Trong lúc tôi đang loay hoay tìm chỗ bắt đầu phải làm thì ông Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã Đinh Công Thiết cho người gọi tôi đến nhà bảo: "ông thấy cháu có nét chữ đẹp nên có ý định cho cháu vào làm việc ở Ban Thông tin xã, có đồng ý không?”. Tôi trả lời "Dạ, cụ dạy bảo con thế nào con cũng xin theo ạ”.
Thế là ngày hôm sau, tôi đến Ban Thông tin xã nhận việc. ông Bạch Công Nghinh, Trưởng Ban Thông tin xã giao cho tôi làm thư ký - phụ trách văn thư, quản lý hồ sơ tài liệu, kẻ vẽ biển, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cách mạng, tham gia ban văn nghệ xã, đó là những việc phù hợp với sở trường của tôi. Khoảng 1 năm sau đó, ông Bùi Văn Tứ, Chủ nhiệm xã bộ Việt Minh đến gặp tôi ngỏ ý đề nghị tôi kiêm thêm việc dạy học ở Xóm Rộc, tôi không ngần ngại mà đồng ý ngay khi thấy cấp lãnh đạo xã tin tưởng giao việc cho mình.
ít lâu sau, bên bờ trái Bai Ngà mọc lên một ngôi trường đơn sơ bằng tranh, tre, nứa lá, có tiếng trống gọi học trò vào lớp học với thầy giáo trẻ đứng trên bục giảng. Các học trò của tôi bây giờ đã thành ông bà cả rồi. Tôi say sưa tập làm cán bộ phục vụ nhân dân được khoảng 4 năm không có phụ cấp nhưng vẫn vui lòng làm tốt nhiệm vụ. Ngày ấy không thấy ai giác ngộ tôi về Đảng. Nhiều người chưa biết có Đảng - Chi bộ Đảng ở Nật Sơn đã ra đời và lãnh đạo cách mạng ở địa phương nhưng tôi linh cảm về một tổ chức bí mật này mà chưa biết cụ thể là ai, có vai trò gì? Tôi thấy nhiều người nể trọng các ông: Nguyễn Thái Đào, Nguyễn Văn Linh và Bùi Văn Tứ coi các ông ấy như linh hồn cách mạng ở Nật Sơn. Cái gì khó khăn bức xúc về đời sống và tinh thần đều đến hỏi ý kiến chỉ đạo của ba ông này tại xã Bộ Việt Minh. Tôi được ông Tứ, ông Thiết, ông Nghinh tin tưởng giao việc gì cũng làm đến nơi, đến chốn. Kết quả bước đầu tập làm cán bộ, mẹ tôi phấn khởi và động viên thêm, tôi không bao giờ quên sự dìu dắt của các bậc tiền bối ở địa phương giúp tôi trưởng thành trong phong trào cách mạng ở Nật Sơn.
Một buổi sáng khi đang đứng lớp, ông Tú gọi tôi đến nhà riêng thông báo là lãnh đạo xã đã thống nhất cho tôi nghỉ dạy học và công tác ở xã để thoát ly công tác ở tỉnh. Tôi tạm biệt học sinh thân yêu lên đường theo ông Chu Xuân Lương - cán bộ tín dụng sản xuất tỉnh, khi ông này về xã tuyển dụng cán bộ vào đầu năm 1950 lúc tôi bước vào tuổi 18.
Trong suốt chiều dài lịch sử 44 năm làm công chức, viên chức Nhà nước, tôi luôn tâm niệm không bao giờ đánh mất lòng tin và để mọi người thất vọng khi giao nhiệm vụ cho mình dù lớn hay nhỏ bởi vì tôi đã trải qua bốn lĩnh vực công tác là: Ngân hàng, GD&ĐT, xây dựng Đảng, Quản lý Nhà nước. Tôi đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ người quản lý: Giám đốc Ngân hàng các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn; Giám đốc trường 19/5 của tỉnh; Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Sơn Bình, Giám đốc ngành giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Hà Sơn Bình, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi, tỉnh Hà Sơn Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình và dừng chân tại đây khi đến tuổi nghỉ chế độ hưu trí.
Bùi Kim Thanh
(Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình)