Công tác tuyên truyền đến từng hộ dân để "dân biết, dân bàn” là mấu chốt để xã Địch Giáo (Tân Lạc) thuận lợi trong thực hiện Đề án 1084.
Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
Đồng chí Bùi Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Địch Giáo cho biết: Trước khi sáp nhập, xã Địch Giáo có 14 xóm, trong đó có những xóm chỉ có 30 - 40 hộ dân. Thực hiện Đề án 1084, Địch Giáo đã sáp nhập 12 xóm thành 6 xóm. Nhờ đó, bộ máy cán bộ không chuyên trách được tinh gọn. Mỗi năm, xã tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng kinh phí chi trả cho những cán bộ này. Đến nay, xã còn 8 xóm, công tác quản lý, điều hành sau sáp nhập diễn ra bình thường, đời sống, tâm lý của người dân ổn định.
Chúng tôi đến xóm Mùn - xóm được thành lập từ sự sáp nhập của xóm Mùn và xóm Mười. Hai xóm liền kề có mối quan hệ thân thiết, việc khó, việc dễ đều có nhau. Trong đó, xóm Mùn có 90 hộ dân, xóm Mười có 30 hộ. "Ban đầu, chúng tôi cũng hoang mang, nếu sáp nhập thì nhiều thứ sẽ đảo lộn, nhất là về các loại giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, qua các cuộc họp được tuyên truyền, giải thích thấu đáo, bà con hiểu được việc sáp nhập chỉ có lợi chứ không hại gì. Sau vài tháng sáp nhập, chúng tôi nhận thấy, đây là chủ trương đúng đắn, mối quan hệ làng xóm ngày càng gắn bó, việc gì khó đông người cùng tập trung giải quyết sẽ nhanh gọn hơn”, ông Bùi Văn Linh, xóm Mùn chia sẻ.
Trong 12 xóm, việc sáp nhập ở xóm Sung 3 gặp khó khăn nhất. Lý do, theo đề án, Sung 3 sẽ sáp nhập với xóm Đồi Lò, lấy tên mới là xóm Đồi Sung. Tuy nhiên, bà con ở Sung 3 lại mong muốn sáp nhập với xóm Sung 1 và Sung 2, đây là 2 cụm dân cư của xóm Sung trước đây (khi chưa phân tách thành 3 xóm Sung). Qua các buổi họp dân, Ban chỉ đạo Đề án 1084 xã Địch Giáo đã bám sát cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhờ đó "nút thắt” được gỡ, đến lần lấy phiếu biểu quyết lần hai, nhân dân xóm Sung 3 đã nhiệt tình ủng hộ.
Một yếu tố quan trọng khác để Địch Giáo triển khai đề án thuận lợi, đó là vai trò đi đầu, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên. Trong đó, nổi bật nhất chính là những bí thư chi bộ, trưởng xóm cũ. "Khi sáp nhập hai xóm thành một thì chắc chắn sẽ có những cán bộ lâu năm phải nghỉ nên nhiều cán bộ cũng hoang mang. Thế nhưng, qua các buổi tiếp xúc, họ đều vì cái chung, tích cực tuyên truyền đến các hộ dân và thực hiện các bước theo đúng những gì Đề án hướng dẫn. Đó là yếu tố rất quan trọng để việc thực hiện đề án diễn ra thuận lợi”, đồng chí Bùi Văn Đình, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
Khí thế mới ở xóm mới
Là xã đầu tiên của huyện Tân Lạc cán đích trong hành trình xây dựng NTM, vì thế chúng tôi không quá bất ngờ với những đổi thay ở các bản làng của vùng Mường Bi vốn được coi là trù phú này. Những con đường làng được bê tông hóa rộng thênh thang, những bờ rào bằng bương tre ngày nào, giờ được thay thế bằng gạch kiên cố. "Những hiệu quả mà chương trình NTM đem lại rất thiết thực, bộ mặt làng xóm thay đổi hẳn. Các chủ trương mà Đảng và Nhà nước thực hiện đều với mục đích đem lại sự no ấm cho dân. Việc sáp nhập thôn, xóm cũng vậy, không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn tạo động lực để các xóm phát triển”, ông Bùi Đình Chi, xóm Khạng chia sẻ.
Xóm Khạng mới được thành lập với 117 hộ, là kết quả của cuộc "hôn nhân” giữa xóm Bưa Lay (38 hộ) và xóm Khạng (79 hộ). Nói về việc thực hiện Đề án 1084, đồng chí Bùi Văn Nhựng, bí thư chi bộ xóm Khạng tóm gọn trong 5 chữ "ý Đảng hợp lòng dân”. Bởi bà con ở Bưa Lay và Khạng vốn là anh em, họ hàng, việc gì cũng có nhau nên từ lâu, họ đã muốn về chung "một nhà”. Quan trọng nhất là: "Trước đây, để xây dựng được nhà văn hóa của xóm, chúng tôi phải đóng góp, tích cóp rồi gửi ngân hàng trong 3 - 4 năm. Còn ở Bưa Lay, vì số hộ ít hơn nên thời gian phải gấp đôi, gấp ba lần. Nhưng, khi hai xóm sáp nhập làm một thì sự đóng góp sẽ lớn hơn. Những việc khác cũng vậy, có nhiều người cùng tập trung làm thì dễ thành công hơn”, đồng chí bí thư chi bộ xóm Khạng lý giải.
Sau vụ mùa bội thu, ở sân nhà văn hóa xóm Khạng, bà con tranh thủ tiết trời nắng ráo để phơi thóc. Tiếng cười nói rộn ràng, không khí vui tươi, sôi nổi. Theo chia sẻ của bà con, trước đây, ở sân bóng chuyền của xóm chỉ có mấy người chơi thể thao. Từ ngày sáp nhập xóm, bà con trong Bưa Lay cũng ra chơi nên không khí đông vui hơn hẳn. Đó là những biểu hiện sinh động, luồng sinh khí mới ở những bản Mường này.
"Khi sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất có diện tích lớn hơn. Đó là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Thêm nữa, việc triển khai các dự án đầu tư cũng thuận lợi hơn, không phải chia nhỏ như trước đây nên hiệu quả đem lại sẽ cao hơn”, đồng chí Bùi Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Địch Giáo nhấn mạnh.
Đề án 1084 đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực đối với xã Địch Giáo (Tân Lạc). Bà con mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ nhà văn hóa để đảm bảo cho các hoạt động, sinh hoạt của xóm mới. Với lượng công việc lớn hơn, những cán bộ không chuyên trách cũng mong được tăng mức phụ cấp. Cùng với đó là việc xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tìm và đưa các mô hình kinh tế phù hợp để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Viết Đào