PV: Xin đồng chí giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của ngành Kiểm tra Đảng?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các nghị quyết, chỉ thị được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Xác định công tác kiểm tra gắn với sự lãnh đạo của Đảng, có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, công tác kiểm tra của Đảng được T.ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo. Cuối năm 1948, Hội nghị BCH T.ư Đảng (mở rộng) họp từ ngày 15 - 17/10/1948, Ban Kiểm tra T.ư đầu tiên của Đảng được thành lập theo Quyết nghị số 29, ngày 16/10/1948 của Ban Thường vụ T.ư Đảng (khóa I) do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh ký - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Từ đó đến nay, ngày 16/10 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng.
Đồng chí Hoàng Văn Đức, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy làm việc với BTV Huyện ủy Yên Thủy về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Trải qua 69 năm hoạt động và rèn luyện, ngành Kiểm tra Đảng từng bước phát triển, ngày càng được kiện toàn và lớn mạnh không ngừng. Công tác kiểm tra Đảng qua các thời kỳ đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Công tác kiểm tra Đảng có bước phát triển toàn diện, cùng với các ban xây dựng Đảng góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đó là: Đấu tranh nhằm khắc phục, ngăn chặn tình hình tiêu cực trong Đảng, bộ máy Nhà nước, bảo vệ đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng, củng cố tổ chức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp đã thể hiện sự vững vàng, kiên định về chính trị, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Điều đáng tự hào là trong mọi thời kỳ của cách mạng, dù trong chiến tranh, trong hòa bình xây dựng đất nước hay những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ cán bộ kiểm tra vẫn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, trong sạch, lành mạnh, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua đó khẳng định "Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật” là truyền thống tốt đẹp của cơ quan kiểm tra của Đảng và cán bộ kiểm tra các cấp.
PV: Xin đồng chí đánh giá những kết quả nổi bật của UBKT các cấp trong tỉnh đạt được từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Có thể nói, bước sang nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác KT,GS của Đảng và đạt được những kết quả nổi bật. Đặc biệt, năm 2016, UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh uỷ ban hành Đề án và Nghị quyết về "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KT,GS của Đảng bộ tỉnh”, đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và Đề án nghiêm túc đến toàn thể CB,ĐV trong Đảng bộ tỉnh. Từ đó tạo bước chuyển biến lớn trong nhận thức của CB,ĐV và nhân dân về công tác kiểm tra Đảng.
Trong tổ chức thực hiện, UBKT các cấp đã tham mưu, giúp cấp ủy tổ chức các cuộc KT,GS, trong đó đồng chí ủy viên BTV cấp ủy là trưởng đoàn, thông qua các cuộc KT,GS giúp cấp ủy các cấp phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến về CCHC, xây dựng NTM... có cơ sở để chỉ đạo điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, quy định cho phù hợp với chính sách, pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số tổ chức, đơn vị, giúp các tổ chức Đảng và đảng viên phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong thực hiện nhiệm vụ KT,GS theo quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tổ chức thực hiện toàn diện và có bước đột phá quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm là kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng, lãng phí như: Công tác quản lý tài chính; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; dự án đầu tư công; đấu thầu, đấu giá dự án, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ…
Tính đến hết tháng 9/2017, UBKT các cấp đã kiểm tra được 330 đảng viên và 145 tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra kết luận, có 219 đảng viên (chiếm 55% đảng viên được kiểm tra) và 71 tổ chức Đảng (chiếm 49% tổ chức đảng được kiểm tra) có vi phạm, trong đó phải thi hành kỷ luật 102 đảng viên và 1 tổ chức Đảng. Bên cạnh đó, số lượng, chất lượng các cuộc KT,GS chuyên đề được nâng lên; công tác giám sát thường xuyên, nắm tình hình các địa bàn, lĩnh vực sâu sát hơn; giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng, phản ánh của đảng viên, công dân, của các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến về KT,GS, kỷ luật Đảng được đẩy mạnh, thông báo kịp thời kết luận của UBKT Tỉnh uỷ sau các kỳ họp để CB,ĐV và nhân dân nắm rõ. Việc thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác KT,GS theo Điều 32 - Điều lệ Đảng đã góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh TS-VM; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu của một bộ phận CB,ĐV.
PV: Xin đồng chí cho biết những định hướng chính trong công tác KT,GS của Đảng bộ tỉnh ta thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Để góp phần hoàn thành mục tiêu về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị mà Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.ư 4 (khóa XI, XII), nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh TS-VM, đòi hỏi công tác KT,GS của Đảng bộ cần thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, quyết liệt hơn, cụ thể:
Một là, KT,GS là chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 09-NQ/TU và Đề án số 387-ĐA/TU ngày 28/12/2016 của Tỉnh ủy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên trong Đảng bộ tỉnh về công tác KT,GS, kỷ luật Đảng; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý, giáo dục, rèn luyện CB,ĐV để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra.
Hai là, công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát phải được mở rộng; kịp thời động viên nhân tố tích cực để nhân rộng; phát hiện những sơ hở, vướng mắc, bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong tổ chức thực hiện để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đặc biệt những thiếu sót, khuyết điểm vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên được KT,GS cần xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để giúp tổ chức Đảng và đảng viên khắc phục, sửa chữa hiệu quả. Thông qua công tác KT,GS phát hiện những sai phạm đến mức phải xử lý thì phải kiên quyết xử lý nghiêm minh để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Sau khi xử lý kỷ luật cần thông báo rộng rãi, làm bài học cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm.
Ba là, thực tiễn hiện nay cho thấy, bệnh thành tích, sợ khuyết điểm vẫn còn phổ biến, công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân loại CB,ĐV trong một số cấp ủy và tổ chức Đảng chưa thật sự thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất. Vì vậy, công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh phải góp phần mạnh mẽ trong đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng bộ TS-VM.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.