Hôm qua, ngày 5-6, tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu QH tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) Ðào Ngọc Dung chung quanh nhiều vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.


Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: ANH TUẤN

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ môi trường

Ngay đầu phiên chất vấn sáng qua, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Nguyễn Tạo (Lâm Ðồng) và nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng, bức xúc trước tình trạng xử lý chất thải công nghiệp, nước thải của các cơ sở y tế chậm được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn, dọc theo hệ thống kênh bắc Hưng Hải và một số khu vực ven sông, ven biển đang bị ô nhiễm nặng. Việc xử lý chất thải rắn ở các đô thị, khu dân cư là câu chuyện đã nghe Bộ trưởng giải trình nhiều, nhưng tính khả thi và hiệu quả chưa cao. Cử tri rất băn khoăn về tình trạng xử lý chất thải công nghiệp theo phương thức chôn lấp là chính. Vấn đề đặt ra là: Tại sao đến nay tại các đô thị chúng ta chưa làm được việc tưởng chừng đơn giản là phân loại rác tại nguồn?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay cần được quan tâm đặc biệt; trong đó chất thải từ nông thôn có cả chất thải làng nghề, cụm công nghiệp, các khu công nghiệp, công nghệ. Thực tế, vừa qua chúng ta chưa làm được nhiều và chưa làm căn cơ, bài bản, đặc biệt là khu vực làng nghề, cụm công nghiệp. Việc xử lý cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường, theo luật quy định là thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế và UBND các địa phương. Theo đó, chất thải y tế có nguy hại phải xử lý tại bệnh viện. Ðến nay, phần lớn bệnh viện ở các thành phố lớn và nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn các chất thải rắn y tế nguy hại, độc hại đã được đưa đi xử lý tập trung tại các trung tâm xử lý chất thải nguy hại. Thời gian tới, Bộ TN và MT sẽ thanh tra chuyên đề về bảo vệ môi trường trong ngành y tế để có báo cáo đầy đủ hơn.

Ðể siết chặt công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới, Bộ TN và MT phối hợp triển khai quy hoạch việc xử lý rác thải; hướng dẫn người dân làm tốt công tác phân loại rác; theo dõi chặt hoạt động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp lớn, khu công nghiệp ven sông, ven biển có nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường. Rà soát đánh giá hoạt động của các cụm công nghiệp ở các địa phương. Giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát chất thải, nước thải và ô nhiễm không khí tại các địa phương, nhất là ở các cụm công nghiệp, làng nghề, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường. Cùng với đó, quản lý chặt tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước; làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường...

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng đã phát biểu trả lời thêm một số nội dung các đại biểu QH và cử tri quan tâm, chất vấn. Trong đó, công tác quản lý đất đai, đặc biệt ở đô thị, các khu vực phát triển kinh tế, khu vực ven biển trong những năm qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần từng bước lập lại trật tự trong quản lý sử dụng đất đai, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, công tác quy hoạch đất đai xây dựng chưa được quan tâm đến các không gian công cộng cho người dân, nhất là những khu du lịch không có chỗ để xuống bãi biển của người dân, thiếu không gian công cộng, giao thông như nhiều đại biểu đã nói. Trong khi có quá nhiều dự án phát triển nhà ở, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort...

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng TN và MT, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn; câu hỏi của các đại biểu ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu QH và cử tri quan tâm. Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn thiếu sót, hạn chế và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới… Ðề nghị Chính phủ, Bộ trưởng TN và MT và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu QH để chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Trần Văn Mão (Nghệ An) và nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng LÐ-TB và XH Ðào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực đóng góp một vai trò rất quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay thấp, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý, các điều kiện để bảo đảm cho người lao động và người làm việc, như thu nhập, độ an toàn và mạng lưới an sinh… chưa cao. Thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần được ưu tiên. Bởi giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần rất quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động phù hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.

Về giải pháp đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất lao động và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết, có ba việc phải quan tâm. Thứ nhất, phải quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới đào tạo nghề. Thứ hai, chuyển mạnh sang tự chủ, sẽ là một động lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập là đúng với tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 và đặc biệt là tinh thần của Nghị quyết T.Ư 7. Ðây cũng là một yêu cầu trong đề án đổi mới và tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đã phê chuẩn. Thứ ba, trong giáo dục nghề nghiệp phải chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối doanh nghiệp. Trong hai năm qua, Bộ đã kiên trì, tập trung cùng các địa phương sắp xếp một bước các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đã giảm được 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở nghề nghiệp ở các huyện theo phương châm tích hợp lại 3 trong 1 và 2 trong 1. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Hiện nay, Bộ đang cùng với các địa phương rà soát lại theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 là những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng yêu cầu trong thời gian ba năm vừa qua thì mạnh dạn tổ chức, sắp xếp lại, nếu trong trường hợp không đáp ứng được nữa thì có thể giải thể.

Một số đại biểu chất vấn về việc Bộ LÐ-TB và XH không tiếp tục đưa người tại một số địa phương đi lao động ở nước ngoài. Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết, phía Hàn Quốc đang tạm thời không tiếp tục tiếp nhận người lao động tại một số địa phương có tỷ lệ người bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp cao. Ðây không phải chủ trương của Bộ mà do phía Hàn Quốc yêu cầu. Hiện nay, 12 tỉnh với 58 huyện có tỷ lệ người lao động trốn ở lại cao không được đưa người đi lao động tại Hàn Quốc. Trước thực trạng này, Bộ LÐ-TB và XH đã đàm phán với Hàn Quốc, trong đó đã tìm được sự đồng thuận về việc tiếp tục tiếp nhận người lao động ở các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đi làm việc ở Hàn Quốc.

