Ngày 4-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, phát biểu ý kiến tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực để GDP năm 2017 đạt mức tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã thông qua. Thủ tướng nêu rõ, tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước đạt khá; du lịch, đầu tư FDI có nhiều chuyển biến tốt so tháng 3… Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ còn lại của chúng ta rất nặng nề, nhiều khó khăn phía trước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực rất lớn, nhất là chú trọng biện pháp chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đẩy nhanh thực hiện thắng lợi kế hoạch. Đặc biệt phải có đối sách, giải pháp đồng bộ, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn, tìm thị trường mới; chú trọng thị trường nội địa, phát triển công nghiệp chế biến; đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; tăng xuất khẩu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát các mặt hàng lớn, nhất là dầu khí, than, điện… để có biện pháp tăng trưởng sản xuất, phải đi đầu trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm nay; nỗ lực tăng trưởng mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo; bảo đảm cung ứng điện mùa hè; đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu. Thủ tướng đồng ý chủ trương giải quyết một số mặt hàng khoáng sản tồn đọng để xuất khẩu; tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ. Tập trung phát triển thương hiệu, ngành hàng, sản phẩm, nhất là thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia giá trị toàn cầu. Thủ tướng lưu ý phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chung cư.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp hơn 3%; nghiên cứu hệ thống thị trường trong nước và xuất khẩu, tập trung xử lý vấn đề giá cả thị trường, bảo đảm chủ động các mặt hàng; bảo đảm kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt hơn 33 tỷ USD trong năm nay. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Ngoại giao tích cực đàm phán, mở rộng thị trường chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển mô hình liên kết 5 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà băng, nhà DN”, nghiên cứu hỗ trợ vốn cho DN; nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất, bảo đảm quyền lợi lâu dài của các bên, tuân thủ pháp luật. Các ngành, các cấp phải rà soát lại bảo đảm các lĩnh vực đều đóng góp tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công thương quản lý chặt chẽ các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, giảm nhập siêu phù hợp thông lệ quốc tế. Chính phủ lưu ý các cơ quan chức năng, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát triển hệ thống thị trường trong nước, nhất là siêu thị; không để thị trường bán lẻ rơi vào các tập đoàn nước ngoài; kiên quyết chấn chỉnh tình trạng bán hàng đa cấp trái phép. Tình hình thị trường ở một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, giá nông sản, nhất là giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân, trong khi giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các DNNN; xử lý nghiêm người đại diện phần vốn của Nhà nước tại DN chậm trễ trong cổ phần hóa. Tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, góp phần cải cách tiền lương. Tích cực chuẩn bị Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN lần thứ hai. Thủ tướng đề nghị tất cả các địa phương phải có cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành chức năng rà soát tình hình đầu tư FDI, tránh tình trạng Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ”; các bộ, ngành rà soát lại các chính sách phát triển DN; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu không điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô để bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng; quản lý chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu, không làm tăng lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế; có giải pháp điều hành phù hợp, nhất là điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa linh hoạt, chặt chẽ, thận trọng, đồng bộ. Các ngành chức năng phải tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó, thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghiệp cao. Tiếp tục nghiên cứu, giảm mặt bằng lãi suất để giảm chi phí vốn cho DN. Đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tích cực xử lý nợ xấu theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện tốt các nhiệm vụ môi trường, quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm thực hiện tốt tình hình an ninh trật tự, trong đó các địa phương phải rà soát tình hình sử dụng đất đai trên tinh thần công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của người dân, xử lý nghiêm các vi phạm; xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép, phá rừng; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Riêng vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội tiến hành thanh tra toàn diện, xử lý nghiêm mọi cá nhân vi phạm. Về công tác thông tin, tuyên truyền, Thủ tướng đề nghị báo chí phải chủ động, tích cực thông tin khách quan, chính xác, tuyên truyền mô hình, cách làm hay, các gương sáng, điển hình tốt trong xã hội; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, tạo đồng thuận trong dư luận.

* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý và khai thác cảng biển; dự thảo Nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cơ chế, chính sách đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam…

Nỗ lực hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn

Chiều 4-5, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Liên quan vấn đề hỗ trợ người chăn nuôi lợn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bằng nhiều giải pháp vừa qua, giá thịt lợn hơi đã tăng lên, có mức tăng bình quân so thời điểm thấp nhất là hơn 5.000 đồng/kg thịt hơi, cơ bản tương đương giá thành sản xuất; giá bán thịt lợn tại các siêu thị cũng giảm xuống từ 10 đến 20% so thời điểm cách đây 10 ngày. Về giải pháp trước mắt, Bộ sẽ giải quyết tốt quan hệ cung cầu; rà soát để bảo đảm tổng đàn và quy mô đàn có cơ cấu hợp lý; không hỗ trợ trực tiếp mà thông qua liên kết chuỗi theo tín hiệu thị trường; giải quyết vấn đề mở rộng thị trường; kiểm soát chặt chẽ lượng gia súc tạm nhập, tái xuất theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế, bảo đảm thị trường tiêu thụ.

Bộ Công thương cho biết, lâu nay, thịt lợn chủ yếu được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Đầu năm 2017, thị trường Trung Quốc có sự kiểm tra khắt khe hơn đối với mặt hàng thịt lợn. Do đó, muốn thúc đẩy xuất khẩu, trước hết cần tăng chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, vấn đề hỗ trợ người chăn nuôi lợn là vấn đề được xã hội quan tâm. Hiện dư nợ toàn ngành chăn nuôi lợn đạt gần 30 nghìn tỷ đồng với hơn 506 nghìn khách hàng. Đến nay, ngành ngân hàng đã cơ cấu, giãn nợ 364,7 tỷ đồng cho người chăn nuôi lợn; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm hoãn, giãn thời gian trả nợ; xem xét từng trường hợp cụ thể để miễn, giảm lãi vay, nợ quá hạn để hỗ trợ bà con.

Giải quyết vụ việc ở xã Đồng Tâm đúng pháp luật

Về vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có buổi đối thoại rất trách nhiệm với người dân địa phương. Hà Nội cũng công bố thanh tra toàn diện việc sử dụng quản lý đất đai của huyện Mỹ Đức. Bộ Công an kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện tố tụng, khởi tố vụ án, bị can và bắt giam một số đối tượng ở xã Đồng Tâm. Cơ quan Thanh tra Bộ Công an đang tiếp tục thực hiện việc này trên tinh thần rất minh bạch, công khai; nếu sai nhận lỗi trước dân; nếu dân sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; nếu chính quyền huyện, xã sai trong quá trình quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sẽ xem xét, xử lý các mức độ sai phạm.

 

                                                                       TheoNhandan

Các tin khác


Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục