Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát
biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hội nghị đã nghe Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống
tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiệm vụ và giải pháp
trọng tâm thời gian tới.
Các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung Báo cáo, đồng thời bổ sung,
làm rõ thêm nhiều vấn đề; nêu thêm một số kinh nghiệm, cách làm tốt trong lãnh
đạo, chỉ đạo thời gian qua và đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh một số giải pháp nhằm
đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.
Qua thảo luận kiểm điểm kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ
Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiều đại biểu đánh giá công tác tuyên truyền,
giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; chưa tạo được sự chuyển
biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người
dân về phòng, chống tham nhũng.
Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống
tham nhũng chưa đa dạng, phong phú, phối hợp thực hiện chưa đồng bộ, chặt chẽ.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ các quy định của
Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nên thiếu tự giác trong chấp hành; vẫn
còn tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm khắc
nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm "chùn”
bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm "chậm lại” sự
phát triển.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa
đáp ứng yêu cầu; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số
lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, dễ bị lợi dụng để
tham nhũng, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực quản
lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng
tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đấu
thầu...
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thu hồi
tài sản tham nhũng còn thấp; phát hiện và xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương
chưa có chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh,”
nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác phòng, chống tham nhũng; tham
nhũng "vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Các đại biểu dự Hội nghị thống nhất với các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp
trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới được xác định
trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục,
nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không
tham nhũng; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ,
đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, trước hết là sự gương mẫu,
quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan,
tổ chức, đơn vị.
Các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện
các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang chính
trị, pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có
hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng,
quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
trong Đảng và bộ máy Nhà nước; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về
công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ có
đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình
mới; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để
phòng, chống tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về
công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ
chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền
hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện
sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu
quả thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu
quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; từng
bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng
và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ rõ phòng, chống tham nhũng là công việc
hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên
trì.
Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có
sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống
tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn
làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân
dân biết, ủng hộ và giám sát.
Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan
nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được.
Ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì
chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, cần có cơ chế để
bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm,
dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất
nước; đồng thời cần kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản bác
luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng để chia rẽ nội bộ, nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước
và chế độ ta.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu
quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và
hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; làm
cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng
viên sai phạm không làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, càng
làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và
tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng
lợi mọi nhiệm vụ.
Chú trọng thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng
thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang
mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử.
Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh
chống tham nhũng; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch,
lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm khắc
việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham
nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là phải xây dựng
ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật
của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động xử lý khi có xung đột
lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp;
phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự,
biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.
Đặc biệt, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên
sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn
dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "làm cho quần chúng
khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ
tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi,
không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp," như lời Bác Hồ
đã căn dặn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu
từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng
ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng."
Hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định
về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về
việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục
lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản
lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện
tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám
nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…; khẩn trương
xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong
quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, nhất là ở các lĩnh vực dễ
xảy ra tham nhũng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng
đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong
tình hình mới.
Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự
diễn biến," "tự chuyển hóa"; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa
cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm."
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; đối với những người
vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. Mục đích kỷ
luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán
triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử
lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống dưới, giám sát từ dưới lên,
phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát
thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo. Xử lý nghiêm kỷ luật Đảng, đồng
thời kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các
hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu
trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm
từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử
lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó
phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không "rút kinh nghiệm"
chung chung...
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém
trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc; kiểm
tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện
tham nhũng; có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ
lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản
lý.
Cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên phải
nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các việc làm sai trái, lợi
ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức,
chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng,
phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những
hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền;
kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng
thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong
công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ
lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Kiên quyết thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn
với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và
đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến
lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị
quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII.
Đồng thời, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền
lực để phòng, chống tham nhũng. Quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha
hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên
phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với
người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm
soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền
hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy,
phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận
hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hóa"; phân công,
phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm
việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng
gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham
nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; quan trọng hơn
là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản
bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải "nhốt quyền lực
vào trong lồng cơ chế".
Tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng
đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai quy trình sử
dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát.
Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối
ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu
trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.
Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi;
công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí
công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc
đều xuất phát từ dân, vì dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ
việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu
quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham
nhũng. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn
trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng
"trên nóng, dưới lạnh."
Tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào những nơi có vấn đề phức tạp,
dư luận quan tâm, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử
lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý,"
"lót tay," gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết
công việc.
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh
tế, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt
quan tâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và
pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa
tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm
tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm
tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu
quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham
nhũng.
Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải là
những "thanh bảo kiếm" sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những
việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân; có nghiệp vụ, bản lĩnh bảo vệ
cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng; có quy định để
ngăn ngừa có hiệu quả những sự tác động không theo đúng quy định của Đảng và
pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cơ quan này./.
TheoNhandan