(HBĐT) - Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Tụng tình nguyện lên đường nhập ngũ. 22 tuổi, Lê Văn Tụng cùng triệu thanh niên thời đó đã xả thân, dầm mình trong mưa bom, bão đạn và làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ký ức về những ngày lịch sử đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của chiến sỹ Điện Biên năm nào.


Chiến sỹ Điện Biên Lê Văn Tụng (bên trái) kể về những ngày tháng khốc liệt làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.


Năm nay đã 86 tuổi, ông Lê Văn Tụng là một trong số ít nhân chứng còn lại của chiến dịch lịch sử 64 năm về trước. ông sinh ra ở mảnh đất Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), hiện sinh sống ở xóm 2, xã Tử Nê (Tân Lạc). Theo lời ông kể: Trong một đợt cấp trên về tuyển quân, ông cùng 12 thanh niên trong xóm đã xung phong lên đường nhập ngũ, khi đó ông vừa tròn 18 tuổi. Sau những ngày huấn luyện ở các huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An), ông được giao về đội quân tình nguyện và hành quân ra Bắc. Sau hơn 20 ngày hành quân, đơn vị của ông gia nhập Đại đội 4, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tại huyện Yên Lập (Phú Thọ). Tháng 3/1953, đơn vị ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Thượng Lào. Sau đó, từ tháng 6 đến tháng 8, đơn vị tập trận địa dã chiến để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 10/1953, đơn vị hành quân lên Điện Biên.
 
"Để có được chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, quân và dân ta đã có những tháng ngày chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi nhớ, quân ta mất hơn 20 ngày để kéo pháo vào trận địa, rồi lại kéo ngược trở ra để nghiên cứu lại trận địa và tiếp tục huấn luyện chiến thuật, cách đánh, sau đó mới lại kéo pháo vào trận địa. Khi đã nắm vững trận địa, bố trí được các đội quân vào vị trí thì mới phát lệnh tấn công”, ông Tụng nhớ lại. Khi đó, đơn vị của ông Tụng là một trong những đơn vị đánh trận mở đầu vào căn cứ Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh này, ông Tụng cùng 12 đồng đội làm nhiệm vụ trợ chiến. ông kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm ông không thể nào quên. Đó là khi quân ta tấn công, ở trong đồn, địch dùng súng đại liên bắn trả rất quyết liệt. Mỗi quả đạn bắn ra, cả một vùng trời rực sáng. Khi ánh sáng lóe lên, ông Tụng cùng đồng đội phát hiện ra vị trí lỗ châu mai của địch. Ngay lập tức, ông cùng đồng đội chĩa súng thẳng về vị trí đó và bắn hai loạt đạn liên tiếp. Đến loạt đạn thứ hai thì mục tiêu đã bị công phá.
 
Sau trận đánh mở màn chiến dịch vào cứ điểm Him Lam, ông Tụng tham gia các trận đánh ở đồi A1. Đây là cứ điểm quan trọng nhất, được địch xây dựng kiên cố bằng nhiều lớp phòng ngự với hỏa lực rất mạnh. Vẫn nhận nhiệm vụ trợ chiến, với khẩu súng đại liên trên tay, ông Tụng cùng đồng đội đã vượt qua các chiến hào tiến về phía trước. Những loạt đạn chát chúa, khẩu đại liên làm mát bằng nước nóng rát. Lúc này, để làm nguội súng, ông phải khom người tiến lên để lấy bình nước giữa bão đạn của kẻ thù. Thật không may, khi đang tiếp nước, 3 mảnh bom của địch đã găm vào đầu, mông, cánh tay trái của ông bị gãy. ông bị thương nặng khi chiến dịch đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Muốn tiếp tục cầm súng để cùng đồng đội tiêu diệt giặc nhưng ông đành ngậm ngùi dời trận địa.
 
Nằm ở bệnh viện với những vết thương lở loét vì nhiễm trùng nhưng ông Tụng vẫn ngóng tin từ Điện Biên Phủ. Và rồi, tin chiến thắng lịch sử báo về. Sau 6 tháng ông mới được xuất viện và được điều về Trung đoàn 363. Đến năm 1960, ông chuyển ngành sang công tác tại Ty Thương nghiệp Hòa Bình. Những đóng góp của ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương cao quý.
 
Nói về nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông Tụng nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết của toàn quân, toàn dân ta. ông chia sẻ, khi đó, một củ sắn lùi cũng bẻ đôi, bát cơm sẻ ba, sẻ bốn để cùng nhau đánh giặc. Trong số những thanh niên lên đường nhập ngũ với ông ngày nào, không ít người đã nằm xuống ở chiến trận. Những vết thương trên thân thể của Lê Văn Tụng - chiến sỹ Điện Biên năm xưa vẫn đau nhói mỗi khi trái gió, trở trời nhưng cũng là niềm tự hào cho những ngày tuổi trẻ xông pha, cho tinh thần Việt Nam trong những ngày quyết tử cho Tổ quyết, quyết sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
 

                                                                              Viết Đào

Các tin khác


Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục