Mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cho thấy, nhiều ý kiến của đại biểu QH đồng tình phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Bởi trong thực tế, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cá nhân và tổ chức có liên quan. Kết quả rà soát pháp luật hiện hành liên quan cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp này chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp cụ thể. Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37), nhiều đại biểu tán thành với phương án thứ nhất là mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai; tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án thứ hai là thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Đồng thời, có ý kiến đề nghị chỉ quy định kê khai đối với trường hợp được bầu, bổ nhiệm mà không quy định đối với tất cả. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ lựa chọn phương án thứ nhất. Giải trình về phương án này, Chính phủ cho biết, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm. Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp của QH cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn, đồng bộ hệ thống pháp luật hiện hành. Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59 dự thảo Luật), dự thảo Luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có (tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc). Đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng, cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau ngoài thu nhập từ lương, trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... Do vậy, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự. Theo quy định của Bộ luật Dân sự về căn cứ xác lập quyền sở hữu và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh thì cũng không thể coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước và cũng khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện. Đây là lần đầu tiên vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc được đặt ra và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, cho nên việc xử lý theo phương án nào, cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân. Cần có quỹ đất dành cho hoạt động thể thao Thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm là quỹ đất dành cho hoạt động thể thao. Theo đó, dự thảo Luật đưa ra hai phương án: Phương án thứ nhất trong xây dựng trường học, khu đô thị, khu dân cư, doanh trại, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao; Phương án thứ hai quy định thêm các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu ý kiến: Khu công nghiệp, khu công nghệ cao là những khu vực và môi trường chuyên dụng cho sản xuất, nghiên cứu. Ngoài giờ làm việc đây không phải là nơi sinh hoạt, sinh sống, nơi vui chơi giải trí của công nhân. Việc xây dựng công trình thể thao trong khu vực sản xuất, nghiên cứu là không thích hợp. Vì vậy, đề nghị xem xét lại các phương án để bảo đảm tính khả thi, nhất là trong điều kiện mật độ dân cư quá cao tại các khu đô thị lớn cùng với sự khan hiếm quỹ đất. Việc sử dụng đất cho thể dục - thể thao cần nằm trong tổng thể quy hoạch chung của khu dân cư, khu đô thị phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị để vừa bảo đảm quyền tham gia thể dục thể thao của người dân, vừa tránh lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực của Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) và một số đại biểu cho rằng, khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ đời sống người lao động. Do vậy, việc dành quỹ đất cho khu công nghiệp như phương án thứ hai của dự thảo luật là phù hợp. Có đại biểu cho rằng, công trình thể dục thể thao chỉ phát huy được hiệu quả tối đa khi đặt ở nơi dân cư sinh sống. Trong khi công nhân vào khu công nghiệp chủ yếu là để sản xuất. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, công trình thể thao gắn với nơi sinh sống của công nhân là phù hợp. Trên cơ sở đó, đại biểu đồng tình với phương án thứ nhất, tức là giữ nguyên như quy định hiện hành. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu ý kiến giải trình, trao đổi một số vấn đề được các đại biểu QH đặt ra. Cân nhắc quy định về xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, dự án luật quy định gồm: các đại biểu QH, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) và nhiều đại biểu tán thành đề xuất này nhưng đề nghị để bảo đảm tính khả thi và tránh việc kê khai tràn lan, hình thức như vừa qua, cần có những quy định cụ thể về xây dựng cơ sở dữ liệu, phương thức kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập, căn cứ xác minh và xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình được… Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Việc mở rộng chỉ nên thực hiện khi có đủ nguồn lực cho việc kiểm soát, nhất là khi đã có cơ chế kiểm soát thu nhập và thực hiện thanh toán qua tài khoản của nhóm đối tượng này. Cho ý kiến về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều đại biểu không nhất trí phương án Chính phủ đề xuất giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ và Thanh tra tỉnh là cơ quan chủ trì, mà đề nghị: người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương (phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên), giao Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, giao các cơ quan này kiểm soát. Người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu QH chuyên trách, giao Ủy ban Thường vụ QH kiểm soát. Về những quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc, nhiều ý kiến nêu rõ sự cần thiết có quy định về nội dung này. Một số đại biểu tán thành phương án "xử phạt hành chính” tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tăng thêm mà không giải trình được hợp lý, với mức phạt tiền bằng 45% giá trị tài sản, thu nhập. Các ý kiến lập luận, mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính; họ phải có nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Cho nên, nếu không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì Nhà nước có quyền xử phạt hành chính hành vi kê khai không trung thực. Một số ý kiến khác tán thành phương án "thu thuế” khi xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình được, với mức thuế suất bằng 45% giá trị tài sản, thu nhập. Theo phân tích của các đại biểu, việc đánh thuế các khoản thu nhập, tài sản bất minh, kể cả chưa chứng minh được có mối quan hệ trực tiếp hoặc chưa chứng minh được đó là hành vi tham nhũng, thì nên coi đây là một khoản thu nhập mới được tạo ra và người sở hữu có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu sửa đổi mức thuế cho phù hợp, bởi đề xuất "thu thuế bằng 45% giá trị tài sản, thu nhập” chưa có cơ sở vững chắc...
|
|