Nhiều đại biểu QH chất vấn về thực trạng sinh viên, thanh niên ra trường nhưng nhiều người thất nghiệp, chưa tìm được việc làm và trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào? Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết, thực trạng này tồn tại đã lâu. Nhưng trong thực tế, một năm số lao động mới vào thị trường và sinh viên tốt nghiệp là 700 nghìn người, trong khi số sinh viên thất nghiệp là 200 nghìn người. So với tỷ lệ chung của khu vực và thế giới, chúng ta không nên quá lo lắng và cần quan tâm nhất là chất lượng lao động, chất lượng việc làm. Về giải pháp, cần tiếp tục phát triển doanh nghiệp, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, làm cơ sở để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực. Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nghề nghiệp, lao động; có đề án giúp sinh viên khởi nghiệp. Ðồng thời, định hướng, tuyên truyền để thanh niên không coi vào đại học là con đường duy nhất trong lập thân, lập nghiệp.

Bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại, bạo hành

Các đại biểu: Nguyễn Tạo (Lâm Ðồng), Lê Thị Nga (Thái Nguyên) và nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng về thực trạng xâm hại, bạo hành trẻ em và những giải pháp phòng, chống của Bộ LÐ-TB và XH cùng các bộ, ngành khác trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết: Ở nước ta hằng năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành và con số đáng lo ngại này có thể tăng lên. Thời gian gần đây xuất hiện một số vụ việc có tính chất phức tạp hơn. Ðáng chú ý, nhiều thủ phạm (gần 60%) là người thân, quen của nạn nhân. Trước thực trạng này, cần khẩn trương tăng cường công tác giáo dục truyền thông trong gia đình, đề cao trách nhiệm các bậc bố mẹ, anh, chị trong việc bảo vệ con, em mình. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi pháp luật, bảo đảm trừng trị nghiêm minh những kẻ phạm tội. Tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động dịch vụ công bảo vệ trẻ em để có đội ngũ chuyên gia có thể phản ứng nhanh trước các vụ việc, kịp thời bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần mở rộng việc huấn luyện các kỹ năng cần thiết giúp trẻ phòng, chống xâm hại, bạo hành.

Ðại biểu tiếp tục chất vấn về trách nhiệm, giải pháp của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành trong việc phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em. Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết: Về cơ bản, hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em ở nước ta là đầy đủ, trong đó quy định rõ ràng từng bộ, ngành với những nhiệm vụ cụ thể trong bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, có những vụ việc xâm hại trẻ em chưa được giải quyết dứt điểm, chưa thấu đáo cho nên gây bức xúc và lo lắng trong nhân dân như các đại biểu QH nêu ra. Khi xảy ra những vụ việc liên quan xâm hại trẻ em, nhất là những vụ nghiêm trọng, Bộ LÐ-TB và XH đều chủ động có ý kiến. Có những vụ việc được Tòa án xét xử chưa thấu đáo, Bộ đã nói rõ quan điểm không đồng tình và đề nghị tiếp tục xem xét để xử lý nghiêm minh. Ðể công tác bảo vệ trẻ em thật sự hiệu quả, đề nghị các bộ, ngành liên quan cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và xử lý kịp thời, trừng trị thích đáng tội phạm xâm hại, qua đó bảo vệ tốt cuộc sống của trẻ em.

Cùng tham gia trả lời chất vấn về bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại và bạo hành, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu cho biết: Xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc được các đại biểu QH và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Muốn bảo vệ tốt trẻ em, cần một hệ thống pháp luật đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, rèn luyện kỹ năng cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về "nhạc trưởng” trong nhiệm vụ này để bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm: Việc điều tra, xét xử những vụ việc xâm hại trẻ em gặp rất nhiều khó khăn do đặc điểm tâm lý của nạn nhân và sự phức tạp của tội phạm. Ngành tòa án đã ban hành nhiều hướng dẫn nghiệp vụ, các giáo trình hướng dẫn xử lý tội phạm xâm hại trẻ em; phối hợp Bộ Công an ban hành những thông tư cần thiết cho việc phòng ngừa, điều tra, xử lý, xét xử tội phạm và bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ bị xâm hại nói riêng… Phát biểu ý kiến giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, đối tượng xâm hại trẻ em gồm cả người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội. Công tác điều tra gặp khó khăn là do việc tố cáo xâm hại còn chậm, cho nên quá trình thu thập chứng cứ khó khăn, ảnh hưởng tiến độ xử lý. Hơn nữa, phần lớn các vụ xâm hại không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi, tâm lý hoảng loạn khai báo không chính xác…

Tham gia phiên trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cung cấp thông tin, giải đáp về những vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ðối với cơ cấu lao động trong nước, tỷ lệ đào tạo giữa các bậc đại học, cao đẳng, sơ cấp còn thiếu cân đối. Hiện nay, cứ 100 người lao động, chỉ có hơn 50 lao động được đào tạo, trong đó khoảng 22 người có bằng cấp, hơn 30 người chưa có bằng cấp, gần 50 người còn lại chưa được đào tạo nghề. Ngành lao động cần tập trung cải cách hệ thống giáo dục phổ thông, dạy nghề, đại học, trên đại học, "nắn” việc đào tạo nghề theo mô hình thị trường lao động…

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng LÐ-TB và XH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, các ý kiến chất vấn đúng trọng tâm. Bộ trưởng nắm chắc lĩnh vực phụ trách, trả lời thỏa đáng phần lớn vấn đề được nêu ra. QH đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những hạn chế; rà soát hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật liên quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động.

 

          TheoNhandan

Các tin khác


Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục