Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh làm việc tại xã Xuân Phong (Cao Phong) về tình hình sáp nhập thôn, xóm theo Quyết định số 1084 của UBND tỉnh.
Theo đó, từ 12 xóm, xã Xuân Phong hiện còn 10 xóm và từ 14 xóm, xã Thu Phong giảm còn 12 xóm. Sau sáp nhập, tổ chức bộ máy các xóm mới đã kịp thời được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động có nề nếp, sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng dân cư được phát huy, an ninh nông thôn, TTATXH ổn định và giữ vững. Từ kết quả đó, Huyện ủy, UBND, BCĐ huyện Cao Phong và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn đã rút ra được bài học kinh nghiệm quý để thời gian tới tiếp tục sáp nhập, kiện toàn 62 xóm, khu dân cư (KDC) đủ điều kiện thành 31 xóm, KDC.
Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Phạm Văn Long cho biết: Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên và các tiêu chí theo quy định của Nhà nước về dân số, số hộ và diện tích đất ở tại cơ sở, UBND huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê số hộ, số nhân khẩu trong các xóm, KDC trên địa bàn. Căn cứ kết quả rà soát đã thống nhất lựa chọn 2 xã Xuân Phong, Thu Phong thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm thuộc các xã của huyện”. Bằng sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm chính trị cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân 2 xã, việc sáp nhập các xóm được thực hiện cơ bản theo đúng Đề án và kế hoạch đã đề ra. Theo đó, 3 xóm Rú 1, Rú 2, Rú 3 xã Xuân Phong sáp nhập thành xóm Rú Giữa. Đối với xã Thu Phong, sáp nhập 2 xóm Vỏ 1, Vỏ 2 thành xóm Vỏ; xóm Bưng 1, Bưng 2 thành xóm Bưng 1.
Theo Bí thư Huyện ủy Cao Phong Võ Ngọc Kiên, thông qua việc thực hiện thí điểm sáp nhập xóm tại 2 xã Thu Phong, Xuân Phong, huyện Cao Phong rút ra được một số bài học kinh nghiệm đó là: Việc rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực hiện sáp nhập, kiện toàn xóm, KDC phải đảm bảo theo trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và phải kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện phải phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, thể hiện rõ quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Nghiêm túc, nhất quán trong nhận thức và hành động của mỗi CB,ĐV về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc sáp nhập, kiện toàn xóm, KDC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở để phổ biến sâu rộng đến CB,ĐV và nhân dân thấy rõ được những lợi ích của sáp nhập xóm, KDC là để góp phần phát triển KT-XH; tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Kịp thời kiện toàn, phát huy trách nhiệm của các thành viên BCĐ, lấy kết quả công tác sáp nhập xóm, KDC làm tiêu chí để đánh giá, bình xét và phân loại tổ chức đảng, đảng viên trong năm.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập xóm cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập. Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Phong Bùi Quang Đạo cho biết: Sau khi sáp nhập, quy mô tổ chức Đảng và dân số tăng nhưng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước đây là không hợp lý. Các cấp có thẩm quyền nên phân loại xóm theo quy mô dân số để áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp. Bên cạnh đó, quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy rất cần có cơ chế để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất của các xóm trước khi sáp nhập. Với những xóm xa trung tâm xã nên cho đấu giá đất và nhà văn hóa cũ để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới đáp ứng quy mô dân số sau sáp nhập. Trước đây, việc cấp kinh phí cho hoạt động văn hóa mỗi xóm 2 triệu đồng/ năm, vì quy định cũ tính theo đầu xóm. Sau sáp nhập, dân số tăng gấp 2-3 lần nhưng vẫn giữ nguyên mức này là không phù hợp, rất khó khăn cho việc tổ chức và duy trì phong trào ở cơ sở. Đồng thời, cần phải linh hoạt, uyển chuyển trong việc bố trí các chức danh cán bộ ở cấp xóm để hạn chế tăng số lượng cán bộ. Đặc biệt cần đảm bảo chế độ, chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách thôi tham gia công tác sau khi sáp nhập, mức hỗ trợ 3 tháng phụ cấp/ người đang áp dụng là không thỏa đáng mà nên tính theo thời gian cống hiến của từng người. Việc bổ sung điều chỉnh hương ước, quy ước các xóm sau sáp nhập cũng hết sức cần thiết vì trước đó, các xóm cũ đều có quy ước, hương ước riêng, sau sáp nhập cần phải có quy ước, hương ước mới cho phù hợp. Vấn đề này đề nghị Sở VH-TT&DL có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch các thủ tục hành chính, đề nghị các ngành chức năng có hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư các xóm mới thành lập trong việc làm hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan đến thủ tục hành chính.
Việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố sẽ tiếp tục được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh. Vì vậy, khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đòi hỏi các cấp, các ngành sớm vào cuộc để chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của tỉnh thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.
Đức Phượng