(HBĐT) - Chiều 12/8, các đồng chí Tòng Thị phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Thong - sa- vanh Phom - vi- hane, Đại sứ Đặc mệnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam; Trần Văn Tuý, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác ĐBQH, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào thăm và làm việc tại tỉnh ta. Cùng đi có các đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội; Đặng Ngọc Huy, Phó Trưởng Ban Công tác ĐBQH. Đón tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh tại Văn phòng Tỉnh uỷ.
Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN của tỉnh những tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017, các đồng chí Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thongsavanh Phomvihane, Đại sứ Đặc mệnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam và Đoàn công tác đã thăm quan, tìm hiểu, nghe giới thiệu về Khu di tích địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng nhân dân Lào tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Đại hội trù bị Đại hội II Đảng nhân dân Lào được tổ chức tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (phường Chăm Mát - TP Hòa Bình) trong vòng một tuần vào tháng 12/1971 đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối và thành công tốt đẹp. Đại hội là mốc son quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Lào tiến lên một bước mới, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Đại hội đã thống nhất đổi tên Đảng nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Sau đó Đại hội được chính thức tổ chức vào ngày 3/2/1972 tại tỉnh Hủa Phăn. Trong những năm qua, Khu di tích đã góp phần tuyền truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của hai nước về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở mỗi nước. Đồng thời vun đắp tình hữu nghị thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Ngày 25/12/2012, Bộ VHTT&DL đã quyết định xếp hạng khu di tích là Di tích cấp Quốc gia.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh giới thiệu mô hình tôn tạo, phục dựng Khu di tích.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ: được tham quan, tìm hiểu và nghe giới thiệu về Khu di tích địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng nhân dân Lào là hoạt động hướng về cội nguồn và có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962 - 05/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017). Đồng chí đánh giá cao tỉnh ta đã chủ động, sáng tạo trong vun đúc, chăm lo cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào, nhất là việc bảo tồn Khu di tích, địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng nhân dân Lào, một địa chỉ đỏ, là minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đề nghị các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ nơi có những sự kiện, những dấu ấn quan trọng giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội hai nước phải có sự kết nối để đón tiếp nhiều hơn nữa các đoàn của nước bạn Lào đến thăm quan, tìm hiểu nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cho thế hệ trẻ. Từ ý nghĩa quan trọng của Khu di tích sẽ báo cáo Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước để sớm triển khai việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích xứng tầm với ý nghĩa lịch sử và mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân nhân hai nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình luôn trân trọng và làm hết sức mình để bào tồn và phát huy giá trị của Khu di tích. Đồng thời báo cáo Ban Bí thư để việc tôn tạo, phục dựng Khu di tích được triển khai trong thời gian sớm nhất. Đề Nghị trung ương công nhận Khu di tích là di tích đặc biệt cấp Quốc gia.
Đức Phượng