Theo tiêu chuẩn được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, tỉnh ta có 2 ĐVHCCX đạt tiêu chuẩn là thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) và xã Đú Sáng (Kim Bôi); 47 đơn vị đạt tiêu chuẩn về dân số, 11 đơn vị đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Có 31 đơn vị chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên; 56 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về dân số; 128 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; 6 đơn vị (ngoài các đơn vị đã tính chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn) chưa đạt 30% tiêu chuẩn về quy mô dân số; 18 đơn vị (ngoài các đơn vị đã tính chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn) chưa đạt 20% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức (CB, CC) toàn tỉnh giao 4.555 chỉ tiêu (trong đó cán bộ chuyên trách cấp xã 2.107 chỉ tiêu; công chức cấp xã 2.448 chỉ tiêu); số người hoạt động không chuyên trách cấp xã giao 3.056 chỉ tiêu. Trung bình 1 xã ngân sách phải chi trả tiền lương, các khoản phụ cấp khoảng 111,14 hệ số lương cơ bản cho CB, CC, người không chuyên trách ở cấp xã. Tính bình quân chung toàn tỉnh, cứ 185 người dân có 1 người là CB, CC cấp xã, cao gần 2 lần so với bình quân của cả nước (bình quân cả nước là 357 người dân thì có 1 người là CB, CC cấp xã).
Theo đánh giá của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, tổ chức ĐVHCCX hiện nay hoạt động ổn định, cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước; đảm bảo việc chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH, QP-AN,... trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, quy mô tổ chức ĐVHCCX trong tỉnh không đồng đều, nhiều đơn vị quá nhỏ so với tiêu chuẩn ĐVHC hiện hành; thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và so với cả nước. Tỷ lệ CB, CC cấp xã lớn, không tương xứng so với quy mô dân số và yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và chi thường xuyên từ NSNN cho hoạt động hành chính cấp xã quá cao so với thu ngân sách của địa phương. Công tác quy hoạch, huy động tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển KT-XH và các thiết chế văn hoá, tổ chức sản xuất, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng nhỏ hẹp về địa giới hành chính, đội ngũ CB, CC cấp xã đông, chi thường xuyên cho hoạt động hành chính cấp xã quá cao, ngày 27/2/2018, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã thay mặt BTV Tỉnh ủy ký ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHCCX, tỉnh Hòa Bình với quan điểm chỉ đạo: Đảm bảo nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC quy định tại Điều 128, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015. Nghiêm túc thực hiện chủ trương Hội nghị lần thứ sáu, BCH T.ư Đảng khóa XII tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân... Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải đảm bảo ổn định ANCT - TTATXH; không làm gián đoạn và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị, quản lý Nhà nước; thực hiện triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác ở địa phương. Không gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn. Sắp xếp điều chỉnh hợp lý về địa giới hành chính và tiêu chuẩn quy mô dân số, diện tích tự nhiên đối với các ĐVHCCX chưa đáp ứng 50% tiêu chuẩn theo quy định...
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU nhằm giảm số lượng các ĐVHC; tăng quy mô về dân số, diện tích tự nhiên của ĐVHCCX chưa đạt trên 50% tiêu chuẩn theo quy định; nâng cao tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh. Tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế, giảm chi phí hành chính gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CB, CC, VC ở cơ sở. Tạo điều kiện tập trung huy động nguồn lực, đóng góp của xã hội, cộng đồng dân cư; tạo lợi thế, thuận lợi trong quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH và các hình thức tổ chức sản xuất khác ở địa phương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
BTV đề ra mục tiêu cụ thể: Nhập ĐVHCCX chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định cả về quy mô dân số và diện tích tự nhiên; nhập ĐVHCCX chưa đạt 30% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số và đạt từ 50% trở lên tiêu chuẩn theo quy định về quy mô diện tích tự nhiên; nhập ĐVHCCX chưa đạt 20% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô diện tích tự nhiên và đạt từ 50% trở lên tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, với ĐVHCCX có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, địa hình không bị chia cắt phức tạp ảnh hưởng đến giao thông đi lại để thành lập ĐVHCCX mới.
Nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHCCX, khu vực có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, có điều kiện thuận lợi quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai vào ĐVHC đô thị hiện có để thành lập ĐVHC đô thị mới có quy mô lớn hơn, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị của tỉnh.
Nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHCCX, khu vực có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, có điều kiện thuận lợi để hình thành các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của khu vực để hình thành ĐVHC có quy mô lớn hơn nhằm tạo lợi thế, thuận lợi trong quy hoạch, phát triển hạ tầng KT-XH,... ở địa phương.
Để thực hiện chất lượng, hiệu quả mục tiêu đề ra, BTV Tỉnh ủy yêu cầu: Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về chủ trương, mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng, lợi ích về việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHCCX thuộc tỉnh.
Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; UB MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nghiên cứu, xây dựng, đề xuất giải pháp, hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận cao của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân nghiêm túc thực hiện chủ trương, thống nhất phương án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHCCX trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, xây dựng phương án, tổ chức thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHCCX đảm bảo hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt tiến hành cẩn trọng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Sắp xếp, kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị ở cấp xã theo quy định của pháp luật, điều lệ và các quy định khác liên quan sau khi quyết định có hiệu lực của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy yêu cầu cần chú trọng rà soát trình độ, năng lực của CB, CC, VC để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, cơ cấu lại đội ngũ trên địa bàn đảm bảo đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị. Có phương án thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế đối với những CB,CC, VC dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự; cơ cấu lại CB, CC,VC theo quy định.
Có phương án phân bổ, sử dụng NSNN, quản lý tài sản công,... trên địa bàn cấp xã thực hiện nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHC trong thời gian nhất định để đầu tư, phát triển hạ tầng KT-XH ở mỗi địa phương.
Thu Hiền