Với chủ đề "Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc”, Đại hội đồng IPU-137 có sự tham dự của 160 đoàn với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 80 lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước thành viên IPU. Phát biểu ý kiến khai mạc Đại hội đồng IPU-137, Tổng thống Nga V.Pu-tin bày tỏ vinh dự khi IPU - tổ chức hợp tác nghị viện quốc tế lâu đời nhất thế giới - tổ chức Đại hội đồng IPU-137 tại LB Nga, với chương trình nghị sự dày đặc, thảo luận các vấn đề thời sự như: bảo vệ quyền và tự do con người, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, phát triển bền vững toàn cầu,… Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới X.Chao-đu-ri đề nghị các nghị sĩ nỗ lực tìm giải pháp cho những vấn đề cấp bách hiện nay; thảo luận các chương trình nghị sự mới, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc…
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc Đại hội đồng IPU-137.
* Chiều 15-10, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng IPU-137. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU-137, thể hiện sự tiếp nối tinh thần của tuyên bố Kê-bếch về công dân, bản sắc và sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trong thế giới được IPU thông qua năm 2012, phù hợp tinh thần Bản Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO năm 2001.
Chủ tịch QH cho biết, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, các dân tộc, các tôn giáo chung sống hòa thuận vừa cùng nhau phát triển, xây dựng nền văn hóa chung của dân tộc, vừa gìn giữ, phát huy bản sắc riêng về văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân tộc mình. 54 dân tộc Việt Nam đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực to lớn để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước phát triển bền vững. Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp. Nhà nước Việt Nam luôn dành những chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển bình đẳng và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại với các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trên thế giới và đã có nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam.
Để thúc đẩy đa dạng, văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo và dân tộc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Liên minh Nghị viện thế giới khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc, các tôn giáo trước pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ vững chắc, phát huy văn hóa dân tộc, tự do tôn giáo; tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi thành phần xã hội từ các tôn giáo, dân tộc, các nền văn hóa khác nhau; đề nghị IPU tăng cường hợp tác với các cơ chế của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên nhằm thúc đẩy sáng kiến, hành động của các nhà lập pháp vì hòa bình, hợp tác và đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Hội đồng LB Nga V.I.Mát-vi-en-cô. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng chứng kiến quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga đang phát triển tốt đẹp; khẳng định Việt Nam luôn luôn ủng hộ, sẵn sàng tham gia các hoạt động do LB Nga tổ chức, đồng thời mong muốn LB Nga tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong Năm APEC 2017. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hai cơ quan lập pháp hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác; trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, các ủy ban chuyên môn; cùng trao đổi kinh nghiệm hoạt động lập pháp và phối hợp giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác mà hai nước đã ký, ủng hộ Chính phủ và địa phương hai nước tăng cường hợp tác.
Nhất trí với nhận xét của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân về mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, Chủ tịch Hội đồng LB Nga đánh giá, Việt Nam đã tham gia tích cực vào Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu năm 2015 và hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào diễn đàn tiếp theo vào tháng 9-2018.
* Trưa 15-10, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Trường Bình. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng về những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã đạt được, chúc Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp và bày tỏ tin tưởng, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đề ra. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất, hai bên tiếp tục phối hợp chuẩn bị tốt các hoạt động thăm và tiếp xúc cấp cao từ nay đến cuối năm; khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào tháng 11 tới. Nhân dịp này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng mời lãnh đạo Nhân đại Trung Quốc tham dự diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào tháng 1-2018. Theo Chủ tịch QH, việc QH hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội, trong phát triển quan hệ Việt - Trung, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Trường Bình cho rằng, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị, tiến tới hợp tác cùng có lợi, giải quyết tốt những bất đồng để đạt được sự phát triển chung. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Về quan hệ giữa hai QH, Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc đánh giá, thời gian qua, hai bên đã duy trì cơ chế trao đổi, tiếp xúc, đặc biệt là ở cấp cao, góp phần thực hiện quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Chủ tịch QH Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới. Nhấn mạnh trên cơ sở của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước, Chủ tịch QH Hàn Quốc mong muốn hai nước tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu; đồng thời trân trọng mời Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất.