat-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và bằng cả bao sự hy sinh, mất mát, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ cứ điểm lịch sử Điện Biên Phủ; tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay; thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch. Đồng thời xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của quân đội Pháp.

 

Ngày 7/5/1954 trở thành ngày kỷ niệm, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tạo bước ngoặt, làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương…

 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Câu chuyện chiến thắng oanh liệt đó và câu chuyện hòa bình hôm nay tại Bảo tàng lịch sử càng neo thêm vào lòng mỗi người ý nghĩa, giá trị mới.

Một đồng nghiệp đến từ tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Lập nghiệp ở Lai Châu nhưng chúng tôi có tuổi thơ gắn bó với mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ. Dù đã đến các địa danh lịch sử bao lần nhưng mỗi lần đến lại cảm nhận thêm bao điều mới mẻ”. Chẳng thế mà nhìn anh và các đồng nghiệp say sưa kể với du khách nước Lào về các anh hùng liệt sĩ mới thấy thêm tình yêu đối với nơi này. Những anh hùng liệt sĩ luôn sống mãi trong lòng mọi người như: Phan Đình Giót (lấy thân mình lấp lỗ châu mai), Bế Văn Đàn (lấy vai làm giá súng); Tô Vĩnh Diện (lấy thân chèn pháo); Trần Can (hiên ngang dẫn đầu tiểu đội, cắm cờ lên lô cốt Him Lam, Hoàng Văn Nô dũng sĩ đâm lê…Cùng biết bao con người khác “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên -Tố Hữu) đã góp phần vào thắng lợi chung này..

 

 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đi vào thơ ca, nhạc họa, đi vào lịch sử dân tộc cùng triệu triệu lương tri trên thế giới. Với chiến thắng này, hòa bình đã được lập lại, tạo nên khúc khải hoàn giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), miền Bắc đi lên CNXH. Hôm nay đây, Điện Biên Phủ vẫn luôn là “địa chỉ đỏ” thu hút, hấp dẫn du khách muôn phương.

    

                                                                                   Bùi Huy

 

Các tin khác


Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục