Gò Cha I được biết đến là một trong những xóm có diện tích trồng mía lớn nhất ở xã Yên Nghiệp. Cây mía đã giúp nhiều hộ vươn lên có cuộc sống khá giả. Theo đồng chí Bùi Văn Khanh, Bí thư chi bộ xóm được biết: Hàng năm, trước khi bước vào vụ sản xuất, chi bộ xóm Gò Cha I thường lựa chọn nội dung chỉ đạo sản xuất để sinh hoạt chuyên đề. Quá trình sinh hoạt chi bộ, đảng viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi, bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ, chi tiết về các nội dung như: tuyên truyền, vận động bà con như thế nào, tổ chức sản xuất ra sao? Khó khăn và thuận lợi trong phát triển sản xuất... Từ đó, chi bộ ra Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi đảng viên trong tổ chức sản xuất. Nhờ vậy, vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với việc phát triển sản xuất ở xóm luôn đạt hiệu quả cao, nhất là trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với tư duy sản xuất mới như chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía và các loại rau, màu đáp ứng nhu cầu thị trường; trồng cỏ phục vụ nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo...
Cũng như ở Gò Cha I, từ xóm có xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, xóm Mặc, xã Tân Mỹ đã vươn lên trở thành một điểm sáng về công tác xoá nghèo của huyện Lạc Sơn. Có được kết quả này, theo đồng chí Bùi Văn Chè, Phó Bí thư chi bộ xóm là do hàng năm, chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế. Đồng thời tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng. Chi bộ còn phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ CB,ĐV trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, tạo niềm tin trong nhân dân, để nhân dân vững tin làm theo. Nhờ vậy, từ chỗ là xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay có trên 90% hộ của xóm đã có nhà xây kiên cố, số hộ nghèo giảm còn 8 hộ, thu nhập bình quân đầu người của xóm năm 2017 đạt 22 triệu đồng/ năm, vượt so với chỉ tiêu của chi bộ đề ra. Đưa xóm Mặc trở thành một trong những xóm có mức thu nhập bình quân cao nhất xã là do chi bộ xóm lãnh đạo nhân dân chuyển đổi sản xuất, phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt, vỗ béo đã đem lại hiệu quả cao. Tính đến nay, hầu hết các hộ trong xóm đều có chuồng và nuôi nhốt trâu, bò. Bình quân mỗi hộ có từ 2 - 3 con, cá biệt có nhà nuôi từ 5 - 7 con. Với cách làm này, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Theo đồng chí Quách Công Xưởng, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Lạc Sơn, trong những năm qua, KT-XH của huyện có những bước phát triển đáng kể. Có được kết quả này một phần là do địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của các chi bộ trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết các cấp. Đồng thời, các chi bộ chủ động bám sát nghị quyết, chỉ thị, sự chỉ đạo của cấp trên phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để đề ra các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tăng cường sự kết nối giữa CB,ĐV với quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và tổ chức đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đáng nói, trong quá trình tổ chức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Lạc Sơn đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt theo chuyên đề. Qua đó nhằm giáo dục, nâng cao ý thức chính trị, tập trung trí tuệ tập thể đề ra biện pháp lãnh đạo, khắc phục những vấn đề còn hạn chế. Các chi bộ đã lựa chọn nội dung sinh hoạt theo chuyên đề một cách phù hợp, thiết thực như bàn về công tác phát triển đảng viên mới; các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác quản lý đất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xoá đói - giảm nghèo, xây dựng NTM, phòng - chống tệ nạn xã hội, bảo đảm TTATGT và những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở khu dân cư... Từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, tạo sự kết nối, đồng thuận giữa chi bộ với đảng viên và quần chúng nhân dân.
Mạnh Hùng