Đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh tham gia học tập, quán triệt Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
PV: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 181-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Sau 4 năm thực hiện, ngày 15/11/ 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW thay thế, vì Quy định số 181-QĐ/TW, bên cạnh những mặt tốt đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc. Cụ thể, Quy định số 181-QĐ/TW chưa bao quát hết phạm vi hoạt động và các khuyết điểm, vi phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, Quy định số 102-QĐ/TW được ban hành để phù hợp với tình hình mới và giải quyết những vướng mắc trong quá trình xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
PV: Những điểm mới cơ bản của Quy định số 102-QĐ/TW là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Về bố cục, Quy định số 102-QĐ/TW giữ nguyên 5 chương, nhưng tăng thêm 1 điều thành 37 điều. Mỗi điều có bổ sung, sửa đổi với trọng tâm là cụ thể hoá những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ đã được NQ T.ư 4, khoá XII xác định. Quy định mới bổ sung thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên tại Điều 3, Quy định số 102-QĐ/TW, đó là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Các Quy định trước đây của Đảng chưa đặt ra vấn đề thời hiệu. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường hợp sai phạm diễn ra đã lâu, nếu cứ thi hành kỷ luật thì không còn nhiều ý nghĩa răn đe, giáo dục, phòng ngừa, chưa kể khả năng khắc phục hậu quả thấp. Hơn nữa, pháp luật cũng có quy định về thời hiệu kỷ luật hành chính, cần bổ sung cho đồng bộ và theo Quy định số 102-QĐ/TW, đảng viên vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách thời hiệu là 5 năm; cảnh cáo, cách chức là 10 năm. Nếu đảng viên còn trong thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới. Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về AN-QP, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp. Như vậy, so với thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với CB,CC,VC vi phạm (không quá 24 tháng) thì kỷ luật của Đảng có thời hiệu lâu hơn, vì đảng viên có yêu cầu cao hơn.
Một điểm mới nữa là quy định không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đang được tổ chức Đảng xem xét, thi hành kỷ luật.
PV: Xin đồng chí cho biết, một số trường hợp kỷ luật cán bộ, đảng viên đã áp dụng hình thức "Cho thôi chức”. Quy định số 102-QĐ/TW đưa ra nguyên tắc "Cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức”. Các thuật ngữ này khác nhau thế nào?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Việc "Cho thôi chức” được nêu tại Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Trong trường hợp CB,ĐV bị kỷ luật cho thôi chức sẽ được điều động, phân công làm công tác khác chứ không làm công việc cũ. Tuy nhiên, quá trình xử lý thời gian qua xuất hiện một số trường hợp cho thôi chức thì không phải kỷ luật. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cho rằng, đảng viên vi phạm đến mức nào thì phải xử lý đến mức đấy, không được "Thôi chức” thay cho "Cách chức” hoặc "Xoá tên đảng viên” cũng không phải hình thức kỷ luật mà phải là hình thức "Khai trừ”.
Vừa qua cũng có những trường hợp xử lý nội bộ đối với đảng viên vi phạm pháp luật. Quy định mới đưa ra nguyên tắc "Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ”. Qua đó cho thấy, quy định nào cũng xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, không chung chung. Thực tiễn đặt ra phải có quy định để ngăn chặn việc đảng viên vi phạm pháp luật. Theo đó, đảng viên vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, không được xuê xoa, chỉ xử lý nội bộ. Chỉ cho thôi giữ chức vụ trong trường hợp đảng viên vi phạm bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo và xét thấy đảng viên đó không còn đủ uy tín.
PV: Đảng viên không được luân chuyển, bổ nhiệm khi đang bị xem xét, thi hành kỷ luật, xin đồng chí giải thích về nội dung này?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Đây cũng là điểm mới Quy định số 102-QĐ/TW được quy định tại khoản 11, Điều 2. Theo đó không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
Tại khoản 9, Điều 2, Quy định số 102-QĐ/TW nêu rõ, nếu tổ chức Đảng đã quyết định kỷ luật đối với đảng viên mà tổ chức Đảng đó có vi phạm trong việc xem xét, xử lý đến mức phải kỷ luật thì cấp ủy hoặc Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định; khác với Quy định số 181-QĐ/TW là do cấp ủy hoặc UBKT cấp trên xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, theo Quy định số 102-QĐ/TW, sau 1 năm kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ), nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên hết hiệu lực. Quy định số 181-QĐ/TW thì quy định được tính từ ngày có quyết định kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật.
PV: Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là hình thức kỷ luật cao nhất là "Khai trừ” sẽ được áp dụng đối với các đảng viên lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng chí có quan điểm gì về vấn đề này?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Đây là một trong những nội dung mới được quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 7, Quy định số 102-QĐ/TW. Vi phạm này là một trong những biểu hiện về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ theo NQ T.ư 4 khóa XII. Quy định này là rất cần thiết trước sự phát triển của mạng xã hội và tình hình vi phạm của đảng viên gần đây. Việc tham gia mạng xã hội là quyền của mỗi công dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngoài các quy định của pháp luật, đảng viên còn phải chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng. Việc xây dựng Đảng TSVM là trách nhiệm của mọi đảng viên, mọi tổ chức Đảng. Mặt khác, Điều lệ Đảng đã quy định rất rõ nhiệm vụ và quyền của đảng viên trong xây dựng Đảng. Do đó, nếu đảng viên lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng là vi phạm rất nghiêm trọng kỷ luật Đảng, cần phải xem xét, xử lý nghiêm khắc.
PV: Xin đồng chí cho biết, UBKT Tỉnh ủy sẽ có biện pháp nào để đưa Quy định số 102-QĐ/TW vào cuộc sống, đảm bảo cho đảng viên, người dân hiểu và thực hiện đúng?
Đồng chí Hoàng Văn Đức: Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch và đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 102-QĐ/TW cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công tác KT,GS nói chung gắn với nội dung Quy định số 102-QĐ/TW; Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22/3/ 2018 của UBKT Trung ương về thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW nói riêng để CB,ĐV biết, hiểu đúng, thực hiện đúng và mọi người dân biết, theo dõi, giám sát việc thực hiện của CB,ĐV, góp phần phòng ngừa vi phạm của CB,ĐV.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đức Phượng (Thực hiện)