Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà
nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa
Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày
19-20/4/2018. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam- Myanmar
có nhiều tiến triển tích cực, sự tin cậy về chính trị và hợp tác song phương
ngày càng được tăng cường trong khuôn khổ quan hệ "Đối tác hợp tác toàn diện Việt
Nam- Myanmar”. Vì vậy, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp mối quan hệ Việt
Nam - Myanmar ngày càng gần gũi và đi vào thực chất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp riêng Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng
Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi nhân chuyến thăm cấp Nhà nước CHLB
Myanmar tháng 8/2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
|
Việt Nam và Myanmar chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào
ngày 28/5/1975, song mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Myanmar đã có từ rất
sớm. Vào năm 1947, khi còn phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
Việt Nam đã đặt cơ quan thông tin tại Yangon, sau đó được nâng cấp lên thành Cơ
quan đại diện Chính phủ vào năm 1948. Năm 1954, Thủ tướng U Nu sang thăm Việt
Nam. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar. Mặc dù còn nhiều khó khăn
nhưng chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở Myanmar luôn tích cực ủng hộ nhân dân
Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng,
bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trên nền tảng đó, quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã
được thúc đẩy mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Các chuyến thăm cấp cao thường xuyên
được tổ chức đã củng cố sự tin cậy về chính trị giữa Việt Nam và Myanmar. Đặc
biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới
Myanmar vào tháng 8 năm 2017, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên "Đối tác hợp tác
toàn diện”. Đây là dấu mốc hết sức quan trọng, xác lập khuôn khổ mới, tầm
cao mới cho quan hệ Việt Nam- Myanmar, đồng thời mở ra cánh cửa cho những hợp
tác thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Về những yếu tố tạo
nên sự gắn kết trong quan hệ Việt Nam- Myanmar, ông Trần Việt Thái, Phó Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao cho rằng, bên cạnh sự tin cậy
chính trị và những cơ chế hợp tác mà hai nước đã xây dựng được, lợi ích song
trùng chính là nhân tố quan trọng nhất gắn kết hai quốc gia.
Bà Aung San Suu Kyi thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày
19-20/4/2018. (Ảnh: EPA)
|
"Hiện nay, trong quan hệ Việt Nam – Myanmar, Myanmar có rất nhiều
lợi ích và họ nhìn thấy ở Việt Nam rất nhiều bài học kinh nghiệm mà họ có thể
tham khảo được trong quá trình phát triển. Ngược lại, Việt Nam nhìn thấy ở
Myanmar một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp của Việt
Nam đã sang Myanmar làm ăn kinh doanh và đã khá thành công trong giai đoạn vừa
qua. Mối quan hệ này có thể bổ sung tương hỗ cho nhau và lợi ích của hai bên
đang song trùng. Lợi ích là nhân tố lớn nhất thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-
Myanmar đi vào chiều sâu và thực chất”, ông Trần Việt Thái nhận định.
Có thể nói, lĩnh vực đầu tư và thương mại là một điểm nhấn đậm nét
trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar. Việt Nam đã vươn lên trở thành
nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 70 dự án và tổng vốn đăng ký đạt
gần 2 tỷ USD. Một số dự án lớn phải kể đến như Trung tâm phức hợp Hoàng
Anh Gia Lai, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thăm dò dầu
khí, cung cấp mạng viễn thông của Tập đoàn Viễn thông Quân đội... Đây được xem
là tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác
song phương Việt Nam - Myanmar trong những năm tới. Bên cạnh đó, kim ngạch
thương mại hai chiều cũng tăng đều qua các năm và đạt hơn 828 triệu USD vào năm
ngoái, tăng 51% so với năm 2016. Hiện nay, hai bên đang đẩy mạnh ưu tiên hợp
tác trong 12 lĩnh vực gồm: Nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài
chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản
xuất thiết bị điện, sản xuất, lắp rắp ô tô, xây dựng và đầu tư - thương mại.
Cộng đồng người Việt tại Myanmar tưng bừng đón Xuân Mậu Tuất
2018.
|
Không chỉ tập trung vào hợp tác kinh tế, quan hệ an ninh - quốc
phòng giữa Việt Nam và Myanmar cũng ngày càng gắn bó. Trên cơ sở thỏa thuận về
hợp tác quốc phòng ký năm 2011, quân đội hai nước triển khai nhiều nội dung hợp
tác như: trao đổi đoàn các cấp, giao lưu sĩ quan trẻ, thúc đẩy quản lý biên giới,
di cư bất hợp pháp, chống buôn lậu… Thời gian qua, Việt Nam - Myanmar thường
xuyên phối hợp, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, tiểu vùng như:
Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến
lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Tiểu vùng
Mekong mở rộng (GMS)...
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến
phức tạp, ông Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện
Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, là hai thành viên tích cực của Cộng
đồng ASEAN, Việt Nam và Myanmar cần phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng giải quyết
các thách thức chung, hướng tới hòa bình, thịnh vượng.
"Về chính trị, hai nước cần ủng hộ, tôn trọng, duy trì các nguyên
tắc của LHQ, Hiến chương của ASEAN và luật pháp quốc tế; phát huy nỗ lực chung
để duy trì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển để giải quyết những thách thức
về chính trị, an ninh cả truyền thống và phi truyền thống. Về kinh tế, hai nước
cũng cần thực hiện tốt việc xây dựng các trụ cột của Cộng đồng ASEAN, đồng thời
chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể mà mình có ưu thế, để qua đó phối hợp
chặt chẽ hơn trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Tiểu vùng Mekong…”, Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Võ Xuân Vinh
khẳng định.
Cùng với những chuyển biến tích cực ở Myanmar thời gian qua và nền
tảng vững chắc của mối quan hệ hợp tác song phương, chuyến thăm chính thức Việt
Nam lần này của Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi được kỳ
vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-
Myanmar phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng của hai bên. Cái bắt tay
chặt hơn vào thời điểm này sẽ giúp Việt Nam và Myanmar tiến nhanh hơn trên con
đường phát triển vì hòa bình, thịnh vượng và thực sự gắn bó trong ngôi nhà
chung ASEAN, cùng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới./.
TheoVOV.VN