Đồng chí Võ Văn Thưởng
(Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ)
Cách đây 170 năm, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo, được xuất bản lần đầu tại Anh. Đây là tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói riêng, đối với sự phát triển của thế giới, sự tiến bộ của nhân loại nói chung; là "tác phẩm phổ biến hơn cả, có tính chất quốc tế hơn cả, trong tất cả các văn phẩm xã hội chủ nghĩa, đó là cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân tất cả các nước…” (1).
Sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bước ngoặt quyết định đối với sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác. Đó là kết quả của sự kết hợp giữa thành quả nghiên cứu khoa học với việc tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân châu Âu giữa thế kỷ XIX của hai nhà tư tưởng vĩ đại C.Mác và Ph.Ăng-ghen.
Sau khi được công bố, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với tư cách là Cương lĩnh của Liên đoàn những người cộng sản quốc tế, đã nhanh chóng đi vào quần chúng và trở thành một văn kiện mang tính lý luận, định hướng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một trong những tác phẩm kinh điển quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung.
Thời gian đã lùi rất xa, song giá trị to lớn và sức sống lâu bền của Tuyên ngôn vẫn ngời sáng, bởi nội dung mang tính khoa học, cách mạng và nhân văn sâu sắc.
Trong Tuyên ngôn, với thế giới quan duy vật và sử dụng phương pháp biện chứng để nghiên cứu lịch sử nhân loại, C.Mác và Ph.Ăng-nghen đã luận giải hết sức cô đọng, khoa học và thuyết phục về quy luật khách quan của sự phát triển xã hội loài người; về quá trình phát sinh, phát triển và sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản; về mục đích của Đảng Cộng sản, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản với giai cấp vô sản cũng như chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản trong quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa để tiến tới một xã hội không còn giai cấp, không còn nhà nước - một liên hiệp của người lao động mà ở đó "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (2).
Đúng như V.I.Lê-nin đã đánh giá, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm "trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội, - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản'' (3).
Khi đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản chúng ta tìm thấy ở đó những nguyên lý cơ bản nhất của cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Điều đặc biệt là, những nguyên lý ấy, như V.I.Lê-nin đã đánh giá, "tuyệt nhiên không dựa trên những ý niệm, những nguyên lý do một nhà cải cách thế giới nào phát minh ra. Những nguyên lý ấy chỉ là biểu hiện khái quát của những quan hệ thực tại của cuộc đấu tranh giai cấp hiện có” (4).
Phản ánh đúng quy luật phát triển của hiện thực, định hướng cho Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đấu tranh theo quy luật đó để giải phóng con người, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trở thành ngọn cờ tư tưởng, lý luận, soi đường, dẫn lối cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên phạm vi toàn thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Dưới ánh sáng của Tuyên ngôn, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 80 của thế kỷ XX, các cuộc cách mạng vô sản dù phải trải qua nhiều cam go, nhưng đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Đó là Công xã Pari năm 1871 - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, đã dẫn tới sự ra đời chính quyền của giai cấp công nhân và đã để lại những bài học kinh nghiệm vô giá cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 - cuộc cách mạng đã mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô; là thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ-Latinh và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ra đời; là sự phát triển không ngừng của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ và hòa bình trên thế giới.
Những thắng lợi to lớn của các cuộc cách mạng vô sản, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chứng tỏ rằng, thế giới đã có những biến chuyển hết sức to lớn theo hướng mà Tuyên ngôn đã dự báo. Tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trở thành hiện thực sinh động trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng loài người. Tư tưởng của Tuyên ngôn, tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã vạch ra con đường cách mạng vô sản, đưa hàng tỷ quần chúng lao động, hàng trăm quốc gia, dân tộc thoát khỏi thân phận bị áp bức, bóc lột, nô dịch vươn tới địa vị làm chủ, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã khẳng định được giá trị to lớn đối với sự phát triển của thế giới, sự tiến bộ của nhân loại.
Song, cũng như C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã khẳng định, phát triển không diễn ra theo đường thẳng mà là một quá trình quanh co, phức tạp. Sự phát triển của cách mạng vô sản cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Sau nhiều thắng lợi to lớn và thành tựu vĩ đại, từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Đây là một tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới.
Sự sụp đổ này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do Đảng Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu khi xác lập mô hình chủ nghĩa xã hội cũng như khi cải tổ, cải cách đã xa rời những nguyên lý cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn nói riêng, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung. Đó là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, xơ cứng, chậm thay đổi trước những biến chuyển to lớn của thời cuộc.
Sự sụp đổ này không dẫn đến "cái chết của chủ nghĩa cộng sản” như ảo tưởng của các lý thuyết gia tư sản, mà các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, trong đó có Việt Nam, đã rút ra được những bài học sâu sắc trong việc nhận thức những tư tưởng, những nguyên lý cơ bản, chủ đạo của Tuyên ngôn nói riêng, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung để vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đất nước, của dân tộc mình và xu thế thời đại như C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã căn dặn: "bất kỳ ở đâu và bất cứ lúc nào việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời” (5).
Những thành tựu to lớn trong công cuộc cải cách, đổi mới ở Trung Quốc, Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây và sự vững vàng của Cuba trước sự bao vây cấm vận của Mỹ cùng với sự xuất hiện các trào lưu xã hội chủ nghĩa mới ở các châu lục và ở ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa đã minh chứng giá trị lý luận, thực tiễn và sức sống bền vững của Tuyên ngôn, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Thời đại ngày nay - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, đang đổi thay với nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Trên thế giới, mặc dù chủ nghĩa xã hội vẫn còn trong giai đoạn thoái trào; chủ nghĩa tư bản còn nhiều tiềm năng, nhưng lý tưởng cao đẹp, xã hội tương lai mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xác định vẫn luôn là khát vọng của nhân loại; quy luật phát triển của xã hội mà Tuyên ngôn đã chỉ ra vẫn là hướng đi của lịch sử, theo đó, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, của công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên phạm vi toàn thế giới còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng khi "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại” thì "Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau" (6).
Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Các nhà khoa học và các đồng chí!
Đối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Từ bản "Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin năm 1920 - bản Luận cương phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong điều kiện lịch sử mới, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam và đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.
88 năm qua, được soi sáng bởi tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, của chủ nghĩa Mác –Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực của đất nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Mục đích cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn: đó là giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách áp bức bóc lột, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hơn 30 năm qua đã khẳng định con đường cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam lựa chọn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời cũng khẳng định và thể hiện Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, trung thành, không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước và xu thế thời đại.
Ngày nay, Việt Nam đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Song dưới ánh sáng của Tuyên ngôn, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với tinh thần kiên định - sáng tạo, với truyền thống, phẩm chất và năng lực của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam tin tưởng rằng, cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giành thắng lợi to lớn hơn; công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi.
Kỷ niệm 170 năm ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là dịp chúng ta thêm một lần nữa nhìn nhận sâu sắc giá trị đích thực và sức sống bền vững của những tư tưởng cơ bản trong Tuyên ngôn; đồng thời chỉ ra những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện và phát triển những tư tưởng cơ bản đó cho phù hợp với thời đại ngày nay, phù hợp với thành tựu của cách mạng thế giới, thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là dịp chúng ta nhận diện, đấu tranh, phản bác các trào lưu tư tưởng muốn phủ định giá trị, sức sống bền vững và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn, góp phần đấu tranh, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.
(1). C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, Tập 22, tr.98.
(2). C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Tập 4, tr.628.
(3). V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, Tập 26, tr.57.
(4). C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, Tập 4, tr.615.
(5). C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, Tập 18, tr.128.
(6). C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, Tập 4, tr.613.