(HBĐT) - Cách mạng Tháng Tám (CMTT) là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi của CMTT và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào mùa thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. CMTT mở rộng cửa để đất nước và dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH.
Hơn
bảy thập niên qua, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của CMTT, nhân dân
ta đã viết tiếp những trang sử anh hùng. Đã tiến hành và giành thắng lợi trong
hai cuộc kháng chiến cứu nước ròng rã 30 năm, đánh thắng hai đế quốc to, thực
hiện trọn vẹn độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Đã sáng tạo nên công cuộc đổi
mới toàn diện, tiến hành CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước
từng bước quá độ lên CNXH, vì "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”.
CMTT đưa lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài
học quý báu. Nổi lên hàng đầu là bài học vô giá về xây dựng Đảng (XDĐ).
Trước hết, cần thấy rõ ngay từ lúc mới thành lập,
năm 1930, cho đến 15 năm về sau, để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, Đảng ta đã
tự đặt cho mình nhiệm vụ xây dựng thành một Đảng kiểu mới của giai cấp công
nhân, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phấn đấu vì lý tưởng độc lập
dân tộc và CNXH. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và
của dân tộc Việt Nam,
Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân
dân, gắn bó mật thiết với quần chúng đông đảo. Chính vì vậy, chỉ có 5.000 đảng
viên mà Đảng đã động viên được toàn dân nổi dậy. Và cũng chính vì vậy, như Chủ
tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng,
chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”(1). Bác còn nói:
"Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai
cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần
này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa
thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính
quyền toàn quốc”(2).
Cách mạng Tháng Tám
đưa lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học quý.
Cũng cần thấy, 5.000 đảng viên so với 20 triệu
dân thời đó thì chỉ là một con số nhỏ, rất nhỏ. Nhưng phía sau những con người
bằng xương bằng thịt ấy là sức mạnh tinh thần to lớn của cả một đội ngũ chiến
đấu, vì lý tưởng cao cả mà sẵn sàng hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình
cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Trong 15 năm đấu tranh trước CMTT, chỉ
riêng trong cấp T.ư đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém hoặc đập chết
trong nhà tù, trong đó có bốn đồng chí Tổng Bí thư của Đảng - Trần Phú, Lê Hồng
Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Trong 31 ủy viên T.ư dự Đại hội III của Đảng,
trước ngày khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp kết án 222 năm tù đày. Đó là không kể
những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn tù…
Không
phải ngẫu nhiên mà từ ánh sáng rực rỡ của CMTT và trong khói lửa ngút ngàn của
hai cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân ta, dân tộc ta đã gửi trọn niềm tin vào
đội tiên phong của cách mạng, trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là "Đảng
ta”.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bước vào thời
kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và BVTQ, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua,
Đảng ta, cùng với xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, luôn coi
XDĐ là nhiệm vụ then chốt. Có nghĩa là Đảng ta đã đặt nhiệm vụ XDĐ lên vị trí
rất cao, có ý nghĩa quyết định, nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ này thì không
thể nào đẩy mạnh các nhiệm vụ khác, kể cả nhiệm vụ trung tâm. Với sự định vị
chuẩn xác ấy, Đảng đã không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo của mình, đưa sự
nghiệp đổi mới vững bước tiến lên, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử.
"Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng
đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Đó là một trong năm bài học
lớn mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung,
phát triển năm 2011) nêu lên. Cương lĩnh chỉ rõ: "Để đảm đương được vai trò
lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên
tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị,
phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo”.
Đại hội XII của Đảng đề ra sáu nhiệm vụ trọng
tâm trong nhiệm kỳ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: "Tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập
trung xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực,
phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”.
Cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm này, Hội nghị T.ư
4 khóa XII ra Nghị quyết với cùng chủ đề và tên gọi như trên.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá
đúng sự thật, nói rõ sự thật, Nghị quyết thừa nhận rằng bên cạnh những kết quả
đạt được, công tác XDĐ cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết đưa
ra một bản nhận diện đặc sắc, gồm 27 biểu hiện của suy thoái và "tự diễn biến”,
"tự chuyển hóa”. Và nghiêm khắc cảnh báo: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn,
thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết
với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp của Đảng và
nhân dân”.
Hơn một năm rưỡi qua, việc triển khai thực hiện
Nghị quyết Đại hội XII, đặc biệt là Nghị quyết T.ư 4 đã được tiến hành bài bản.
Với quan điểm chỉ đạo "Kết hợp giữa "xây” và "chống”, "xây” là nhiệm vụ cơ bản,
chiến lược, lâu dài, "chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, các cấp ủy, tổ
chức đảng đã bước đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện bốn nhóm nhiệm
vụ, giải pháp đề ra; trước hết là những nhiệm vụ, giải pháp về chính trị tư
tưởng, tự phê bình và phê bình và về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đã phát
hiện và đưa ra ánh sáng nhiều vụ bê bối, nhất là những vụ bê bối về tham nhũng,
lãng phí, tiêu cực điển hình làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và nhân
dân. Đã xử lý bằng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước một số vụ án nghiêm trọng
và những người đứng đầu các cấp có trách nhiệm liên quan, cả cán bộ cao cấp ở
T.ư. Những kết quả tích cực đạt được tuy mới là bước đầu, nhưng được dư luận
rộng rãi hoan nghênh, tin tưởng ở quyết tâm của T.ư, mong muốn công cuộc phòng,
chống tham nhũng sẽ được tiến hành quyết liệt hơn, không chịu bất cứ trở ngại,
sức ép nào.
Cũng cần ghi nhận sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc
đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết T.ư 4 với phong trào "Học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sự gắn kết đó càng
làm nổi bật hơn yêu cầu XDĐ trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ
chức và đạo đức…
Trích theo Nhân dân cuối tuần
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, tập 21, trang 30.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 1993, tập 6, trang 159.